Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại huyện Vạn Ninh đang có chiều hướng tăng cao trở lại. Vì thế, địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng này.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại huyện Vạn Ninh đang có chiều hướng tăng cao trở lại. Vì thế, địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng này.
Thích sinh con trai
Gia đình chị Phạm Thị Liên và anh Huỳnh Văn Khánh ở thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng làm nghề biển nên dù đã có 4 đứa con gái vẫn muốn sinh thêm để có con trai nối nghiệp cha. Cán bộ dân số và chính quyền địa phương nhiều lần đến vận động anh chị thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) nhưng đều thất bại. Sau đó, chị Liên tiếp tục sinh thêm 2 con nữa là con trai thì mới dừng sinh. “Lúc chưa có con trai, tôi nghĩ nhất định phải sinh được con trai để phụ tôi đi biển, về sau có con kế thừa, dù biết sinh đông là khổ”, anh Khánh nói.
Cán bộ dân số tuyên truyền cho người dân xã Vạn Thắng |
Gia đình chị Nguyễn Thị Xinh và anh Đặng Thế Mỹ ở tổ dân phố 7, thị trấn Vạn Giã làm nghề in. Anh chị đã sinh được một con trai 4 tuổi. Khi được hỏi quan niệm về con trai và con gái, anh Mỹ cho biết: “Trước khi sinh con, vợ chồng tôi tìm kiếm và từng đọc rất nhiều sách vở viết về cách ăn uống, chăm sóc sức khỏe, phương pháp để sinh con trai. Phải sinh được con trai mới yên tâm, về già có người phụng dưỡng”.
Theo Trung tâm Dân số (DS)-KHHGĐ huyện, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương đang có chiều hướng tăng cao trở lại. Năm 2011, tình trạng này còn ở mức cho phép với tỷ lệ 108%. Năm 2013 tăng lên 113%; 9 tháng năm 2016 tăng cao lên 138,6%. Có một số xã tăng khá cao như: Vạn Thắng 120%, Xuân Sơn 147,5%, Vạn Lương 136%.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bác sĩ Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, dân số Vạn Ninh hiện có 140.114 người, tỷ suất sinh 10,97‰, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai 79,1%, đã đạt mức sinh thay thế. Điều này cho thấy, phần lớn người dân đã chấp nhận mô hình gia đình ít con. Tuy nhiên, quan niệm thích sinh con trai vẫn còn tồn tại trong bộ phận lớn người dân. Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra nên tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tăng cao. Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện xác định, muốn khống chế tình trạng này là cả một quá trình dài và bền bỉ, trong đó công tác truyền thông vẫn ở vị trí chủ lực. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phối hợp liên ngành, cần phát huy tối đa vai trò các cơ quan thông tin đại chúng như: đài phát thanh, truyền hình, báo chí, facebook, cổng thông tin điện tử huyện để tuyên truyền phủ rộng trên khắp địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, cần nêu cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, có những chính sách ưu tiên cho nữ giới; công tác về bình đẳng giới phải được quan tâm đúng mức, chế độ an sinh dành cho người già được đảm bảo… “Quan trọng hơn là phụ nữ phải tự mình thay đổi nhận thức, chủ động thực hiện KHHGĐ, phản đối đến cùng và không thỏa hiệp với chồng hoặc người thân thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi; phải phân tích cho người thân hiểu việc phân biệt nam nữ là một quan niệm lạc hậu, cần phải bỏ. Có như vậy mới dần từng bước làm chuyển biến nhận thức trong từng gia đình về vai trò trẻ em gái, góp phần đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về ở mức ổn định từ 103% đến 107%”, ông Tình nói.
THIẾT TRANG