09:07, 11/07/2017

Chênh vênh trên vách núi

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) tự ý lấn chiếm, xây cất nhà ở chênh vênh trên vách núi Chụt. Mỗi khi có mưa bão, họ lại ăn ngủ không yên trước mối nguy sạt lở núi.

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) tự ý lấn chiếm, xây cất nhà ở chênh vênh trên vách núi Chụt. Mỗi khi có mưa bão, họ lại ăn ngủ không yên trước mối nguy sạt lở núi.


Lo sạt lở núi


Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và ông Vò A Bẩu được xây dựng trên một tảng đá lớn rộng khoảng 30m2. Phía dưới căn nhà là một con suối nhỏ chảy từ trên đỉnh núi xuống. Đây là nơi sinh sống của 5 nhân khẩu gần 10 năm qua. Bà Thủy cho biết: “Gia đình nghèo, không có tiền mua đất ở nên 2 vợ chồng lên ngọn núi này khai khẩn, đục đá xây dựng căn nhà tạm sinh sống. Hàng năm, mỗi khi có mưa bão, chính quyền địa phương lại lên vận động, yêu cầu gia đình di chuyển xuống nhà văn hóa thôn ở tạm. Gia đình tôi rất mong muốn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ tái định cư nơi khác vì sống ở đây chúng tôi rất lo bị sạt lở núi”.  

 

Căn nhà nằm chênh vênh trên núi Chụt

Căn nhà nằm chênh vênh trên núi Chụt


Cách đó khoảng 20m là căn nhà của gia đình ông Trương Triết Tâm và bà Ngô Thị Ngọc Trân. Ngôi nhà nằm chính giữa khe suối. Vì thế, vào mùa mưa, toàn bộ nước từ trên đỉnh núi kèm theo đất đá trôi thẳng vào nhà. Bà Trân cho biết: “2 vợ chồng làm phụ hồ, mỗi tháng được hơn 5 triệu đồng chỉ đủ lo sinh hoạt và tiền ăn học cho 2 đứa con. Biết sống ở đây đối mặt với nguy hiểm sạt lở núi nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì quá khó khăn. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ tái định cư”.


Dưới trưa nắng, nhìn lên núi Chụt, chúng tôi thật sự hoa mắt trước những ngôi nhà nằm chênh vênh lưng chừng núi. Muốn lên nhà, người dân phải đi trên những con đường mòn nhỏ rộng khoảng 1m được láng xi măng tạm bợ; có đoạn phải xây bậc tam cấp mới lên được nhà. Nhà nằm trên núi nên phương tiện đi lại của người dân đều phải gửi nhờ ở những gia đình phía dưới chân núi. Do ở trên cao nên nguồn nước sinh hoạt bị thiếu thốn, hàng ngày các gia đình phải xuống chân núi xin nước đưa lên sử dụng. Đặc biệt, do khu dân cư hình thành từ lâu,  người dân vứt rác bừa bãi khắp nơi nên gây ô nhiễm môi trường. Mỗi khi trời mưa xuống, toàn bộ khối lượng rác thải này lại trôi xuống dưới chân núi và các hộ ở phía dưới chân núi phải hứng chịu lượng rác thải này.  


Lãnh đạo phường Vĩnh Trường cho biết, nguy cơ sạt lở núi ở khu vực này rất cao do địa chất ở đây không vững chắc, trong khi nhiều nơi người dân đào khoét núi để xây nhà tạo thành những mái taluy khá nguy hiểm.


Sẽ thu hồi giải tỏa 

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ở núi Chụt có hơn 120 hộ sinh sống trên vách núi. Ngôi nhà cao nhất trên núi Chụt nằm cách chân núi khoảng 100m. Trước đây, có nhiều hộ đã bị sập nhà do sạt lở núi, gió mạnh làm tốc mái nhà, nhưng không gây thiệt hại về người do chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán người dân.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thuận - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết: “Năm 2015, UBND TP. Nha Trang đã phê duyệt Dự án chỉnh trang núi Chụt và vùng phụ cận thuộc phường Vĩnh Trường và Vĩnh Nguyên. Theo đó, tổng diện tích dự án thu hồi là 62,7ha, có với 536 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó, phường Vĩnh Trường 421 trường hợp, phường Vĩnh Nguyên 115 trường hợp. Tại khu núi Chụt, Công ty Cổ phần Gia Tuệ (TP. Hà Nội) sẽ xây dựng Khu đô thị The Forest Hillas và Villas. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các bước kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất để đưa ra phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư cho 120 hộ trên núi Chụt”.


Cũng theo ông Thuận, dự án được triển khai là điều đáng mừng, góp phần tạo bộ mặt mới cho địa phương. Chính vì vậy, lãnh đạo phường rất mong chủ đầu tư tích cực triển khai dự án và người dân đồng tình ủng hộ để dự án được triển khai thuận lợi.


PHÚ VINH