11:06, 30/06/2019

Nghề truyền thống còn nhiều thách thức

Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, song nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các vấn đề về môi trường, đầu ra cho sản phẩm và nhân lực vẫn là bài toán nan giải.
 

Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, song nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các vấn đề về môi trường, đầu ra cho sản phẩm và nhân lực vẫn là bài toán nan giải.
 
Khó trăm bề
 
Thời gian gần đây, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các nghề, làng nghề truyền thống phát triển. Chỉ tính riêng năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ gần 4 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống theo quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm ngành nghề nông thôn. Từ đó, các hộ gia đình, làng nghề đã có kinh phí để đào tạo nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh. 

 

Nghề làm trầm hương mỹ nghệ tại Vạn Ninh.
Nghề làm trầm hương mỹ nghệ tại Vạn Ninh.
 
Tuy nhiên, khi vấn đề vốn đã ổn thì việc tìm đầu ra lại không hề đơn giản. Ông Trần Công Đức (thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) - chủ cơ sở làm trầm hương cho biết, khi được UBND tỉnh hỗ trợ vốn, nhiều khó khăn đã được giải quyết, nhưng hiện nay đầu ra cho sản phẩm trầm hương vẫn còn khá bấp bênh. Có những thời điểm, sản phẩm làm ra để tồn cả năm mới bán được. Nguồn khách chính mua trầm hương vẫn là các cơ sở buôn bán ở Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và một số khách Trung Quốc tự tìm đến đặt hàng. Đa số các hộ làm ra sản phẩm đều phụ thuộc chứ chưa thể chủ động mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đi các tỉnh với các đơn hàng lớn, ổn định.
 
Tương tự, nghề đúc đồng ở Phú Lộc, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) cũng chưa thể tìm được đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, độ tinh xảo còn hạn chế nên khi đưa ra thị trường gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc Hợp tác xã đúc Phú Lộc cho biết, hợp tác xã được UBND tỉnh hỗ trợ 850 triệu đồng, nhờ đó đã đem lại hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, những lao động trẻ ở đây chỉ mới được đào tạo quy trình làm ra sản phẩm cơ bản; muốn có những sản phẩm chất lượng, độ tinh xảo cao cần có nhiều kinh phí để đầu tư, mà vấn đề này chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
 
Một khó khăn khác đó là nhân lực cho các làng nghề. Tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, lao động làm nghề đều lớn tuổi, tuy có kinh nghiệm nhưng sức khỏe  không cao. Ông Lê Song - Tổ trưởng Tổ hợp tác đá mỹ nghệ Ninh Giang cho biết: “Tổ hợp tác có 23 thành viên, đều trên 40 tuổi. Mỗi ngày, công lao động bình thường 150.000 đồng, vào vụ Tết được 200.000 đồng/người. Công việc tuy vất vả nhưng vẫn đủ sống nếu chịu khó làm ăn. Thế nhưng, làng nghề sẽ ra sao khi chỉ mươi năm nữa, chúng tôi ai cũng sẽ già, trong khi lớp trẻ không mặn mà với nghề”...
 
Nan giải vấn đề môi trường
 
Một thực trạng tồn tại ở các làng nghề hiện nay là hoạt động sản xuất manh mún, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tại thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh), các hộ làm bún xả thải ra sông Cái và bàu Gáo khiến môi trường nơi này bị ô nhiễm. Trước đây, vấn đề xử lý nước thải làng bún đã từng được đặt ra. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện dự án ứng dụng biogas trong sản xuất bún tại làng nghề bún Diên Khánh, song chỉ làm thí điểm ở một số hộ. Hiện nay, các hầm biogas vẫn còn phát huy tác dụng nhưng với quy mô nhỏ nên khó xử lý toàn bộ nước thải làng bún với hàng chục hộ. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các làng bún ở thị xã Ninh Hòa.
 
Đối với làng nghề đúc Phú Lộc, do nằm xen lẫn trong khu dân cư nên các hoạt động nấu đồng gây ô nhiễm môi trường do khói và bụi. Người dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh vấn đề này. Chính quyền địa phương cũng tìm nhiều giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm, nhưng để giải quyết dứt điểm vấn đề khói và bụi là điều không đơn giản.  
 
Theo ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng bún là cần thiết, nhưng huyện chưa quy hoạch được quỹ đất. Bên cạnh đó, để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi khoản kinh phí rất cao. Vì thế, để có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề này là vấn đề nan giải.
 
Ông Đinh Công Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, UBND tỉnh đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho các nghề, làng nghề truyền thống. Để giải quyết khó khăn cho các làng nghề, thời gian tới, các địa phương sẽ lên phương án xây dựng làng nghề tập trung, tách khỏi khu dân cư. Sau đó, sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các làng nghề xử lý môi trường. Hiện nay, UBND huyện Diên Khánh đang tìm mặt bằng để thí điểm đưa làng đúc Phú Lộc ra khỏi khu dân cư. Nếu mô hình này thành công sẽ làm cơ sở để thực hiện ở các nghề và làng nghề truyền thống khác.
 
ĐÌNH LÂM