Nhằm tạo ra các ứng dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Đỗ Trần Anh (37 tuổi, TP. Nha Trang) đã xây dựng hệ thống mạng giám sát môi trường nông ngư nghiệp Aevisor.
Nhằm tạo ra các ứng dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Đỗ Trần Anh (37 tuổi, TP. Nha Trang) đã xây dựng hệ thống mạng giám sát môi trường nông ngư nghiệp Aevisor. Hệ thống này vừa đạt giải nhất cuộc thi IoT Startup 2017 do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức.
Anh Đỗ Trần Anh tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với vốn kiến thức tích lũy trong thời gian làm việc tại một công ty nước ngoài chuyên về nông nghiệp công nghệ cao, anh nhận ra nhiều nhược điểm trong sản xuất nông nghiệp hiện tại. Nông dân không kiểm soát được môi trường nuôi trồng; công nghệ quản lý lạc hậu; hầu hết thực hiện việc phân tích tác động của môi trường theo cảm tính; muốn phát triển công nghệ cao phải nhập các thiết bị từ nước ngoài về với giá thành rất đắt…
Sau 3 năm ấp ủ, tháng 11-2015, anh thành lập Công ty TNHH Farmtech Việt Nam với mục đích phát triển các ứng dụng, thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp. Công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp startup, với số vốn ban đầu chỉ hơn 500 triệu đồng. Vừa triển khai, anh vừa kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ vốn để phát triển. Hệ thống Aevisor dần hoàn thiện với tên gọi ban đầu là Advisor với chức năng cho phép người sử dụng kiểm soát chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản qua mạng Internet, cùng với việc triển khai phần mềm phân tích giá trị số liệu môi trường. Chẳng hạn, thiết bị công nghệ tích hợp phần mềm thông minh của Farmtech sẽ giúp giám sát độ chua - PH, khả năng khử các chất oxy hóa - ORP, nhiệt độ, độ dẫn... trong môi trường nước ao nuôi có đảm bảo cho cá tôm sống tốt hay chưa. Các thông số này sẽ được truyền về máy tính, điện thoại thông qua ứng dụng do Farmtech phát triển. Từ đó, người nuôi có thể giám sát mọi chỉ số thông qua máy tính hoặc điện thoại một cách nhanh chóng. Advisor giúp nhà nông kịp phòng tránh rủi ro, có giải pháp ứng phó với các tác động từ môi trường đến chất lượng đầu ra, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản. Với ý tưởng đột phá, hiệu quả cao, năm 2016, Advisor đã đạt giải ba cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2016.
Anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh đoàn: Dự án khởi nghiệp của anh Đỗ Trần Anh có tính đột phá cao, rất thiết thực khi ứng dụng vào thực tiễn. Trong tình hình thực tế là môi trường khởi nghiệp ở Khánh Hòa chưa thực sự mạnh, đây là tín hiệu tốt, bước đệm để phát triển môi trường khởi nghiệp. Tỉnh đoàn sẽ phối hợp cùng Farmtech mở rộng môi trường khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm tư vấn, tạo điều kiện cho các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ có cơ hội được thực hiện, cũng như kết nối các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ 34 Lê Thành Phương (TP. Nha Trang). |
Nhằm hướng đến hỗ trợ những nông dân không có điều kiện trang bị toàn bộ sản phẩm, Farmtech đã phát triển ứng dụng mạng xã hội Fman, chạy trên điện thoại di động. Tải phần mềm này về, người sử dụng chỉ việc nhập các thông tin cơ bản như: lĩnh vực cây trồng, vật nuôi… Fman sẽ cung cấp các thông tin về lĩnh vực quan tâm cho người dùng; hướng dẫn cách xử lý sự cố trang trại theo từng lĩnh vực; tư vấn mua thiết bị nông nghiệp phù hợp… Anh Trần Anh chia sẻ: “Chúng tôi có một đội ngũ nhân viên tốt nghiệp các ngành về nông, ngư nghiệp. Những bạn này chọn lọc các kiến thức, thông tin trên mạng, chắt lọc, chỉnh sửa lại cho đúng, sau đó gửi cho các chuyên gia đã được chúng tôi kết nối trên cả nước xác thực, góp ý. Bước cuối cùng là đưa lên Fman để người dùng tham khảo. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí, sẽ là người bạn cung cấp thông tin hữu hiệu cho các nhà nông”.
Theo anh Trần Anh, tích hợp với ứng dụng Fman, công ty đã sản xuất được các thiết bị cảm ứng môi trường với giá thành thấp, cung cấp lẻ thiết bị theo nhu cầu của nông dân, thay vì phải mua cả hệ thống như trước đây. Các thiết bị như: máy đo nhiệt độ, độ ẩm phòng có giá 250.000 đồng; máy đo nhiệt độ, độ ẩm đất, không khí có giá 2 triệu đồng; máy đo ô xy trong nước, độ P.H, các chỉ số khác có giá 19 triệu đồng… đều được công ty thiết kế, đặt hàng theo mẫu. Mỗi thiết bị đều kết nối với ứng dụng Fman, khi đi vào hoạt động sẽ tự động gửi các thông số cần thiết về cho người dùng. Từ đó, nhà nông có thể theo dõi các chỉ số mọi lúc, mọi nơi. “Hiện tại, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn phụ thuộc vào các thiết bị nhập về từ nước ngoài với giá thành cao, nên không phải ai cũng có điều kiện. Tôi đang kêu gọi tài trợ để phát triển thêm nhà xưởng, tự sản xuất, lắp ráp các loại thiết bị này, sẽ giảm rất nhiều chi phí, từ đó cho ra sản phẩm với giá thành thấp, để nông dân dễ dàng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tôi cũng đang thành lập chi nhánh công ty tại TP. Hồ Chí Minh”, anh Trần Anh cho biết.
VĨNH THÀNH