Hiện nay, thực phẩm chức năng được bán khá tràn lan. Người tiêu dùng rất dễ dàng tìm mua tại các hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, các trang mạng xã hội…
Hiện nay, thực phẩm chức năng được bán khá tràn lan. Người tiêu dùng rất dễ dàng tìm mua tại các hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, các trang mạng xã hội… Điều đáng nói, nhiều địa chỉ bán thực phẩm chức năng không niêm yết giá, không dán nhãn tiếng Việt; tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng rất qua loa…
Tại một cửa hàng tổng hợp trên đường Nguyễn Trãi (TP. Nha Trang), khi được hỏi loại thuốc bổ sung canxi cho trẻ em, nhân viên cửa hàng đưa cho chúng tôi một sản phẩm của Úc và cho biết đây là hàng xách tay mang về. Trên lọ sản phẩm này không có nhãn phụ tiếng Việt mà hoàn toàn là tiếng Anh. Khi chúng tôi hỏi liều lượng và hướng dẫn sử dụng như thế nào thì nhân viên ngập ngừng và lấy điện thoại ra tra Google. Cửa hàng này có đến hàng chục loại thực phẩm chức năng không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Do không nắm kỹ thông tin của sản phẩm nên nhân viên cửa hàng tư vấn cho khách rất qua loa.
Một cửa hàng khác trên đường Thống Nhất (Nha Trang) cũng bán nhiều loại thực phẩm chức năng dùng cho trẻ em và phụ nữ của nhiều nước. Tuy nhiên, các sản phẩm ở đây đều không niêm yết giá. Khi hỏi bổ sung thực phẩm chức năng cho trẻ em có cần chỉ định của bác sĩ không thì nhân viên cửa hàng trả lời vô tư: “Mấy cái này bác sĩ chưa chắc đã biết vì của nước ngoài. Thực phẩm chức năng không phải thuốc kháng sinh, chỉ là thành phần thảo dược”.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã có công văn gửi Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Theo đó, Ban chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; tăng cường giám sát, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. |
Việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng mỗi nơi mỗi kiểu. Cùng sản phẩm One a day 50+ của Mỹ, nhân viên cửa hàng trên đường Thống Nhất tư vấn đây là loại dành bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất cần thiết cho người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, nhân viên của một cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu trên đường Lê Hồng Phong (Nha Trang) lại giải thích 50+ là nói về “hàm lượng dưỡng chất có trong đó cao hơn, tốt hơn bình thường, chứ không phải nói về tuổi và loại này có thể dùng cho lứa tuổi nào cũng được vì là loại đa vitamin”. Các cửa hàng đều khẳng định là hàng xách tay từ nước ngoài về, có giấy tờ đầy đủ. Ngoài ra, giá bán các loại thực phẩm chức năng tại các cửa hàng cũng khác, cùng một sản phẩm nhưng giá có thể chênh nhau hơn 100.000 đồng. Bà Đoàn Thị Vân (đường Lý Tự Trọng) chia sẻ, bà thường tìm mua thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất. Hiện nay, thực phẩm chức năng nhiều loại, nhiều giá nên bà mua sản phẩm qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân. Chủ yếu sản phẩm của Mỹ, Hàn Quốc nhưng không có hướng dẫn tiếng Việt.
Thị trường thực phẩm chức năng thực tế đã khó kiểm soát, trên mạng xã hội lại càng phức tạp hơn. Trên các trang mạng, rất nhiều loại sản phẩm được quảng cáo và bán tràn lan với đủ loại nguồn gốc, mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng tới cả triệu đồng/sản phẩm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn được quảng cáo thổi phồng như thần dược, chữa đủ loại bệnh khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua sử dụng với mong muốn tăng cường sức khỏe.
Theo ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), theo quy định của pháp luật, hàng xách tay chỉ phục vụ cho người đi nước ngoài đem về dùng. Còn khi đem ra bày bán, kinh doanh phải có nhãn tiếng Việt, kê khai thuế nhập khẩu. Đối với hàng đấu giá do cơ quan chức năng tịch thu, bán ra thì không có nhãn; còn các hàng khác thì phải có nhãn tiếng Việt và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Khi lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện hàng hóa bày bán trên kệ không có nhãn tiếng Việt sẽ tịch thu. Thời gian qua, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm là những mặt hàng trọng điểm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát của Chi cục QLTT. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra 24 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và phát hiện 6 trường hợp vi phạm với các hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không niêm yết giá; đã xử phạt số tiền 6,75 triệu đồng, tịch thu 6 chai sữa tắm. Trong quý III, lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra và xử phạt hành chính; đồng thời tịch thu 14 lọ thực phẩm chức năng nhập lậu.
MAI HOÀNG