11:05, 17/05/2016

Khan hiếm nước sinh hoạt

Nắng nóng kéo dài, nguồn nước giếng cạn kiệt, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa hiện đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; nhiều nơi người dân phải lấy nước sông về sử dụng.

Nắng nóng kéo dài, nguồn nước giếng cạn kiệt, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa hiện đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; nhiều nơi người dân phải lấy nước sông về sử dụng.


Cam Lâm: Nước giếng bị nhiễm mặn


Mấy tháng nay, nhà bà Nguyễn Thị Nho (thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) phải thường xuyên sử dụng nước uống đóng bình, bởi giếng nước đã bị nhiễm mặn. Nhà ông Đặng Thanh Lâm ở gần đó cũng phải mua nước đóng bình để uống, nấu ăn. “Giếng khoan nhà tôi tuy không nhiễm mặn, nhưng lại có mùi hôi, không đảm bảo cho việc ăn uống, nên chỉ dùng để tắm giặt. Hiện nay, nước giếng đã cạn; nếu không có mưa, chỉ nửa tháng nữa là cạn hẳn”, ông Lâm nói. Bà Nguyễn Thị Thãi – Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, nước sinh hoạt trên địa bàn xã vẫn còn, nhưng nếu hạn hán kéo dài, tới tháng 7 sẽ thiếu nước. Hiện chúng tôi đang kê khai danh sách các hộ thiếu nước để đề nghị hỗ trợ”.

 

Gia đình bà Nho lấy nước từ giếng cộng đồng về dùng nhưng không thể ăn, uống được do bị nhiễm vôi
Gia đình bà Nho lấy nước từ giếng cộng đồng về dùng nhưng không thể ăn, uống được do bị nhiễm vôi


Còn tại xã Cam Phước Tây, giếng nước của các hộ dân ở 2 thôn Tân Lập và Văn Thủy 2 cũng sắp cạn. Ông Lê Tấn Long – Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây chia sẻ: “Hiện tại, đa số các giếng nước của dân trong xã đều gần cạn, nguồn nước tự chảy từ hồ Tà Rục không đảm bảo nên phải chia lịch để cung cấp. Do khan hiếm nước sinh hoạt, người dân trong xã đang phải mua nước với giá 50.000 đồng/m3”.


Theo thống kê của UBND huyện Cam Lâm, đến nay, có hơn 543 hộ với 1.938 khẩu trên địa bàn huyện đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các xã Cam Tân, Cam Hòa, Suối Cát. Tại xã Cam An Nam có khoảng 900 hộ có giếng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, chỉ dùng được cho việc tắm giặt. Riêng các xã: Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa, Cam Tân, phần lớn sử dụng nước giếng khơi, dự kiến sẽ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Dự kiến số hộ thiếu nước trên địa bàn huyện tăng lên khoảng 6.050 hộ, với 26.383 khẩu.


Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm cho biết, huyện đã lập phương án phòng, chống hạn vụ hè thu và mùa khô năm 2016 trình UBND tỉnh. Dự kiến kinh phí để phục vụ chống hạn là 12,8 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3 tỷ đồng phục vụ mua nước sinh hoạt cấp cho người dân; 5 tỷ đồng đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước từ các hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện có; gần 800 triệu đồng sửa chữa các đoạn kênh mương bị hư hỏng nặng nhằm chống thất thoát nước… Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức đánh giá, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước ở các ao chứa, sông suối, giếng nước có trên địa bàn; thực hiện các biện pháp chống rò rỉ, thất thoát, ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện chống hạn, sử dụng nước tiết kiệm.


Khánh Vĩnh: Người dân ra sông kiếm nước


Tại huyện Khánh Vĩnh, những ngày này, mực nước các sông, suối trên địa bàn xuống thấp, các công trình nước sinh hoạt tự chảy dần tê liệt. Nhiều hộ đã phải mua nước đóng bình về dùng, nhưng rất dè xẻn. Những gia đình thu nhập thấp phải xoay qua dùng nước sông, nước suối.  


Bà Cao Thị Thím (Giồng Cạo, xã Khánh Thành) cho biết, bà đã ra sông lấy nước từ hơn 1 tháng nay. Nhà bà cách sông Khế không xa nên việc lấy nước không gặp trở ngại. Những hộ khá giả thì sắm máy bơm đưa nước từ sông lên bể chứa, nhưng nhà bà không có tiền mua máy bơm nên đành đi gùi nước. Bà Cao Thị Thêm - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho hay, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy của xã đang bị hư hỏng, lượng nước chỉ đáp ứng khoảng 80% dân số. Xã đã kiến nghị huyện đầu tư, sửa chữa nâng cấp hệ thống này. Trước mắt, xã xin kinh phí huyện đầu tư một số giếng khoan nơi khu vực nước căng thẳng để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện tại cho người dân.


Theo ông Hà Nganh, cán bộ Địa chính - Môi trường xã Cầu Bà, hạn hán làm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn xã khan hiếm. Hiện tại, các con suối nhỏ đã cạn, suối lớn như A Xay, A Pan vẫn còn nhưng cũng có nguy cơ cạn kiệt nếu trời tiếp tục không mưa. Sông, suối khô cạn nên công trình nước tự chảy của xã đang thiếu nước nghiêm trọng. Để điều tiết nước cho 2 thôn Đá Trắng và Đá Bàn, xã phải chia lịch cấp nước. Tuy nhiên, do nguồn nước khó khăn nên nhiều hộ nước không tới được. Xã dự kiến sẽ đào thêm khoảng 7 giếng để giải quyết tình trạng thiếu nước.


Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện hiện có 2 hồ chứa nước, 17 đập dâng và 3 đường ống dẫn nước. Hiện tại, 2 hồ chứa nước đã rơi vào mực nước chết, hầu hết đập dâng đã cạn khô, hoặc trong tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng. Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh có công suất thiết kế 1.200m3/ngày đêm, nhưng do nguồn nước sông Khế đang xuống nhanh, áp lực đường nước yếu, không thể tự chảy về được nên công suất hiện chỉ còn chưa đến 600m3/ngày đêm. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, hơn 1.060 hộ dân ở thị trấn Khánh Vĩnh và một phần xã Khánh Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước sinh hoạt.


Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để huyện triển khai việc khảo sát, khoan giếng, giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiếu nước. Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngoài nguồn dự phòng của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh còn hỗ trợ 1 tỷ đồng để địa phương chống hạn. Từ nguồn kinh phí này, huyện dự kiến sẽ đào, khoan khoảng 20 giếng (bình quân 90 triệu đồng/giếng) tại các khu vực khó khăn nước sinh hoạt. Dự kiến ngày 22-5 tới sẽ triển khai giếng đầu tiên.    

                                                                                           
VĨNH THÀNH - V.L