Sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới có dịp cùng ông Nguyễn Xuân Lợi - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Suối Cát (Hạt Kiểm lâm Hòn Bà) lên rừng ngắm sắc hoa phong lan. "Tháng Ba là mùa hoa lan rừng bắt đầu nở rộ, các loài như: lan hài đài cuộn, thủy tiên, vảy rồng…
Sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới có dịp cùng ông Nguyễn Xuân Lợi - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Suối Cát (Hạt Kiểm lâm Hòn Bà) lên rừng ngắm sắc hoa phong lan. “Tháng Ba là mùa hoa lan rừng bắt đầu nở rộ, các loài như: lan hài đài cuộn, thủy tiên, vảy rồng… nở khắp các cánh rừng ở Hòn Bà. Có băng rừng vào dịp này mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp phong phú của các loài lan trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà”, ông Lợi cho biết.
Lên đến đỉnh Hòn Bà, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn loài hoa lan có thân rất ngắn, mọc thành bụi nhỏ trên đất mùn hay trên các phiến đá. Đây là nơi các nhà khoa học đã phát hiện ra các loài lan hài đài cuộn đặc biệt quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ở phía những cành cây cao cạnh đó có lan thủy tiên, vảy rồng cũng đang ra hoa, nổi bật với những cánh hoa màu vàng.
Len lỏi qua những tán rừng ở Hòn Bà, chúng tôi còn bắt gặp vẻ đẹp của hàng chục loài lan rừng giữa núi rừng xanh ngắt. Có một loài lan có khả năng đặc biệt là tỏa hương thơm vani trong tự nhiên vừa được các nhà khoa học phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Tại đây, lan vani trắng phân bố ở độ cao khoảng 300 - 400m so với mực nước biển, trong khi đó lan vani hồng thường phân bố ở độ cao 500 - 700m, còn lan vani lá lớn được tìm thấy trên đỉnh Hòn Bà, ở độ cao khoảng 1.500m. Các loài lan này thường ra hoa vào độ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, cùng với vẻ đẹp của mình, loài lan này cũng ngát hương vani.
Theo ông Lê Kim Hoàn Vũ - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Bà: Khu bảo tồn là nơi có đa dạng sinh học rất cao. Về động vật, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 321 loài, 90 họ thuộc 27 bộ, trong đó có 56 loài động vật quý hiếm. Về thực vật có 1.600 loài thuộc 468 chi và 120 họ, trong đó có rất nhiều loài đặc hữu. Riêng lan rừng, trong khu bảo tồn có gần 200 loài, trong đó có nhiều loài mới được phát hiện, đặc biệt quý hiếm như: lan hài đài cuộn, lan hài hồng, lan hài kim, các loại lan vani và nhiều loài lan đẹp như: thủy tiên, nghinh xuân, hoàng thảo… Chính vì khu bảo tồn có nhiều loài lan quý hiếm, đẹp nên nhiều người tìm cách vào rừng để hái lan, lực lượng Kiểm lâm Hòn Bà đã trục xuất, ngăn chặn hàng chục lượt người đi rừng tìm lan.
Ông Đỗ Anh Thy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cho biết: Để bảo vệ đa dạng sinh học tại khu bảo tồn nói chung và các loài lan nói riêng, Hạt Kiểm lâm Hòn Bà đã xây dựng, bố trí các trạm kiểm lâm ở những địa bàn xung yếu như: Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), Sơn Trung (huyện Khánh Sơn), Suối Cát (huyện Cam Lâm). Lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra sâu vào rừng. Bên cạnh tập trung giữ rừng từ gốc, Ban quản lý khu bảo tồn còn triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, phát triển rừng, điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, thu thập tiêu bản hệ động, thực vật trong khu bảo tồn... Ban sẽ đề xuất tỉnh cho phép điều tra toàn diện về hệ thực vật cũng như động vật Hòn Bà, đánh giá đầy đủ về giá trị tài nguyên rừng, hình thành cơ sở dữ liệu riêng cho khu bảo tồn. Trước mắt, tập trung xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học theo các cấp độ như: bảo tồn loài, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn cảnh quan, tìm kiếm hợp tác quốc tế để bảo tồn đa dạng sinh học ở Hòn Bà.
BÍCH LA