Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng kết hợp, chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng - đoàn viên, thanh niên xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng kết hợp, chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng - đoàn viên, thanh niên xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Cuối tháng 11 vừa qua, chị vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII dành cho thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi.
Từ năm 2000, khi còn đi học, chị Hồng đã cùng gia đình làm nhiều mô hình kinh tế như: trồng mía, nuôi tôm nhưng không đạt hiệu quả. Năm 2006, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, chị làm giáo viên ở nhiều trường khác nhau; đến năm 2010, chị về lại địa phương làm công tác đoàn, giữ các chức vụ: Phó Bí thư, Bí thư Đoàn xã Cam Hiệp Bắc.
Qua kinh nghiệm làm kinh tế của gia đình, chị nhận thấy địa phương nơi mình sống thích hợp để triển khai mô hình nông - lâm kết hợp. Từ đó, chị cùng gia đình trồng các loại cây lâu năm trên 3ha đất như: keo, xoan. Lấy ngắn nuôi dài, chị trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: chuối, bắp, mì để có vốn mở rộng diện tích trồng trọt, trồng thêm cây ăn quả như: mít, xoài... Với những diện tích mới, chị đặt mua các giống cây lấy gỗ có giá trị như: sưa, xà cừ, xoan... về trồng. Với cách làm đó, đến nay, diện tích đất canh tác của gia đình chị tăng lên 14ha.
Anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh đoàn: Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng là thanh niên làm kinh tế giỏi với mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp. Đây là mô hình kinh tế hay, phù hợp với các địa phương có địa hình cạnh triền đồi, núi. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình sản xuất này cho nhiều thanh niên các địa phương tham khảo, học hỏi. |
Sau quá trình canh tác, khai thác keo và xoan, nhận thấy hai loại cây này không phù hợp với khí hậu dẫn đến sinh trưởng chậm, chị bắt đầu thay thế bằng 4ha cây xà cừ, 2ha xoài Đài Loan và xoài Úc. Các loại cây này mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho gia đình. Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, chị nuôi bò thịt, bò sinh sản, đồng thời trồng thêm cỏ làm thức ăn cho bò, vừa có tác dụng giữ ẩm, chống xói mòn đất. Chị Hồng cho biết, nhờ học hỏi mô hình hệ thống nước tự chảy ở tỉnh Đắk Lắk, chị đã làm hệ thống nước tưới tiêu tự chảy, có thể cung cấp nước cho cây trồng quanh năm, đào thêm 2 ao nước dự phòng vào mùa khô. Đến nay, từ mô hình nông - lâm kết hợp, chị Hồng đã đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, thu nhập của chị đạt hơn 200 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng; tạo việc làm thời vụ cho 9 - 10 lao động.
Bên cạnh đó, chị thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, dã ngoại cho những đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tham quan, học tập mô hình; xây dựng được đội nhóm có sở thích làm vườn ở địa phương nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất; giúp thanh niên địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ... Nhờ sự hỗ trợ của chị Hồng, 2 thanh niên ở địa phương là anh Phạm Anh Nhật, Nguyễn Văn Tuấn đã được nhận 5.000 cây xà cừ, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, làm kinh tế; anh Võ Văn Nở triển khai thành công mô hình chăn nuôi bò sinh sản (năm 2014, anh Nở đạt danh hiệu Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi do Huyện đoàn trao tặng). “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, hỗ trợ thêm nhiều thanh niên địa phương phát triển sản xuất”, chị Hồng nói.
Được biết, mô hình sản xuất của chị Hồng từng đạt giải khuyến khích cuộc thi Festival sáng tạo trẻ do Tỉnh đoàn tổ chức; chị là thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
HẠ PHONG