Nếu không biết nguyên nhân gây khô nứt môi thì có thể phải liên tục dùng son dưỡng môi. Các bác sĩ da liễu đã tiết lộ 4 nguyên nhân gây khô nứt môi phổ biến và cách để giúp môi được mềm mại.
Nếu không biết nguyên nhân gây khô nứt môi thì có thể phải liên tục dùng son dưỡng môi. Các bác sĩ da liễu đã tiết lộ 4 nguyên nhân gây khô nứt môi phổ biến và cách để giúp môi được mềm mại.
Cháy nắng
Môi cực kỳ nhạy cảm vì được bao phủ bằng một lớp da rất mỏng. Vì da mỏng nên chúng rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời, thậm chí có thể bị ung thư, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ da liễu Jill Waibel, người sáng lập Viện da liễu và laser Miami (Mỹ).
Do đó, để bảo vệ môi, hãy thường xuyên sử dụng son dưỡng môi mỗi khi ra nắng. Ánh nắng mặt trời có thể gây ra một tình trạng tiền ung thư có tên là viêm môi ánh sáng. Nếu môi bị khô và nứt không rõ nguyên nhân thì hãy tìm đến bác sĩ.
Dị ứng
Nếu môi bị khô nứt mà không rõ nguyên nhân thì có thể là do dị ứng. Viêm da tiếp xúc dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khô môi, bác sĩ Waibel giải thích.
Nguyên nhân gây dị ứng có thể là kem đánh răng, nước súc miệng hoặc thứ gì đó thường tiếp xúc với môi như son chẳng hạn.
Nếu là khô môi do dị ứng thì hãy ngưng tiếp xúc với tác nhân mà bạn nghi ngờ gây dị ứng khoảng 2 tuần để xem môi có phục hồi hay không.
Khô môi mạn tính
Tình trạng này có thể rất phổ biến ở những bệnh nhân có tiền sử bị khô da, mắc bệnh vẩy nến hay chàm. Cách điều trị là có thể bôi thuốc mỡ hoặc thuốc có hydrocortisone, thường dùng để trị một số vấn đề về da như phát ban hay ngứa, các chuyên gia cho biết.
Thói quen thở bằng miệng
Thói quen thở bằng miệng có thể khiến môi bị khô vì không khí đi qua miệng dễ làm bay hơi ẩm trên môi, tiến sĩ da liễu Tsippora Shainhouse, tại Đại học Nam California (Mỹ), cho biết.
Những người hay thở bằng miệng nhất thường là người bị viêm mũi dị ứng hoặc nghẹt mũi, khiến họ không thở được bình thường bằng mũi.
Với những trường hợp này, họ thường sẽ thấy khô môi mỗi khi ngủ dậy. Các bác sĩ khuyến cáo nên thoa son dưỡng môi hoặc dầu vitamin E trước khi ngủ để giữ ẩm cho môi. Tất nhiên, nên đến khám bác sĩ để điều trị chứng dị ứng, nghẹt mũi, theo Reader’s Digest.
Theo Thanh niên