Đi đến các lò mổ chó để xin mua lại; chữa trị từng vết thương lở loét do bị chích điện hay ân cần chăm sóc bệnh tật, ốm đói của những chú chó bị chủ vất ra đường, rồi nấu cơm, tắm rửa, vệ sinh cho hàng chục chú chó là cách mà một nhóm bạn trẻ tại Nha Trang đang thực hiện.
Đi đến các lò mổ chó để xin mua lại; chữa trị từng vết thương lở loét do bị chích điện hay ân cần chăm sóc bệnh tật, ốm đói của những chú chó bị chủ vất ra đường, rồi nấu cơm, tắm rửa, vệ sinh cho hàng chục chú chó là cách mà một nhóm bạn trẻ tại Nha Trang đang thực hiện.
Từ câu chuyện đi tìm chó…
Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Hồ Ngọc Hải (một trong những thành viên sáng lập nhóm giải cứu chó) vòng vèo qua nhiều ngã đường ở TP. Nha Trang để đến “Nhà trẻ” - tên gọi thân thương mà nhóm đặt cho chỗ ở của hơn 20 chú chó hầu hết được mua lại từ các lò mổ. Từ xa, anh Hải bấm còi xe, đáp lại là tiếng chó sủa mừng chủ rộn vang.
Cửa vừa mở, cả đàn chó ùa ra, vây lấy anh Hải, con nhảy xổm về phía anh, con cạ lưng vào chân, những con chó nhỏ không tiếp cận được anh Hải đứng bên ngoài vẫy đuôi mừng rỡ. Thấy khách lạ, chúng không tỏ vẻ gầm gừ cảnh báo mà thân thiện vẫy đuôi nhảy mừng.
Anh Hải bắt tay vào dọn vệ sinh chuồng trại. Vài phút sau, có thêm Dương, Ca và Thảo đến, đây là những bạn trẻ yêu chó và có tình thương đặc biệt đối với những chú chó bị bắt trộm, bị chủ bỏ. Ba cô gái, người lo trộn cơm cho chó ăn, người rửa chén ăn của chó, người còn lại bắt ve, thăm khám sức khỏe của chúng.
Nguyễn Hoài Dương, một mối dây quan trọng trong việc thành lập “Nhà trẻ” cho biết, nhà Dương nuôi rất nhiều chó nên cô rất thương chúng. “Hôm em mình bị mất chó, hai chị em đã lân la đến nhiều lò mổ với hy vọng gặp lại nó để xin chuộc nhưng khi đến đây thấy cảnh chó bị nhốt, bị chích điện vật vờ chờ chết rất thương. Những con chó đó kêu sủa nghe thảm thiết và đưa cả chân ra khỏi song sắt khều khều cầu cứu. Hình ảnh ở lò mổ cứ ám ảnh mình mãi nên mình đã chia sẻ câu chuyện trên facebook và anh Hải đọc được. Rồi anh em quyết tâm “giải cứu” những con chó tội nghiệp”, Dương kể với giọng xúc động.
Tiếp lời Dương, anh Hải cho biết, nhóm muốn chuộc luôn cả chuồng chó nhưng họ ra giá cao quá, gần cả trăm triệu đồng, đó là số tiền rất lớn nên nhóm chỉ chuộc trước 6 chú chó đáng thương nhất về chia nhau nuôi. “Thấy số tiền quá lớn, tụi mình cũng ngại nhưng thương lũ chó nên mấy anh em lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ mọi người. May mắn có một mạnh thường quân đã giúp 50 triệu đồng cùng với tiền của tụi mình tích cóp và một số ân nhân khác trao tặng nên nhóm đã chuộc thêm 60 con chó. Thời điểm đó, chủ lò mổ bán với giá 60.000 đồng/kg nên tụi mình chỉ mua được từng ấy”, anh Hải kể.
Giải cứu một lúc 60 chú chó bệnh tật, vật vờ là cả một câu chuyện nhiều cảm xúc. Mọi người phải tìm một nơi đủ rộng, cách xa nhà dân để “di tản” chúng về chăm sóc chúng. Tiếp đó là gọi bác sĩ thú y để khám bệnh và chữa bệnh cho chúng. Cực nhất vẫn là vệ sinh, cho ăn cùng lúc hơn 60 chú chó mà hơn phân nửa trong số đó sức khỏe đã suy kiệt.
… đến “Nhà trẻ” đầy yêu thương
Được một tuần ổn định, trận lụt lịch sử vào cuối tháng 11-2016 tại Nha Trang đã nhận chìm ngôi nhà của hơn 60 chú chó. Nhóm bỏ hết công việc lao vào “giải cứu” lần hai, tay họ ôm chó và lội nước ngang ngực qua đoạn đường gần một cây số để đưa đàn chó ra xe tải chuyển đi nhà mới. “Người dân trong vùng lúc đó thấy tụi mình ẵm từng chú chó lội nước đoạn đường dài đã cho mượn ghe để chở nhanh hơn vì nước mỗi lúc mỗi cao. Đưa chó về được chỗ mới, anh em phải cử người ở lại trông coi sợ trộm đến bắt và cũng để canh chừng những con đau yếu. May mắn, vào thời điểm lúc bấy giờ đã có thêm một số bạn sinh viên phụ nhóm nên công việc bớt vất vả”, Hoài Dương nhớ lại.
