11:05, 12/05/2017

Người nhân giống gà rừng bạch tạng

Từ cặp gà rừng bạch tạng được tặng, anh Nguyễn Bảo Ngọc (tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) đã nhân giống lên đến hàng trăm con. Đây là giống gà đột biến gen được giới chơi gà cảnh săn lùng với giá rất cao.

 

Từ cặp gà rừng bạch tạng được tặng, anh Nguyễn Bảo Ngọc (tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) đã nhân giống lên đến hàng trăm con. Đây là giống gà đột biến gen được giới chơi gà cảnh săn lùng với giá rất cao.


Kể về cơ duyên được sở hữu nguồn gen gà rừng đột biến gen rất hiếm gặp, anh Ngọc cho biết: “Tôi có người thân ở một huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận chuyên đi bẫy chim, gà rừng về bán cho người ta nuôi cảnh. Cách đây khoảng 3 năm, tôi vào nhà anh chơi, thấy đàn gà con có 12 con, trong khi những con khác đều có 5 màu (gà rừng ngũ sắc) thì có một cặp gà có bộ lông trắng tinh. Thấy tôi thích thú, người bà con tặng tôi cặp gà màu trắng đem về làm giống”.

 

Nghĩ rằng, cặp gà rừng có thể là kết quả của sự đột biến gen rất hiếm gặp, nên sau khi đem về nuôi, anh Ngọc  quyết tâm nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý. Cặp gà rừng được anh chăm sóc rất đặc biệt. “Điều may mắn là cặp gà giống đó có 1 con trống, 1 con mái; con trống chân xanh, con mái chân vàng. Khoảng 8 tháng từ khi đem về nuôi, tôi đã vui sướng khi thấy lứa gà con đầu tiên nở được 8 con, tất cả đều màu trắng và chia thành 2 dòng chân xanh và chân vàng”, anh Ngọc chia sẻ.


3 năm qua, anh Ngọc đã nhân đàn lên đến hơn 200 cá thể, trong đó anh đã bán giống cho những người nuôi gà cảnh và một công ty nhân giống gia cầm ở Hà Nội hơn 100 con, hiện nay, anh còn giữ nuôi 100 con lớn nhỏ. Anh Nguyễn Thành Phong, chủ vựa chim, gà cảnh tại TP. Nha Trang cho biết: “Tôi từng mua được và chuyển nhượng cho giới chơi gà cảnh trong và ngoài tỉnh nhiều loại gà rừng như: gà ngũ sắc, gà rừng đỏ… Trường hợp gà rừng đột biến gen, toàn bộ màu lông trắng muốt như ở trại nuôi của anh Ngọc thì chưa gặp bao giờ. Khi xuất hiện thông tin tại Khánh Hòa có giống gà bạch tạng, nhiều người chơi gà cảnh ở các tỉnh phía nam đã liên hệ với tôi để tìm mua”.


Tin anh Ngọc nhân giống thành công dòng gà rừng đột biến gen nhanh chóng được giới chơi gà cảnh trong nước biết đến, ngay cả người chơi gà cảnh ở Thái Lan cũng tìm đến săn lùng. Anh Ngọc cho biết: “Hiện tại, tôi bán gà con với giá 400.000 đồng/con chân vàng, 500.000 đồng/con chân xanh; gà giống đã đến tuổi sinh sản thì 5 triệu đồng/cặp. Tuy rất có giá và rất nhiều người đặt mua giống, nhưng hiện tại tôi không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, có vị khách từ Thái Lan trả giá 22.000 USD để mua toàn bộ hơn 100 con gà rừng bạch tạng nhưng tôi không bán vì sợ họ sẽ độc quyền sở hữu gen giống gà hiếm gặp này. Qua việc này, tôi nhận thấy việc nhân giống và bảo tồn được nguồn gen là rất quan trọng”.

 

Anh Ngọc bên những chú gà rừng đột biến gen của mình

Anh Ngọc bên những chú gà rừng đột biến gen của mình

 

Từ khi nhân giống thành công đàn gà rừng bạch tạng, anh Ngọc như được “tiếp lửa” để đến với nghề chăn nuôi và coi đây là nghề chính của mình. Anh đầu tư xây dựng khu chuồng trại quy mô lớn tách biệt, cách nhà vài trăm mét, rồi mua 400 con chim trĩ giống về nuôi. Tiếp đó, anh chọn nuôi thêm nhiều đối tượng khác có giá trị kinh tế cao như: gà Thái Lan đuôi vễnh, gà đông tảo, gà ri vàng rơm, gà Ai Cập…


Nhờ niềm đam mê và tính kiên trì tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua nhiều kênh, các đối tượng nuôi của anh Ngọc đều phát triển rất tốt. Đến nay, riêng chim trĩ đã đem về cho anh nguồn thu hơn 300 triệu đồng mỗi tháng. Thời điểm hiện tại, mỗi tháng anh Ngọc xuất bán hơn 1.000 con chim trĩ giống và thương phẩm. Gà rừng bạch tạng chỉ bán lai rai vì số lượng chưa nhiều; riêng các đối tượng khác đang trong giai đoạn nhân đàn. “Tôi tin rằng, ngoài gà rừng và chim trĩ, các đối tượng khác cũng là nguồn thu nhập đáng kể. Bởi ngoài đặc tính rất dễ nuôi, tôi chưa bao giờ thấy chúng mắc bệnh. Hơn thế, các đối tượng này đang có giá trị cao trên thị trường, kể cả giống nuôi cảnh hay thương phẩm”, anh Ngọc nói.


NAM ANH - HẢI LĂNG