Nghề vá lưới được hình thành cùng với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân. Đây cũng là nghề truyền thống, công việc mưu sinh hàng ngày của nhiều người dân vùng biển trên địa bàn tỉnh.
Nghề vá lưới được hình thành cùng với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân. Đây cũng là nghề truyền thống, công việc mưu sinh hàng ngày của nhiều người dân vùng biển trên địa bàn tỉnh.
Sau những đợt ra khơi dài ngày trở về, lưới đánh bắt cá của ngư dân thường bị rách do vướng phải đá ngầm, san hô hoặc sợi cước bị mục vì sử dụng lâu ngày. Vì vậy, sau mỗi chuyến biển, các chủ tàu lại thuê thợ vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Những lúc tàu về bến đông đúc, nhu cầu vá lưới càng tăng.
Vá lưới trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân vùng biển, đa số là phụ nữ. Để hành nghề, họ lập thành từng nhóm từ 10 đến 15 người. Cứ mỗi khi tàu về, chủ tàu gọi là họ có mặt để vá lưới. Công việc của những người thợ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, mỗi người chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc. Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như: cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao… Thông thường mỗi tàu cá, nhóm thợ vá từ 3 đến 5 ngày mới xong. Tiền công tính theo ngày, trung bình khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Bà Đặng Thị Mới (tổ dân phố 12, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) có 15 năm gắn bó với nghề cho biết: “Để hành nghề, mỗi người tự sắm cho mình bộ dụng cụ gồm: máy may, con thoi, kéo cắt là đủ. Nghề này nhìn thấy đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Bởi khi móc lưới cần phải chặt tay tại các mối nối, giúp đường lưới không chạy khi bung xuống biển. Người vá lưới phải cẩn trọng và chịu khó, ai không có được 2 đức tính này thì khó theo nghề”.
Những người làm nghề vá lưới cho biết, đây là nghề dễ học, dễ làm, nhưng muốn trở thành thợ giỏi, để được chủ ghe gọi thường xuyên thì người thợ phải tinh mắt, tỉ mỉ, sắc sảo trong từng mũi vá. Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chủ yếu là người biết hướng dẫn cho người chưa biết, nghề dạy nghề, làm nhiều thành quen. Những năm gần đây, khi các chủ tàu đi đánh bắt hải sản ở các vùng biển theo mùa, thường cập cảng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Những lúc như vậy, để tân trang lại ngư lưới cụ, các chủ tàu đều thuê xe đưa nhóm thợ đến tận nơi để vá lưới.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Lợi (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cho biết: “Để giữ mối làm ăn, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu vá lưới cho các chủ tàu tận nơi. Việc đến các tỉnh, thành như: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Vũng Tàu… để vá lưới cho mối quen là thường xuyên. Tuy nhiên, những lần như vậy thu nhập cũng cao hơn, trung bình 1 tuần đi hành nghề, trừ chi phí sinh hoạt mỗi người còn thu được hơn 3 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Cang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) chủ tàu KH-93718TS, có công suất 240CV, hành nghề lưới vây cho biết: “Toàn bộ lưới của tàu dài hơn 700m. Cứ sau mỗi chuyển biển hơn 20 ngày trở về, tôi đều gọi thợ đến gia cố lại lưới để chuẩn bị cho chuyến sau. Chi phí cho mỗi lần gia cố khoảng 10 triệu đồng. Nếu không có những người thợ vá lưới, chi phí mua lưới mới còn tốn kém hơn nhiều. Nhờ có những người thợ vá lưới, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn cho mỗi chuyến đi biển, vì lưới lúc nào cũng an toàn, cá không bị lọt ra ngoài”.
Nghề vá lưới đã và đang là thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở các làng chài ven biển. Chị Cao Thị Sang (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho biết, cách đây 8 năm, vì gia đình quá nghèo nên chồng chị bỏ nhà đi biệt tăm, để lại 2 đứa con đang tuổi ăn học. Trong lúc khó khăn, chị được bạn bè dạy nghề vá lưới nên gắn bó với nghề từ đó đến nay. Chị Sang chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi thu nhập được hơn 4 triệu đồng, tiết kiệm chi tiêu cũng tạm đủ lo cho các con ăn học. Nghề vá lưới tuy thu nhập thấp, nhưng có việc làm thường xuyên nên tôi cố gắng bám trụ với nghề.”
Từ bao đời nay, hình ảnh từng nhóm thợ ngồi trải dài tỉ mẫn vá lưới đã trở thành nét riêng của cư dân làng biển. Công việc này đã và đang tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động các địa phương.
PHÚ VINH