Khi mọi chuyện đã ổn, nhóm bắt đầu chụp ảnh từng chú chó đăng lên facebook để tìm lại chủ nhân chúng. Tất nhiên là việc chủ nhân đến nhận chó phải đưa ra được các “chứng cứ” chứng minh là chủ và khi đến nơi phải được chó chạy ra mừng thì mới được nhận. Tuy nhiên, số này lại không nhiều vì đa số chó được nhóm giải cứu đều là chó cỏ không có giá trị cao, cũng như không được chủ yêu thương nhiều như chó cảnh.
Vậy nhưng với nhóm, những chú chó này lại như “núi tài sản”, các bạn chăm sóc từng vết thương, cho ăn, tắm rửa, bắt ve đều đặn nên chẳng mấy chốc chú chó nào cũng béo mập, khỏe mạnh lên thấy rõ. Những vết thương bị điện bắn lở loét hôm nào giờ đã liền da. Ở “Nhà trẻ” còn có những chú chó già mù mắt, lông rụng bị vất đi, hay cả những con chó bị động kinh khi ngủ cũng run bần bật, tất cả đều được nhóm chăm sóc tận tình.
“Do “Nhà trẻ” buộc phải ở xa nhà dân để tránh làm phiền và tránh trộm chó nên các bác sĩ thú y ngại đến dù tụi mình có đề nghị bồi dưỡng thêm. Vậy nên, mọi người phải học cách chăm và chữa chó bệnh qua sách vở, mạng và cầu cứu một số người bạn làm thú y tại Sài Gòn qua điện thoại. Ngày đầu còn lóng ngóng, để vệ sinh vết thương cho chúng, tụi mình ba bốn người xúm lại ôm một chú chó để người còn lại bôi thuốc. Nhờ đó đàn chó luôn khỏe mạnh, được tiêm ngừa đầy đủ và đã sinh gần 20 chó con khỏe mạnh”, anh Hải nói.
Nhóm luôn đưa hình đàn chó tại “Nhà trẻ” lên facebook để mong chúng có người nhận về nuôi. Và hơn 60 chú chó giờ đây nhóm chỉ còn hơn 20 chú. Lý do là một số rất ít chủ nhân đến nhận chó, số đông đã đến xin về nuôi. Trong đó, có cả “đại gia” đến nhận một lúc 6 chú chó và hai chú đã theo chủ mới xuất ngoại (một đi Mỹ và một định cư tại Canada). “Tụi mình quan niệm, bất kỳ một con chó nào cũng cần có chủ nhân để được chăm sóc tốt hơn. Dù ở “Nhà trẻ” tụi mình chăm sóc chúng rất tốt nhưng “Nhà trẻ” chỉ là nơi cuối cùng của những con chó không ai cưu mang. Do đó, khi ai đó đề nghị nhận nuôi chó ở “Nhà trẻ”, tụi mình rất mừng nhưng vẫn kiểm tra rất kỹ”, Hồ Phương Ca - cô đầu bếp của “Nhà trẻ” thổ lộ.
Hiện nhóm chỉ có 5 thành viên thay nhau chăm sóc đàn chó hơn 20 con, do hơn phân nữa làm nghề kinh doanh tự do, số còn lại là sinh viên nên có nhiều thời gian chăn sóc đàn chó. Mỗi ngày, nhóm nấu 5kg gạo cùng thức ăn rồi cùng nhau vào “Nhà trẻ” lúc 15 giờ để vệ sinh chuồng trại, tắm rửa và cho ăn, khi rời đi cũng là lúc trời nhá nhem tối. Để duy trì “Nhà trẻ”, ngoài một khoản tiền điện nước (do sau một tháng thuê nhà, chủ nhà thấy công việc của các bạn ý nghĩa nên không lấy tiền nhà), tiền ăn, tiền thuốc thì thời gian các thành viên trong nhóm dành ra mới thực sự to lớn.
Rời “Nhà trẻ” khi mặt trời lặn, chúng tôi bắt đầu quen thân với đàn chó và những con người yêu chúng. Chúng tôi nhớ rõ những câu chuyện về từng chú chó mà họ đã kể rồi chuyện cả nhóm chăm lo cho chúng như thế nào; hay chuyện nhóm đắn đo trước việc chích thuốc cho chú chó động kinh được “an nghỉ” sớm (vì đa số chó bị động kinh đều chết) nhưng họ đã không chọn giải pháp này và phép màu đã xảy ra, sau khi trải qua cơn bệnh nặng chú chó này vẫn sống và khỏe mạnh hơn…
TRUNG NHÂN