Thời gian qua, về cơ bản việc quản lý thông tin thuê bao di động đã được các doanh nghiệp viễn thông, đại lý bán SIM điện thoại thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh một số bất cập cần được theo dõi, quản lý chặt hơn.
Thời gian qua, về cơ bản việc quản lý thông tin thuê bao di động đã được các doanh nghiệp viễn thông, đại lý bán SIM điện thoại thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh một số bất cập cần được theo dõi, quản lý chặt hơn.
Một người đăng ký nhiều SIM
Để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Thái Sinh (chủ một đại lý phân phối đồ uống ở đường 23-10, TP. Nha Trang) mua 10 SIM điện thoại trả trước, phát cho nhân viên giao hàng. 10 số thuê bao đó, ông Sinh đều đăng ký chính chủ dưới tên mình. Ông cho biết: “Nhân viên giao hàng của tôi chỉ mang tính thời vụ nên khi nghỉ việc họ thường không trả sim điện thoại. Những khi đó, tôi cũng không nhớ để báo nhà mạng cắt số thuê bao. Tôi cũng băn khoăn là nếu cứ để thế mà người sử dụng SIM có dùng nó vào những việc vi phạm pháp luật thì cũng rầy rà”. Cũng tương tự, có nhiều phụ huynh đứng ra đăng ký thuê bao di động cho con cháu trong gia đình để dễ theo dõi, liên lạc. Hoặc trường hợp các mạnh thường quân mua SIM vào hoạt động từ thiện…
Theo quy định, tất cả thuê bao di động đều phải được đăng ký thông tin, hình ảnh chính chủ. Tuy nhiên, lại chưa có quy định một người được đăng ký tối đa bao nhiêu SIM nên các doanh nghiệp hầu như chưa khống chế số lượng thuê bao mà một người có thể đăng ký. Doanh nghiệp viễn thông cũng chỉ quản lý các thuê bao trên cơ sở đăng ký thông tin chính chủ, còn việc cụ thể các thuê bao sau khi được đăng ký sử dụng vào mục đích gì thì không thể kiểm soát được. Phía doanh nghiệp viễn thông chỉ khóa hoặc cắt số thuê bao trong trường hợp thuê bao đó không phát sinh cước liên tục một khoảng thời gian theo quy định.
Cần quản lý chặt hơn
Mới đây, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông có báo cáo về kết quả thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã thanh tra đối với 5 chi nhánh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cùng với 13 cửa hàng, đại lý phân phối, bán sim thuê bao di động; 20 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ thuê bao di động với số lượng lớn. Nhìn chung, việc quản lý thông tin thuê bao di động được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vào thời điểm thanh tra, không phát hiện tình trạng bán SIM rác trên thị trường. Sở Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin đăng ký lại thông tin đối với 57 SIM của 20 chủ thuê bao.
Tuy nhiên, qua thanh tra vẫn thấy còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đăng ký sử dụng SIM với tư cách cá nhân, nhưng phân phát cho nhiều người dùng. Điều này dễ phát sinh trường hợp người sử dụng trực tiếp tự ý chuyển quyền sử dụng mà người đăng ký thuê bao không kiểm soát được. Như vậy, việc quản lý thông tin đối với các thuê bao chuyển quyền sử dụng khó thực hiện được. Một số trường hợp cá nhân đăng ký sử dụng SIM thuê bao di động có số lượng lớn với mục đích sưu tầm SIM có số đẹp. Nếu trường hợp cá nhân chủ thuê bao này thực hiện bán SIM cho người khác sử dụng và không đăng ký thủ tục chuyển quyền sử dụng thì cũng gây khó khăn cho việc quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, để giải quyết tình trạng trên, các doanh nghiệp viễn thông cần thường xuyên rà soát các thuê bao có dấu hiệu là SIM kích hoạt sẵn không chính chủ để thông báo và hướng dẫn khách hàng xác nhận chuẩn hóa thông tin, đăng ký chính chủ. Trường hợp khách hàng không thực hiện chuẩn hóa thông tin, đăng ký chính chủ phải thực hiện chặn chiều và hủy số theo quy định. Duy trì tổ chức tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho nhân viên. Bộ Thông tin và Truyền thông cần quy định việc quản lý sử dụng đối với cá nhân đăng ký sử dụng SIM thuê bao di động có số lượng lớn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp chuyển quyền sử dụng không đúng quy định…
Giang Đình