Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh tới làng nghề trầm hương ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Các sản phẩm của làng nghề làm ra không có nơi tiêu thụ, cuộc sống của người dân và lao động gặp nhiều khó khăn.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh tới làng nghề trầm hương ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Các sản phẩm của làng nghề làm ra không có nơi tiêu thụ, cuộc sống của người dân và lao động gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm không bán được
Những ngày này, không khí ở làng nghề trầm hương thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng) khá trầm lắng, ảm đạm. Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương phải tạm dừng hoạt động vì không có khách tới tham quan, trao đổi mua bán. Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng cho biết, từ Tết Nguyên đán đến nay, làng nghề trầm hương rơi vào khó khăn. Nguồn tiêu thụ sản phẩm bị giảm hơn 90%, các đầu mối thu mua ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Nha Trang, Hà Nội báo ngừng nhập hàng. Điều này khiến người dân trong làng phải sản xuất cầm chừng. Đối với những sản phẩm đã hoàn thiện, người dân phải tìm phương pháp bảo quản để không bị ẩm mốc, đợi dịch bệnh đi qua mới có thể xuất hàng trở lại.
Làng nghề trầm hương Vạn Thắng có hơn 300 hộ làm nghề với hơn 1.000 lao động. Làng nghề đã tạo việc làm với mức thu nhập khá cho người dân. Thế nhưng giờ đây, dịch bệnh Covid-19 đã khiến làng nghề rơi vào khó khăn. Các mối hàng xuất bán trong nước cũng như ngoài nước bị dừng hẳn. Hiện nay, đã có hơn 50% hộ dân phải ngừng sản xuất, số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc làm nốt số nguyên liệu đã nhập về trước đó. Ông Huỳnh Thông cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề đã hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy tình hình ảm đạm như bây giờ. Ngay cả cửa hàng bày bán sản phẩm trầm hương của gia đình thuê ở TP. Nha Trang cũng phải trả lại vì khách du lịch không có; xưởng sản xuất, chế tác trầm của gia đình phải tạm ngưng hoạt động hơn một tháng nay, sản phẩm chất đầy kho vì không bán được. Người lao động không có việc làm khiến cuộc sống gặp khó khăn”.
Mong được hỗ trợ
Theo ông Trần Công Đức, vài năm gần đây, làng nghề trầm hương Vạn Thắng đang trên đà phát triển mạnh. Các sản phẩm trầm của làng nghề được xuất bán nhiều nơi trong, ngoài nước và được khách hàng đánh giá cao. Do đó, người làm nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để có vốn đầu tư, hầu hết các hộ làm nghề đều phải vay mượn ngân hàng. Hộ vay ít nhất cũng 300 triệu đồng, hộ nhiều hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến sản phẩm của làng nghề bị tồn kho, không có thu nhập. Nếu dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất vẫn phải ngừng thì không biết người dân lấy tiền đâu để trả cho ngân hàng. Do vậy, người dân mong ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất cho người dân; các ngành chức năng, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Lãnh đạo huyện Vạn Ninh cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của làng nghề trầm hương Vạn Thắng. Đã có nhiều hộ dân phải ngừng hoạt động. Địa phương cũng đã nắm tình hình và sẽ báo cáo, kiến nghị với các ngành chức năng, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho làng nghề; bên cạnh đó có chính sách giảm thuế, khoanh nợ, giảm lãi vay ngân hàng. Đồng thời, sau khi dịch bệnh qua đi, cần có chính sách hỗ trợ vốn để các hộ dân phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn.
VĂN GIANG