09:05, 10/05/2016

"Khát khao tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư…"

Tiến sĩ Phan Minh Liêm - người đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến căn bệnh ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson - Trung tâm nghiên cứu ung thư hàng đầu ở Hoa Kỳ vừa có chuyến về thăm gia đình tại TP. Nha Trang.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm - người đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến căn bệnh ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson - Trung tâm nghiên cứu ung thư hàng đầu ở Hoa Kỳ vừa có chuyến về thăm gia đình tại TP. Nha Trang. Nhân dịp này, anh đã dành cho Báo Khánh Hòa cuộc trò chuyện với nội dung xoay quanh những trăn trở của một người luôn dành hết tâm sức để giúp các bệnh nhân ung thư chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm này...


- Được biết anh về nước từ trước Tết, bây giờ mới có dịp về thăm gia đình. Lần trở về này, anh có mang theo tin vui gì cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam?

 


- Tôi đã ở Việt Nam được 4 tháng. Do đang trong thời gian chuyển giao kết quả nghiên cứu nên tôi có thời gian về nước lâu hơn. Cả một thời gian dài, tôi và các cộng sự ở Trung tâm Ung thư MD Anderson đã nghiên cứu phát hiện một gien có khả năng ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gien này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng, cũng như mất khả năng di căn. Khi bị ung thư, người bệnh thường được xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, xạ trị và hóa trị có thể diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không gây hại đến các tế bào bình thường khác.


Tôi cũng xin được chia sẻ thêm là công trình nghiên cứu khoa học của tôi đã bước qua giai đoạn mới - giai đoạn nghiên cứu thuốc điều trị ung thư. Quá trình đó có thể kéo dài 10 hoặc 15 năm nữa, nhưng tôi tin rồi đây các bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội được cứu chữa kịp thời, không còn phải chịu nhiều đau đớn...


- Vậy lần về nước này, anh vẫn cùng với các cộng sự truyền giảng phương pháp mới trong phòng, chống ung thư?


- Thật ra, trước đây tôi thường xuyên đi - về giữa Mỹ và Việt Nam, đưa các giáo sư của viện về làm việc với các chuyên gia phòng, chống ung thư ở Việt Nam và kịp thời thông tin những phương pháp mới trong việc chữa trị căn bệnh này. Trở về lần này, có thời gian ở lại lâu hơn, tôi bay đi bay về giữa TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội, làm việc với các chuyên gia đầu ngành, các bệnh viện chuyên khoa; qua đó tìm hiểu thêm về thiết bị, công nghệ, phương pháp chữa bệnh của một số bệnh viện; tư vấn cho các bác sĩ; nghiên cứu những ca bệnh khó và cùng các cộng sự tiếp tục tìm hướng chữa trị hiệu quả.


- Theo Tiến sĩ, đâu là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người Việt mắc ung thư nhiều như thế? Tiến sĩ vừa nói sẽ có thuốc chữa ung thư nhưng đó là về lâu dài, còn bây giờ, liệu có cách nào hữu hiệu để vượt qua căn bệnh này?


- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh ung thư. Phần lớn (90 - 95%) các trường hợp ung thư là do các yếu tố môi trường, 5 - 10% ung thư còn lại là do di truyền. Các yếu tố môi trường góp phần vào con số tử vong do ung thư gồm: thuốc lá (25 - 30%), chế độ ăn không hợp lý và béo phì (30 - 35%), nhiễm khuẩn (15 - 20%), bức xạ, sự căng thẳng (stress), thiếu hoạt động thể chất và các chất ô nhiễm môi trường. Tại các nước phát triển, tỷ lệ có thể chữa khỏi được trên 80%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này thấp hơn, bởi lẽ, có tới 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đi khám và phát hiện ở giai đoạn muộn. Nói vậy để thấy, ung thư vẫn có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đã từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối, tôi xót xa khi nhìn họ chịu đựng những cơn đau, đôi khi có cảm giác bất lực vì không cứu được họ...


- Và đó có phải là động lực khiến anh dồn hết tâm trí, tâm sức cho việc nghiên cứu chống ung thư?


- Đúng vậy. Tôi có thể ngồi suốt từ 8 giờ sáng đến tận đêm khuya trong phòng nghiên cứu để theo đuổi những công trình nghiên cứu của mình. Thất bại trong nghiên cứu ung thư là thường xuyên, nên cần có niềm tin. Nhưng chính những bệnh nhân đó đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để tôi tiếp tục nghiên cứu, vì tôi luôn khát khao sẽ giúp bệnh nhân ung thư chiến thắng được căn bệnh nguy hiểm này.


