Hiện nay, trên thị trường, phần lớn đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại đồ chơi nguy hại, bạo lực được bày bán tràn lan.
Hiện nay, trên thị trường, phần lớn đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại đồ chơi nguy hại, bạo lực được bày bán tràn lan.
Đồ chơi bạo lực, nguy hại
Bước vào cửa hàng đồ chơi trẻ em P.X (khu vực Chợ Đầm, TP. Nha Trang), chúng tôi nhận thấy phần lớn đồ chơi được bày bán tại đây có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại đồ chơi này có nhiều mẫu mã, màu sắc bắt mắt, giá lại rẻ hơn nhiều so với đồ chơi sản xuất trong nước. Điều đáng nói, tại đây, bán nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hại, được trưng bày ngay mặt tiền để thu hút sự chú ý của trẻ em, khách hàng. Từ những khẩu súng bắn đạn bi nhựa, lựu đạn, còng số 8, bộ đàm, viên đạn nhựa đến các loại kiếm nhựa phát sáng, dùi cui… được bày bán công khai, giá lại khá rẻ, khoảng 35.000 - 50.000 đồng. Bên cạnh những đó, các cửa hàng còn bán nhiều loại đèn pin laser, đồ chơi gắn tia laser, que phát sáng laser cầm tay… Đây là những loại đồ chơi đã từng bị cảnh báo vì nguồn sáng từ đèn laser có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nếu chiếu vào mắt trong thời gian dài.
Các loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực được bày bán tràn lan |
Ngoài ra, các cửa hàng đồ chơi trên đường 2-4, Lương Định Của, Nguyễn Trãi… còn bày bán nhiều loại miếng dán hoạt hình “Stickers” của Trung Quốc. Đầu năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ đã ra thông báo khuyến cáo người dân về các loại miếng dán hoạt hình này có chứa hàm lượng Phthalates với nồng độ vượt mức cho phép, có nguy cơ gây độc hại tới sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, hiện miếng dán hoạt hình “Stickers” vẫn được bày bán tràn lan với kích thước và mẫu mã đa dạng hơn trước. Trong đó, xuất hiện thêm nhiều chủng loại miếng dán có các hình con vật khá bắt mắt, những loại miếng dán kích cỡ nhỏ có hình ngộ nghĩnh được trẻ nhỏ ưa thích.
Phụ huynh ít quan tâm
Theo quy định, các loại đồ chơi dành cho trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn. Tuy nhiên, nhiều loại đồ chơi, trong đó có đồ chơi nguy hại, bạo lực đều không có tem hay chữ tiếng Việt (với hàng nhập) mà toàn chữ Trung Quốc. Tại các cửa hàng đồ chơi, chúng tôi nhận thấy cả người bán và người mua đều ít quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Dẫn con trai đến cửa hàng đồ chơi P.X, sau khi con lựa chọn món đồ chơi là khẩu súng bắn đạn nhựa, chị Nguyễn Hồng Anh (đường Tân Trang, TP. Nha Trang) chỉ hỏi về giá và nhanh chóng mua món đồ đó cho con. Chị Hồng Anh nói: “Con trai tôi chỉ thích đồ chơi là súng, gươm vì bạn bè của con đều chơi như vậy. Nếu tôi mua đồ khác, con chỉ chơi vài lần rồi chán và vứt đi”.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, chi cục đã kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, phát hiện 10 trường hợp vi phạm kinh doanh đồ chơi mang tính kích động bạo lực, đồ chơi có chứa chất độc hại. Chi cục đã xử phạt số tiền hơn 30,1 triệu đồng; tịch thu 3 hộp đồ chơi trẻ em “Mèo thông minh”, 6 hộp đồ chơi “Mèo Doreamon”, 260 miếng dán hoạt hình Sickers, 495 cây súng, kiếm nhựa các loại, 93 bịch đạn nhựa, 156 viên pháo nổ. |
Khi được hỏi, ngoài những đồ chơi là hàng Trung Quốc thì cửa hàng có sản phẩm nào của Việt Nam không, nhân viên cửa hàng P.X chỉ cho chúng tôi bộ đồ câu cá. Tuy nhiên, khi cầm lên xem thì sản phẩm lại có dòng chữ “Made in China”, nhân viên này giải thích: “Công ty Việt Nam sản xuất nhưng mua bao bì của Trung Quốc đóng gói”. Lần mò mãi trong hàng trăm loại đồ chơi, chúng tôi mới tìm được một vài món đồ là hàng Việt Nam sản xuất là bộ chữ cái, bộ số đếm… Trong sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và giữa bạt ngàn đồ chơi Trung Quốc, người tiêu dùng muốn tìm mua món đồ chơi Việt Nam cũng khó.
Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, có chất độc hại thuộc về công tác phòng, chống vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu nên chi cục sẽ phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn, các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Trong thời gian qua, chi cục thường xuyên chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em, đặc biệt vào các đợt cao điểm như Tết Trung thu. Đặc biệt, trong đợt cao điểm kiểm tra chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ổn định thị trường dịp cuối năm, chi cục sẽ chú trọng kiểm tra các loại sản phẩm đã được khuyến cáo. Nếu phát hiện vi phạm, chi cục sẽ tịch thu và xử lý theo quy định.
MAI HOÀNG