Những năm qua, rong câu là nguồn thu nhập khá của người dân ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rong gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, rong câu là nguồn thu nhập khá của người dân ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rong gặp nhiều khó khăn.
Tiền triệu từ rong
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng ngày, nhiều thuyền nhỏ của cư dân các xã ven đầm Thủy Triều như: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… ra khơi thu hoạch rong. Rong câu mọc ở độ sâu chừng 1 - 1,5m, cách bờ chưa đầy 1km nên việc khai thác khá đơn giản. Một người lặn xuống vớt rong, người còn lại kéo rong lên. Từ sáng sớm đến trưa, 2 lao động có thể vớt được hàng tạ rong. Buổi chiều, mọi người tập trung phơi rong. Mất từ 1 - 2 nắng, từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau là rong khô, có thể đưa vào bạt tủ lại chờ thương lái đến cân.
Anh Nguyễn Tấn Lực (thôn Tân Hải, Cam Hải Tây) cho biết, gia đình anh thường xuyên thu hoạch rong trên đầm Thủy Triều. 2 lao động 1 ngày có thể vớt 2 - 3 tạ rong (quy ra rong khô khoảng 1 - 1,5 tạ). Hiện nay, giá bán rong khô 6.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày anh thu vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Từ Tết đến nay, gia đình anh kiếm gần 20 triệu đồng.
Những người vớt rong cho biết, nguồn lợi rong câu không theo quy luật nhưng thường những năm hạn nhiều thì rong lại phát triển mạnh. Có thời kỳ rong xuất hiện liên tục, năm nào cũng có nhưng cũng có năm gián đoạn. Mùa rong có thể kéo dài 6 tháng. Năm nào có rong là người dân ven đầm có thêm nguồn thu nhập. Rong có 2 loại: loại lớn gọi là rong lửa có giá bán hơn 6.000 đồng/kg; loại nhỏ gọi là rong chỉ hay rong chân vịt, giá bán rẻ, chỉ bằng 1/2 loại lớn. Tuy nhiên, rong chân vịt dễ khai thác, thường mọc hoang tại các khu vực cạn, bờ, đìa nuôi tôm.
Theo anh Trần Công Duy (thôn Tân Hải), năm nay may mắn có rong xuất hiện, giúp người dân có thêm thu nhập trong bối cảnh việc đánh bắt cua, ghẹ trên đầm gặp khó, phụ thuộc vào con nước. Mươi ngày mới có một con nước, khi đó mới đánh bắt được sản vật của đầm nên công việc của anh cũng ngưng trệ theo.
Tiêu thụ khó, giá hạ
Theo người dân, gần 1 tháng trở lại đây, việc tiêu thụ rong gặp nhiều khó khăn. Trên bãi tập kết rong ở thôn Tân Hải, gần chục đống rong khô phủ bạt nằm chờ thương lái. Theo những người vớt rong, giá rong hiện nay xuống thấp, chỉ còn một nửa so với cách đây hơn tháng. Bà Nga - tiểu thương thu mua rong tại Cam Hải Tây cho hay, năm nay sản lượng rong thu hoạch từ đầm khá lớn, có thể coi là được mùa. Rong lớn tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên… Sản phẩm là các loại sâm nam, thạch đông sương nhưng hiện nay việc tiêu thụ chậm, tồn hàng chục tấn trong kho. Rong nhỏ chủ yếu xuất đi Hải Phòng - nơi có các doanh nghiệp thu mua, chế biến các mặt hàng khác có giá trị gia tăng cao.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, rong câu là nguồn lợi giúp người dân các thôn ven đầm có thêm thu nhập. Ngoài khu vực Tân Hải, Cam Hải Tây, còn có các thôn Tân Quý, Suối Cam (Cam Thành Bắc) và các thôn của xã Cam Hải Đông. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ gặp khó nên rong chất đống, giá giảm.
V.L