Niềm mong mỏi của người dân khu vực Suối Phèn (xã Khánh Bình) sắp thành sự thật khi huyện Khánh Vĩnh đang chuẩn bị các thủ tục để cấp đất ở và đất sản xuất cho người dân.
Niềm mong mỏi của người dân khu vực Suối Phèn (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) sắp thành sự thật khi huyện Khánh Vĩnh đang chuẩn bị các thủ tục để cấp đất ở và đất sản xuất cho người dân.
Khát khao được cấp đất
Sau gần 1 năm được hưởng ánh sáng điện từ điện lưới quốc gia, người dân Suối Phèn ai nấy đều vui. Song, niềm vui ấy cũng qua đi khi 32 hộ đồng bào nơi đây vẫn còn trăn trở khi chưa được cấp đất ở và đất sản xuất.
Ông Cao Văn Nuôi nhớ ngày cả gia đình về định cư tại Suối Phèn sau khi Lâm trường Bắc Sông Giang vận động người dân về ở để “giữ lửa” (phòng chống cháy rừng). “Năm 1996, chúng tôi còn đang sống trên rừng, phát nương rẫy, trỉa bắp lúa. Lâm trường vận động chúng tôi về cất nhà và cấp gạo. Lúc đầu, lâm trường nói sẽ cấp gạo trong 6 tháng nhưng sau đó chỉ cấp được 2 tháng rồi ngưng. Còn đất, lâm trường nói trong quy hoạch nên không cấp được. Đến nay, sau hàng chục năm sống ở Suối Phèn chúng tôi vẫn chưa được cấp đất ở, đất sản xuất”, ông Nuôi tâm sự.
Cùng tâm trạng, bà Trần Thị Hoa cho biết, tuy người dân có điện, đời sống đỡ vất vả hơn trước song thiếu đất sản xuất nên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. “Trước đây, bà con phát rừng làm rẫy, ít nhiều ai cũng có vài héc-ta đất. Từ khi về định cư tại Suối Phèn, đến nay bà con vẫn còn tay trắng. Đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống gắn liền với rừng nhưng không có đất sản xuất nên khó trăm bề”, bà Hoa nói.
Không có đất sản xuất, người dân ở Suối Phèn đành nhắm mắt làm liều, xâm canh vào đất của lâm trường. Con gái bà Hoa hàng ngày vẫn canh tác trên đất viền chéo của lâm trường để kiếm thêm khoai, lúa. Còn con trai ông Nuôi lên tận tỉnh Lâm Đồng để làm thuê thu hoạch cà phê.
Bà Trần Thị Lệ Dung - Trưởng thôn Bến Khế (xã Khánh Bình) cho biết, Suối Phèn là tổ 9 của thôn, có 32 hộ, 196 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số được lâm trường vận động đưa về đây. Lúc đầu lâm trường làm nhà gỗ cho dân ở, sau đó theo Chương trình 167 (chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) xây nhà tái định cư cho dân. Tuy có đất ở, có nhà nhưng người dân không có sổ đỏ. Bên cạnh đó, người dân cũng không có đất sản xuất nên cuộc sống bấp bênh. Tuy xã, thôn nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Sắp được cấp sổ
Ông Phan Đình Tuyến - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, gần 1 năm nay, cuộc sống của người dân Suối Phèn có nhiều thay đổi nhờ có điện. Vấn đề nước sinh hoạt, huyện cũng đang tích cực giải quyết bằng cách đầu tư 1 giếng khoan, bể lọc dùng chung cho 32 hộ, công trình sắp hoàn thành. Riêng vấn đề đất đai, hiện nay huyện đang thẩm định và trong quá trình xét cấp.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Vĩnh, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, thời gian qua, phòng phối hợp với Công ty TNHH Địa chính 7 tiến hành đo đạc hiện trạng đất đai của 32 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng gồm 52 thửa với tổng diện tích là 15,91ha, trong đó đất có nhà ở 5,33ha, đất nông nghiệp 10,58ha. Vị trí, nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất đều phù hợp với các quy định của pháp luật. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND huyện xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đã sử dụng ổn định; nghiêm cấm các hộ không được chuyển nhượng trong thời gian 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, huyện đang tiến hành các bước quy định để cấp đất cho dân. Về đất ở, sẽ cấp 1.000m2/hộ; đất sản xuất theo hiện trạng, người dân đang sản xuất bao nhiêu sẽ cấp bấy nhiêu, tuy nhiên theo quy định sẽ từ 0,5 đến 1ha/hộ. Việc bóc tách đất của lâm trường giao cho người dân không gặp vướng mắc, chỉ có một số diện tích đất thừa so với định mức đang chờ xin ý kiến của tỉnh.
Hy vọng với những nỗ lực của huyện Khánh Vĩnh, thời gian tới, đồng bào dân tộc thiểu số ở Suối Phèn sẽ được cấp đất ở, đất sản xuất để ổn định cuộc sống và sản xuất.
P.L