Chợ Vĩnh Lương (Nha Trang) là chợ duy nhất, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho khoảng 15.000 người dân địa phương. Thế nhưng, qua hơn 20 năm sử dụng, nhiều lần cải tạo, đến nay chợ đã xuống cấp, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
Chợ Vĩnh Lương (Nha Trang) là chợ duy nhất, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho khoảng 15.000 người dân địa phương. Thế nhưng, qua hơn 20 năm sử dụng, nhiều lần cải tạo, đến nay chợ đã xuống cấp, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
Sống chung với ô nhiễm
Chợ Vĩnh Lương có quy mô khá lớn với nhiều nhà lồng, họp 2 buổi/ngày. Đây là chợ cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa chủ yếu cho người dân trong xã và các tàu cá trên địa bàn. Hiện nay, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, các mái che bằng bạt lâu ngày đã rách nát. Nhiều hộ kinh doanh cơi nới, lấn chiếm đường đi, bày bán hàng hóa la liệt dọc các lối vào chợ. Do không có hệ thống cống thu gom nên bất kể nắng mưa, nước thải từ các hàng thực phẩm tươi sống chảy tràn dọc các lối đi, bốc mùi hôi nồng nặc.
Bà Nguyễn Kim Trang, tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết, mùa nắng mùi hôi nước thải bốc lên rất khó chịu, người bán phải đeo khẩu trang. Nhưng khổ nhất là mùa mưa, người mua lẫn người bán phải lội nước ô nhiễm. “Do một số khu vực không thể thoát nước, nước thải chảy tràn tự nhiên nên chợ rất mất vệ sinh. Do đó, nhiều người ngại vô chợ, vô cũng muốn ra nhanh nên buôn bán đang gặp khó khăn,” chị Trang nói.
Tuy nhiên, khổ nhất chính là những hộ sinh sống xung quanh chợ. Nhà bà Trần Thị Thiện (số 121/29 đường Chính Hữu), cách chợ gần 50m và 1 vườn cây nhưng hàng ngày đều phải đóng cửa im ỉm để tránh mùi hôi thối. Bà Thiện cho biết, ám ảnh nhất đối với các hộ chính là những ngày nắng nóng, mùi hôi từ phía chợ bốc lên nồng nặc, khiến người dân bị nhức đầu, chóng mặt. Nước thải ở chợ chảy vào hầm chứa hoặc chảy tràn ra con mương phía sau khu dân cư. Con mương có bề mặt rộng chừng 6 - 7m, hiện nay đã bị cây cỏ phủ kín, bồi lắng bởi chất thải, quanh năm suốt tháng nước chảy rỉ rả, bốc mùi hôi. “Có khách cũng không dám mời đến thăm nhà, thậm chí có gia đình đã bỏ đi nơi khác. Còn chúng tôi, vì không có điều kiện nên không thể chuyển đi chỗ khác. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền, nhưng tình trạng ô nhiễm ở chợ vẫn chưa được giải quyết,” bà Thiện nói.
Bà Lê Thị Linh, hàng xóm bà Thiện cũng cho hay, mùi hôi không chỉ từ nước thải ở chợ, còn do một số hộ gia đình xung quanh chợ xả nước thải trực tiếp ra mương. Trước đây, khi chợ còn quy mô nhỏ thì ô nhiễm ít, nhưng qua thời gian, ô nhiễm ngày càng tăng do chợ ngày càng phát triển.
Cần được nâng cấp
Chợ Vĩnh Lương có tổng diện tích 4.200m2, có 352 lô sạp với 283 hộ kinh doanh. Trong đó, có 202 lô sạp cố định với 137 hộ kinh doanh; khoảng 150 lô sạp không cố định với 146 hộ kinh doanh. Chợ được đầu tư xây dựng từ những năm 1990, trải qua thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng chợ vẫn lạc hậu vì không đồng bộ. |
Bà Võ Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết, chợ Vĩnh Lương trước đây do một hộ kinh doanh vận hành nên có phần lộn xộn. Từ đầu năm 2017, thành phố đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn một doanh nghiệp kinh doanh, vận hành nên tình hình có khả quan hơn trước. Về việc ô nhiễm, UBND xã đã yêu cầu Ban quản lý chợ nạo vét mương rãnh, hút hầm vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại khu vực hàng cá, thực phẩm tươi sống. Đối với khu vực nước ứ đọng phải xử lý mùi hôi thối bằng hóa chất, bộ phận vệ sinh phải quét dọn, thu gom rác hàng ngày. Riêng tình trạng các hộ kinh doanh lộn xộn, lấn chiếm đường đi hoặc các lô sạp cơi nới, gây cản trở việc đi lại chưa giải quyết được triệt để do cơ sở hạ tầng của chợ không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, để giải quyết vấn đề như ô nhiễm, lộn xộn hiện nay, chỉ có thể đầu tư, nâng cấp, mở rộng chợ. Chính quyền xã đã đề nghị thành phố đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp chợ, trong đó gồm có những hạng mục quan trọng như: sửa chữa nhà lồng chợ, làm lại mái che tránh dột nát, làm lại mặt trước chợ cho đảm bảo mỹ quan, đầu tư hệ thống thoát và xử lý nước thải, xây dựng lại khu vực buôn bán cá để tránh ô nhiễm…
“Tình trạng chợ quá tải, ô nhiễm, xuống cấp đã kéo dài nhiều năm nay. Đây cũng là trăn trở của địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Ban quản lý chợ khắc phục, giải quyết từng bước nhưng về lâu dài chỉ có giải pháp nâng cấp thì tình trạng này mới được cải thiện”, bà Huệ cho biết.
Minh Thiết