- Thời gian ở Việt Nam, cộng tác với nhiều bệnh viện chuyên ngành, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về hệ thống y tế trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị phòng, chống ung thư?

 

Nhận lời mời của Báo Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, Tiến sĩ Phan Minh Liêm sẽ có một buổi tư vấn sức khỏe chuyên đề “Giải pháp hiệu quả trong phòng, chống ung thư” tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang vào lúc 8 giờ ngày 14-5-2016. Bạn đọc Báo Khánh Hòa có thể gửi câu hỏi để Tiến sĩ Liêm trả lời, tư vấn về cách phòng, chống bệnh theo địa chỉ toasoanbkh@gmail.com hoặc theo dõi trực tuyến trên trang thông tin điện tử baokhanhhoa.com.vn.

- Tôi thấy việc nghiên cứu về ung thư ở các bệnh viện Việt Nam chưa triển khai được nhiều do chưa có điều kiện. Bệnh nhân quá tải, bác sĩ ít có thời gian đào tạo, việc điều trị chưa như mong muốn của bệnh nhân. Chính vì thế, tôi luôn muốn truyền tải công nghệ tốt nhất điều trị ung thư, thông qua việc phối hợp, làm cầu nối giữa các cộng sự ở Trung tâm Ung thư MD Anderson và các chuyên gia y tế trong nước. Về nước lần này, tôi đã làm việc với nhiều bệnh viện chuyên ngành, trong đó tôi nhận thấy bệnh viện Vinmec đã đầu tư nhiều máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị, phòng ngừa ung thư. Vinmec cũng chú trọng định hướng phát triển nghiên cứu, điều trị ung thư theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Việc chuyển giao công nghệ, phối hợp đào tạo nhân lực, hợp tác toàn diện giữa Trung tâm Ung thư MD Anderson và các bệnh viện ung thư tại Việt Nam, trong đó có Vinmec, là một hướng triển vọng nhằm phục vụ nhu cầu tầm soát, phòng ngừa và điều trị ung thư với chất lượng cao tại Việt Nam.


- Tiến sĩ có những dự định gì riêng ở Nha Trang - Khánh Hòa, nơi mình sinh ra và lớn lên?


- Mục đích lớn nhất của cuộc đời tôi là tìm ra phương thuốc chữa bệnh ung thư. Tôi đang đi trên con đường đó và dồn hết sức để mang lại một kết quả không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân ở Việt Nam đều mong muốn. Còn ở quê hương mình, tôi đang ấp ủ một dự án giúp cộng đồng phòng ngừa ung thư, thông qua việc tạo những sản phẩm ăn uống được làm từ nguyên liệu tốt, được chứng minh có khả năng kháng ung thư; kết hợp giữa ẩm thực và y học thành những “món ăn - bài thuốc” cho cộng đồng.


- Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!


Lệ Hằng (Thực hiện)



 



Tiến sĩ Phan Minh Liêm sinh năm 1983 tại Khánh Hòa. Năm lớp 10, anh nhận học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học. Năm 2001, anh thi vào ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Năm thứ 3 đại học, anh nhận học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và sang Mỹ du học năm 2005. Hiện anh đang làm việc tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ).


Anh vinh dự được các giải thưởng của quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu ung thư (2010 - 2013), đồng thời là 1 trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu của Việt Nam năm 2014.


Các dự án Tiến sĩ Liêm đang tiến hành tại Việt Nam:


 - Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các bệnh viện ung thư và bệnh viện Vinmec nhằm từng bước chuyển giao các công nghệ chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư hiện đại của Trung tâm Ung thư MD Anderson về Việt Nam.


- Thành lập một công ty tại Việt Nam chuyên về các giải pháp phòng ngừa ung thư cho cộng đồng thông qua việc cung cấp các loại thức uống được chế biến từ các nguyên liệu và trái cây có khả năng kháng và phòng ngừa ung thư. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa y học và ẩm thực nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.


- Thường xuyên trình bày các buổi tư vấn, thảo luận dành cho cộng đồng với chủ đề về bệnh ung thư và các phương pháp phòng ngừa căn bệnh này. Đặc biệt, nội dung của các buổi trình bày còn bao gồm các kết quả nghiên cứu nhiều năm của các giáo sư và nhà khoa học của MD Anderson về các nguy cơ gây ung thư tại Việt Nam và các phương pháp phòng tránh hiệu quả.