10:04, 09/04/2019

Nuôi vịt trên đồi cát

Ngày ông Võ Văn Được, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm lùa đàn vịt trên đồi cát, ai cũng bảo ông điên. Thế nhưng, bằng cách làm này, ông Được có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Ngày ông Võ Văn Được, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm lùa đàn vịt trên đồi cát, ai cũng bảo ông điên. Thế nhưng, bằng cách làm này, ông Được có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.


Hiện nay, khi người chăn nuôi heo đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch tả heo châu Phi thì mỗi ngày, ông Được xuất bán cả trăm con vịt, thu lãi 9 - 10 triệu đồng.

 

<p>Mô hình nuôi vịt của ông Được đang phát huy hiệu quả.</p>

Mô hình nuôi vịt của ông Được đang phát huy hiệu quả.


Ông Được cho biết, trước đây ông từng hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều, nhưng khi các phương tiện khai thác lạm sát như lờ dây bị cấm, ông buộc phải lên bờ. Ông nuôi dông, gà chọi, chó, nhưng vì thị trường bấp bênh nên ông không thể duy trì. Tháng 7-2017, ông đặt mua vịt con và đưa chúng lên đồi cát - nơi diện tích đất gia đình bấy lâu bỏ hoang chỉ trồng được một số cây xoài, keo nhưng kém hiệu quả. Ngày ông lùa đàn vịt lên đồi cát, nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thậm chí cho ông là khùng, nhưng ông vẫn làm. Ông tự mày mò, học hỏi kỹ thuật nuôi vịt trên đồi cát. Để tránh cái nóng của môi trường, ông trồng thêm cây xanh, che nắng bằng lưới lan. Ông chia ra nhiều khu vực tương ứng với từng giai đoạn phát triển của vịt, mỗi khu rộng vài ngàn m2, bên trong ông làm từng hồ nước nhỏ 2 - 3m2 cho vịt tắm, uống và thay nước liên tục.

 

Bà Lâm Thị Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Đông: Trước đây, khu vực đồi cát phát triển nghề nuôi dông, lúc đầu có hiệu quả nhưng sau đó lâm vào thoái trào do thị trường quá tải. Gần đây, ông Được triển khai mô hình nuôi vịt khô cho thu nhập cao nên nhiều nông dân làm theo. Đây cũng là hướng đi mới cho nông dân khi nghề đánh bắt trên đầm Thủy Triều ngày càng khó khăn do cạn kiệt nguồn lợi.

Để giải quyết nhu cầu thức ăn đối với một trại vịt quy mô lớn, số lượng 6.000 con, ông hợp tác với một người bạn thu gom thức ăn thừa tại các resort, nhà hàng tại Khu du lịch Bãi Dài với khối lượng khoảng 3 tấn/ngày. Với cách làm này, mỗi tháng ông thu về 80 - 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí; tính ra mỗi năm ông có thu nhập tiền tỷ.


Khu vực đồi cát thôn Thủy Triều có diện tích rộng hàng trăm héc-ta, lâu nay chỉ một màu cát trắng nóng bỏng. Thời gian gần đây, trong khu vực xuất hiện màu xanh do nhiều trang trại nuôi vịt chuyển hướng lên đồi cát. Ông Mai Mỹ - một hộ nuôi vịt có quy mô lớn trong khu vực chia sẻ: “Nhận thấy mô hình của ông Được có hiệu quả, nhiều nông dân phấn khởi làm theo, ở đây người ta gọi là mô hình nuôi vịt khô. Tôi cũng nuôi vịt với quy mô 6.000 con, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. Việc tiêu thụ khá suôn sẻ vì có mối quen ở Cam Hòa, cứ hàng tuần người này thu mua 1.000 - 2.000 con, về bán tại các chợ hay các hàng cháo trong, ngoài huyện”. Hiện nay, trong khu vực có 6 hộ nuôi vịt theo mô hình này với tổng đàn hàng chục ngàn con. Các hộ lấy con giống từ các tỉnh miền Tây, thông qua một đại lý có uy tín cung cấp, bảo đảm tiêm, phòng dịch đầy đủ.


Theo ông Được, phát triển đàn vịt trên đồi cát không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm. Những ngày đầu ông phải lặn lội các nơi để tìm thị trường. Cách làm của ông là khảo sát, sau đó đặt vấn đề, dần dần mở rộng thị phần. Hiện nay, trại của ông cung cấp vịt cho 20 quán thịt vịt, đồng thời cung cấp cho bộ đội Vùng 4 Hải quân với số lượng khá lớn. Thời gian tới, ông dự định mở rộng thị trường tiêu thụ ra các siêu thị và điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh.


V.LẠC