10:07, 31/07/2017

Lên núi nuôi gà

Sinh ra và lớn lên ở ven biển, ăn nên làm ra từ con tôm hùm lồng, vậy mà chàng trai trẻ Đỗ Minh Hiến lại bất ngờ lên núi đầu tư… nuôi gà, rồi thành lập hợp tác xã nuôi gà, mở ra hướng đi mới không chỉ cho bản thân mà còn nhiều hộ chăn nuôi khác.

Sinh ra và lớn lên ở ven biển, ăn nên làm ra từ con tôm hùm lồng, vậy mà chàng trai trẻ Đỗ Minh Hiến lại bất ngờ lên núi đầu tư… nuôi gà, rồi thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi gà, mở ra hướng đi mới không chỉ cho bản thân mà còn nhiều hộ chăn nuôi khác.


Nghị lực của chàng trai xứ biển


Anh Hiến sinh ra và lớn lên ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Tuổi thơ của anh gắn chặt với đầm Thủy Triều, với những ô lồng nuôi tôm hùm… Năm 2004, khi vừa tròn 23 tuổi, anh Hiến lập gia đình với một cô gái ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh), một nơi gần núi và bắt đầu ngã rẽ đời mình.

 

Năm 2005, từ tiền lời nuôi tôm, anh mua 2.000m2 đất ở thôn Hòa Do 7, xã Cam Thành Nam và đầu tư 50 gốc xoài Thái, xây tường bao quanh chủ yếu để lâu lâu về vui thú điền viên. Năm 2008, khi cây xoài đã đến độ đơm hoa kết trái, anh lại thả ít gà cho vui cửa vui nhà. 4 tháng sau, lứa gà đầu tiên xuất bán, mang về cho gia đình anh khoản lãi ròng 9 triệu đồng. Thấy kỹ thuật nuôi gà giản đơn hơn so với nuôi tôm, anh lập tức tăng đàn lên 500 con, rồi lại thêm 500 con, cứ cách nhau 2 tháng thả 1 lứa. Chỉ trong một năm, đàn gà đã mang về cho anh ngót nghét 50 triệu đồng tiền lãi.


Năm 2009, anh Hiến đầu tư 2 dãy chuồng trại khang trang, tổng diện tích sàn lên 240m2, thả 1.000 con gà. Và cứ khoảng 2 tháng, anh lại mua thêm 1 lứa gà con. “Thế nhưng, không hiểu sao gà cứ liên tục chết sau khoảng 45 ngày nuôi, hết lứa này qua lứa khác. Đó là một năm lao đao. Đến lứa thứ 4, tôi mới biết là gà bị bệnh dịch tả, nguyên nhân do con giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó là yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi gà của tôi còn yếu”, anh tâm sự.


Không chịu đầu hàng, anh Hiến quay sang đi… buôn gà, mục đích chính là để học hỏi kinh nghiệm. Trong năm 2010, anh chuyên đi thu mua gà trong xã Cam Thành Nam, bỏ mối cho các thương lái ở chợ Ba Ngòi, Mỹ Ca. Anh còn ra tận Bình Định, Phú Yên… tìm gặp những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. 1 năm sau, anh mạnh dạn gây đàn từ con giống chuẩn của một số công ty cung cấp giống gà lớn trong nước. Những lứa gà bắt đầu mang lại hiệu quả, dịch bệnh được khống chế và phát triển cho đến ngày nay.


Khi đã “ăn nên làm ra”, một số hộ nuôi gà tại Cam Thành Nam và một số xã lân cận muốn liên kết, hợp tác với anh Hiến để chăn nuôi. Đó cũng là khi anh đứng ra cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và quan trọng nhất là bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho khoảng 17 hộ nuôi khác, mỗi hộ trung bình 1.000 con gà/lứa. Mỗi tháng, anh cho ra thị trường khoảng 7.000 - 8.000 con gà. Ngoài bỏ mối tại các chợ, anh còn cung cấp gà cho nhà hàng tiệc cưới, bếp ăn tập thể…

 

Chăm sóc gà tại hộ chăn nuôi của anh Đỗ Minh Hiến

Chăm sóc gà tại hộ chăn nuôi của anh Đỗ Minh Hiến

 

Trải nghiệm vai trò mới


Sau một quá trình vận động, tháng 7-2016, HTX nuôi gà Cam Thành Nam chính thức ra đời, do anh Hiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. 12 thành viên của HTX cùng hướng đến mục tiêu nâng quy mô, giảm chi phí chăn nuôi, mở rộng thị trường và tiếp cận được với tổ chức tín dụng. Điểm mạnh của HTX nuôi gà Cam Thành Nam so với hầu hết các HTX nông nghiệp ở Khánh Hòa đó là có sẵn thị trường và khách hàng tiềm năng, đầu ra được đảm bảo. Đồng thời, các thành viên đều đã gắn bó với nhau trước đó, có kinh nghiệm chăn nuôi gà, có sở hữu tư liệu sản xuất.


Anh Hiến cho biết: “Trong quá trình thành lập HTX, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm từ UBND TP. Cam Ranh, xã Cam Thành Nam, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi Thú y… bằng những việc làm thiết thực. Chẳng hạn như: phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ chi phí thành lập ban đầu, tổ chức học tập mô hình hoạt động của một số HTX hoạt động tốt ở các tỉnh khác”. Thời gian đầu thành lập, mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường 7 - 8 tấn gà, tương đương khoảng 4.000 con gà. Theo tính toán, quy mô chăn nuôi của mỗi hộ thành viên khoảng 1.000 con gà/lứa. Với giá gà phổ biến trong khoảng 60 - 65.000 đồng/kg, cứ 1.000 con gà người nuôi bán được 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu vào còn lãi hơn 25 triệu đồng.


Bước sang năm 2017, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán, giá gà tuột dốc, khiến người nuôi gà lao đao. Theo anh Hiến, thị trường gà Khánh Hòa phải thường xuyên đối đầu với 3 nguồn gà từ các tỉnh: Bình Định, Đồng Nai và Đắk Lắk. Họ chăn nuôi số lượng rất lớn. Khi sức tiêu thụ giảm, lượng gà tràn về Khánh Hòa sẽ nhiều. Điều phải làm là áp dụng các giải pháp để giảm chi phí nuôi. Hiện nay, HTX tiếp tục hoàn thiện lại phương án sản xuất - kinh doanh, kiểm soát tốt hơn nữa chi phí đầu vào, hao hụt… để giảm giá thành. “Tôi dự định tiếp tục nâng dần tổng đàn, không ngừng cải tiến quy trình phổ cập đến tất cả thành viên theo hướng chăn nuôi sạch, bền vững, có thị trường ổn định”, anh Hiến chia sẻ.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, vừa qua, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức cho thành viên HTX nuôi gà Cam Thành Nam đi nghiên cứu một số mô hình HTX tiêu biểu ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương và miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính cùng với HTX nghiên cứu tiếp tục xây dựng, đổi mới phương án sản xuất - kinh doanh để hoạt động hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, nhằm tạo ra được tiếng nói chung và sự đồng tâm hiệp lực giữa các thành viên, nhất là khi HTX gặp khó khăn.


Hồng Đăng