05:05, 15/05/2017

Nhọc nhằn nghề chặt mía thuê

Trên đường qua thôn 2, xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) chúng tôi bắt gặp "xóm trại" của những người từ huyện miền núi Khánh Vĩnh đến chặt mía thuê. Suốt nhiều tháng tá túc trong những túp lều dựng tạm ấy, có những đứa trẻ gián đoạn việc học để đi theo cuộc mưu sinh của bố mẹ.
 

Trên đường qua thôn 2, xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) chúng tôi bắt gặp “xóm trại” của những người từ huyện miền núi Khánh Vĩnh đến chặt mía thuê. Suốt nhiều tháng tá túc trong những túp lều dựng tạm ấy, có những đứa trẻ gián đoạn việc học để đi theo cuộc mưu sinh của bố mẹ.
 
Giữa trưa, ghé thăm một căn lều, chúng tôi được bà Cao Thị Thiện chia sẻ: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi “di cư” từ thôn Suối Lách (xã Khánh Trung) về đây dựng lều ở tạm để đi chặt mía thuê cho người dân xã Diên Đồng và những xã lân cận. Đi chặt mía thuê chủ yếu là người có sức vóc nhưng người già, trẻ con cũng đi theo; xuống đây, người già lo việc cơm nước, giặt áo quần; trẻ con thì chăm em còn thanh niên đi chặt mía, bốc mía”. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, bà Thiện vừa tranh thủ vào bếp cạnh căn lều để chuẩn bị nấu bữa cơm trưa. Gọi là bếp nhưng kỳ thực đó chỉ là ba cục đá kê bên một gốc cây điều phía ngoài trời. Quan sát trong căn lều, chẳng có gì ngoài mấy chiếc võng, mấy tấm ván kê lên làm nơi sinh hoạt cho cả hộ có 7 người.
 
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán khi vừa ngoài ruộng mía trở về, bà Cao Thị Được (thôn Suối Lách) chia sẻ: Cứ vào vụ mía, gia đình tôi và hàng chục hộ khác ở xã Khánh Trung lại dắt díu nhau lang bạt khắp nơi, khi thì Diên Khánh, lúc thì tỉnh Ninh Thuận để chặt mía thuê. Mỗi ngày 2 vợ chồng làm cật lực cũng chặt được khoảng 250 - 300 bó mía, mỗi bó người ta trả công 1.000 đồng cũng tạm đủ sống”. Ngồi bên cạnh, ông Đỗ Thành Phương (chồng bà Được) tâm sự: “Mùa thu hoạch cà phê thì vợ chồng tôi lên Đắk Lắk hái cà phê, mùa mía thì về địa phương chặt mía. Các hộ đi chặt mía thuê chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương. Các hộ về đây dựng lều tạm để đi chặt mía chủ yếu là những hộ ứng trước tiền công từ ông Nguyễn Văn Hảo (ở thôn 2, xã Diên Đồng, người đưa lao động đi chặt mía thuê), có hộ ứng tiền nhiều năm rồi mà chưa trả xong”.
 
Nhìn những đứa trẻ gầy nhom, đen nhẻm, nhiều đứa đang độ tuổi đi học đã phải vật lộn theo cuộc mưu sinh của bố mẹ, chúng tôi không khỏi xót xa. Hỏi chuyện, cháu Cao Thị Thơ (11 tuổi) cho biết: “Cháu đang học lớp 4, trước Tết còn đi học, nhưng từ sau Tết đến nay, bố mẹ đi làm xa, ở nhà 4 chị em không ai chăm nên bố mẹ đưa chúng cháu đi theo. Xuống đây, cháu phụ giúp bố mẹ nấu cơm, trông 3 đứa em nhỏ. Nhiều bạn như cháu cũng nghỉ học theo bố mẹ xuống đây chăm em”. Ông Phương góp thêm vào: “Điều tôi buồn nhất khi lao theo cuộc mưu sinh là trẻ con cũng buộc phải đưa đi theo (do ở nhà không có ai chăm sóc) nên đứa nào cũng đành phải nghỉ học. Cả xóm chặt mía thuê này có khoảng 20 đứa độ tuổi học cấp I, hơn 10 đứa tuổi học mầm non và nhiều đứa chưa đến 1 tuổi. Việc học tập của chúng bị gián đoạn từ sau Tết đến nay”.
 
 
Những người chặt mía thuê dựng hàng chục túp lều để tá túc, mưu sinh dài ngày
Những người chặt mía thuê dựng hàng chục túp lều để tá túc, mưu sinh dài ngày
 
 
Thấy có khách lạ ghé thăm, ông Nguyễn Văn Hảo kể, từ năm 2001, khi thấy nhân công chặt mía ở Diên Khánh và một số địa phương khác thiếu hụt, vốn có mối quen biết, buôn bán với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khánh Trung, ông đã liên hệ, cho các hộ tạm ứng trước tiền công chặt mía. Khi đến vụ thu hoạch lại đưa họ đi chặt mía, đến địa điểm nào thì dựng lều bạt ở tạm tại đó. Ông Hảo cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số chủ ruộng mía ở xã Diên Đồng do thiếu nhân công nên đã liên hệ với tôi đưa nhân công đến thu hoạch mía. Ban đầu có khoảng 60 gia đình ở 2 thôn Suối Lách và Suối Cá, xã Khánh Trung xuống dựng lều bạt trong khu đất trồng điều của gia đình để họ ở, đi làm. Có mấy hộ đã về lại Khánh Trung, hiện nay chỉ còn khoảng 40 hộ ở lại làm. Đến tháng 9, tôi lại dẫn họ vào tỉnh Bình Thuận để chặt mía cho đến sát Tết mới về, rồi sau Tết lại xuống đây làm. Họ đã đi theo tôi chặt mía thuê luân phiên như thế được 15 năm rồi”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại cho điều kiện sinh hoạt của nhân công chặt mía, ông Hảo phân trần: “Ở đây tuy điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng tôi cũng kéo điện, bơm nước cho họ sinh hoạt”. Khi chúng tôi thắc mắc, giá công chặt mía hiện nay là 1.300 - 1.500 đồng/bó nhưng sao họ chỉ nhận được 1.000 đồng/bó, ông Hảo giải thích: “Do họ đã ứng trước tiền công từ lâu nên phải trừ nợ”.
 
HẢI LĂNG - NAM ANH