01:11, 30/11/2017

Chót vót giá công thợ mùa cao điểm

Hơn 3 tuần sau cơn bão số 12, thợ xây tuy không còn quá khan hiếm, giá công thợ đã giảm nhưng vẫn còn khá cao khiến nhiều hộ chần chừ trong việc xây dựng lại nhà, có hộ đã tự sửa chữa nhà ở tạm để đón Tết…

Hơn 3 tuần sau cơn bão số 12, thợ xây tuy không còn quá khan hiếm, giá công thợ đã giảm nhưng vẫn còn khá cao khiến nhiều hộ chần chừ trong việc xây dựng lại nhà, có hộ đã tự sửa chữa nhà ở tạm để đón Tết…


Đến nay, ông Hồ Văn Tân (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) mới thuê được 2 người thợ về xây dựng lại căn nhà của mình bị đổ sập do bão. Thiếu người, ông Tân phải bỏ công việc để ở nhà bẻ sắt, trộn hồ. “Giá công thợ đang làm tại các công trình chỉ từ 250.000 đến 300.000 đồng/ngày, tôi đến năn nỉ trả 450.000 - 500.000 đồng/ngày họ mới chịu làm cho mình. Giá này đã rẻ, chứ thời điểm sau bão giá lên đến 600.000 - 700.000 đồng/ngày mà kiếm cũng không ra. Hy vọng gia đình tôi sẽ có nhà để đón Tết cho tươm tất”, ông Tân chia sẻ.

 

Người dân tự sửa chữa lại nhà của mình

Người dân tự sửa chữa lại nhà của mình


Sau bão, nhân công xây dựng khan hiếm. Một số người làm xây dựng không chuyên chỉ cần biết cầm bay, xây thô, tô, trát, trộn hồ… cũng được các chủ nhà chấp nhận vì thiếu thợ. Ông Nguyễn Thanh Nam (đường Việt Bắc, phường Phước Long) đang xây nhà tại xã Phước Đồng cho biết, ông là thợ lặn biển săn cá, mấy ngày sau bão, biển động không đi lặn được, tranh thủ có biết chút ít nghề thợ xây nên đi xây, sửa nhà sau bão. “Nhà xây, sửa chủ yếu là nhà cấp 4, xây tường gạch, lợp mái, khá đơn giản, chỉ cần biết nghề là làm được. Trộn hồ không biết thì làm theo tỷ lệ được hướng dẫn. Việc cũng không quá khó, thu nhập mỗi ngày được 400.000 đồng”, ông Nam kể.


Tình trạng khan hiếm thợ xây dựng, thợ cơ khí đang diễn ra tại nhiều địa phương bị bão tàn phá. Sau bão, ông Lê Đức Hoàng (thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) không thể tìm được nhân công sửa chữa cửa hàng kinh doanh của gia đình bị sập. Những người thợ này cũng bị hư hại nhà cửa nên họ sửa nhà mình trước, sau đó đến nhà người thân, những nhà bị sập không có chỗ ở, rồi mới đến các cửa hàng. Tiền công dựng mái tôn, vì, kèo bằng sắt trước bão chỉ 200.000 đồng, nay lên 500.000 đồng/m2. Đã thế, các tốp thợ chỉ chọn thi công những công trình có khối lượng diện tích lớn. “Bây giờ, giá cao cũng làm vì cần có chỗ để làm ăn, buôn bán, Tết đến nơi rồi”, ông Hoàng nói.


Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, nhiều gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì chọn giải pháp tự sửa tạm để ở, chờ qua Tết công thợ giảm mới làm. Ông Phan Trọng (thôn Bến Lễ, xã Khánh Bình) cho biết: “Bao nhiêu năm tích cóp dựng được cái nhà, nợ ngân hàng chưa trả hết thì bão làm sập. Giá công đã giảm nhưng vẫn còn cao gấp rưỡi, gấp đôi, thôi thì chúng tôi cứ che chắn tạm cho khỏi mưa dột, động viên vợ con ở tạm để qua Tết, ra Giêng rồi tính, lúc đó mình xây, sửa để giảm chi phí tiền công”.


Với tình trạng giá công xây dựng cao, vật liệu vẫn còn khan hiếm, một số địa phương cũng đã có những giải pháp để sớm có nhà cho dân vào ở trước Tết, vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá thành. Tại thị xã Ninh Hòa, địa phương hỗ trợ thêm 10 triệu đồng cho mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng theo mẫu nhà của Sở Xây dựng. Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, toàn huyện đã thống kê được 70 nhà của ĐBDTTS bị sập hoàn toàn, cần phải xây dựng lại. Mức hỗ trợ từ 20 đến 40 triệu đồng/hộ. Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, huyện đã huy động 5 doanh nghiệp trên địa bàn tạm ứng kinh phí, mua vật liệu để xây dựng 70 căn nhà cho ĐBDTTS có nhà bị sập hoàn toàn. Hiện nay, các doanh nghiệp đã tập kết vật liệu, dự kiến ngay trong tuần này sẽ bắt đầu xây nhà cho người dân, việc xây nhà sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ tạm ứng kinh phí để xây dựng nhà cho người dân, chừng nào có kinh phí tỉnh cấp về sẽ chuyển lại cho họ.


M.Thiết