Khu vực thôn Tân Xương 1 (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) trước đây là nơi có nhiều cơ sở buôn bán đá thạch anh. Nhưng hiện nay, việc tiêu thụ đá gặp khó khăn nên cảnh buôn bán không còn sôi động như trước.
Khu vực thôn Tân Xương 1 (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) trước đây là nơi có nhiều cơ sở buôn bán đá thạch anh. Nhưng hiện nay, việc tiêu thụ đá gặp khó khăn nên cảnh buôn bán không còn sôi động như trước.
Mới đây, chúng tôi tình cờ gặp anh Mang Thịnh (thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát) khi anh vừa đi rừng tìm đá thạch anh trở về. Chỉ vào số thạch anh vừa tìm được (ước khoảng 50kg), anh Thịnh cho biết: “Để tìm được số đá này, tôi phải mất cả ngày để mót lại ở các điểm khai thác thạch anh trước đây. Số đá này bán cho chủ vựa cũng được 100.000 đồng, đủ tiền mua gạo và thức ăn cho gia đình trong ngày”.
Theo anh Thịnh, mấy năm trước, việc tìm đá thạch anh còn dễ, việc bán đá cũng thuận lợi vì các chủ vựa cần hàng. “Hồi trước, mỗi chuyến đi tìm đá thạch anh, chúng tôi được chủ vựa tạm ứng trước tiền, trang bị dụng cụ để vào rừng lấy đá. Khi lấy về, các chủ vựa sẵn sàng thu mua hết, nếu may mắn gặp được hầm thạch anh có những viên đá đẹp thì số tiền thu được có khi lên đến cả trăm triệu đồng”, anh Thịnh kể. Bây giờ, thỉnh thoảng các chủ vựa mới đặt hàng đi lấy vài chục ký thạch anh thô, nên số người đi lấy loại đá này cũng không nhiều như trước.
Tìm đến cơ sở thu mua đá thạch anh của vợ chồng ông Bình ở thôn Tân Xương 1, chúng tôi được ông Bình cho biết, cơ sở của gia đình hiện nay sở hữu nhiều viên đá thạch anh có giá trị cao, nguồn gốc nhập về từ tỉnh Gia Lai. Còn đá thạch anh mà cơ sở của ông thu mua của người dân địa phương chủ yếu là thạch anh trắng ở dạng thô. “Đá thạch anh ở khu vực Hòn Bà rất khó để chế tác thành đá mỹ nghệ. Đá ở đây chủ yếu được chúng tôi thu mua về và bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng vào việc xây nhà cho hợp phong thủy”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, hơn 2 năm trước, khu vực thôn Tân Xương 1 có 6 hộ làm nghề thu mua đá thạch anh. Thời điểm đó, mỗi ngày một cơ sở bán cả chục tấn đá thạch anh thô cho khách hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… Còn hiện tại, do việc tiêu thụ đá thạch anh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn 2 cơ sở thu mua. “Cơ sở của gia đình tôi không phải thuê mướn nhân công nên tiết giảm chi phí. Các thành viên trong gia đình tôi đều tham gia vào các khâu thu mua, buôn bán, chế tác theo phương thức lấy công làm lãi để duy trì hoạt động”, ông Bình chia sẻ.
Không những gặp khó khăn trong tiêu thụ, những người buôn bán đá thạch anh như ông Bình còn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong kinh doanh. Đã có vài lần ông đầu tư tiền để người dân địa phương đi lấy đá nhưng họ lại không thực hiện đúng cam kết. Cũng có trường hợp khai thác được hầm đá, nhưng khi thấy chủ vựa khác trả giá cao hơn là họ bán ngay.
Ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, những năm trước, trên địa bàn xã có nhiều cơ sở thu mua, buôn bán, chế tác đá thạch anh, nhưng hiện nay chỉ còn 2 cơ sở. Trước đây, nguồn đá thạch anh ở khu vực Hòn Bà vẫn còn nên một số người dân tộc thiểu số ở địa phương đi khai thác về bán cho các cơ sở này để có thêm thu nhập. Hiện nay, nguồn đá thạch anh ở địa phương rất khan hiếm, các cơ sở này chuyển qua nhập đá thạch anh từ các tỉnh khác về bán lại. Đây chỉ là hoạt động kinh doanh của một số hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, so với những năm trước thì không còn sôi động.
N.T - B.L