11:04, 10/04/2016

Gạo tăng giá do tâm lý

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá lúa gạo trên thị trường tăng nhẹ do thông tin nguồn cung lúa gạo giảm vì tác động của khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những thông tin trên là chưa có cơ sở.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá lúa gạo trên thị trường tăng nhẹ do thông tin nguồn cung lúa gạo giảm vì tác động của khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những thông tin trên là chưa có cơ sở.


Các loại gạo đều tăng giá


Từ cuối tháng 3, giá gạo trên thị trường đã rục rịch tăng nhẹ và tăng đỉnh điểm vào tuần đầu tháng 4. Chị Trần Thị Tân (chủ quán cơm trên đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) cho biết, loại gạo Tài Nguyên thường ngày chị hay mua giá khoảng 9.500 đồng/kg, nhưng hiện nay đã tăng lên 10.500 đồng/kg “Một tuần gần đây giá gạo tăng liên tiếp và tăng cao hơn 500 đồng/kg. So với 1 tháng trước, giá gạo đã tăng gần 1.000 đồng/kg nên chi phí mua bán phục vụ quán cơm của tôi cũng tăng theo. Tính từ cuối tháng 3 đến nay, tiền gạo đã bị đội lên hơn 500.000 đồng, nhưng tôi lại không thể tăng tiền mỗi suất ăn của khách”, chị Tân nói.

 

Giá gạo hiện nay tăng từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 3
Giá gạo hiện nay tăng từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 3


Theo các đại lý gạo, các nhà máy xay xát, thương lái tăng giá nên bắt buộc họ phải tăng giá theo. Bà Mai Thị Toàn (chủ đại lý gạo Toàn ở gần chợ Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết: “Các thương lái, công ty đều nói vì thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn nên nguồn cung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị sụt giảm. Vì vậy, dù giá tăng từng ngày nhưng tôi cũng phải mua gạo dự trữ để có hàng bán”. Theo bà Toàn, các loại gạo đều đồng loạt tăng giá, từ loại thông dụng như: dẻo thơm ruộng, dẻo thơm tía, lài sữa… đến các loại gạo có chất lượng cao như: nàng thơm chợ Đào, thơm Thái, dẻo thơm Gò Công... Mức tăng hơn 500 đồng/kg, có loại tăng gần 1.000 đồng/kg. Vào những ngày giá gạo tăng, bà phải thay bảng niêm yết giá hàng ngày để khách hàng biết. Ngoài lý do về thời tiết hạn hán, một số đại lý cũng cho biết, hiện nay, xuất khẩu gạo của nước ta đang có chiều hướng tốt nên nguồn cung trong nước cũng giảm nhiều.  


Người dân không nên quá lo lắng


Ông Đậu Công Nghị - Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, giá mặt hàng lúa gạo tăng trong thời gian qua là do tâm lý của người dân. Hiện nay, công ty vẫn còn số lượng lớn gạo dự trữ trong kho nên không có chuyện khan hiếm hàng. “Giá gạo hiện nay còn thấp hơn so với giá cùng thời điểm năm 2014 và chỉ tăng nhẹ so với năm 2015. Cụ thể như loại gạo Gò Công, năm 2014 giá 18.500 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ 17.000 đồng/kg. Thời điểm này năm 2014, UBND tỉnh phải đứng ra điều tiết giá gạo”, ông Nghị nói.


Được biết, trước Tết Nguyên đán đến hết tháng 2, giá gạo giảm sâu do xuất khẩu không được, gạo tồn kho nhiều. Tuy nhiên, đến tháng 3, khi Trung Quốc mở đường tiểu ngạch xuất khẩu gạo, cộng thêm những thông tin về hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đã gây nên cơn sốt ảo về giá lúa gạo. Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ vì cơn sốt ảo này. Thời điểm đầu năm, giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên là do các doanh nghiệp tập trung gom hàng để giao cho các hợp đồng đã ký trước đó. Còn vụ đông xuân vừa qua, nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đạt năng suất và sản lượng rất cao. Vì vậy, những lý do mà đại lý gạo, các thương lái đưa ra để lý giải cho việc gạo tăng giá là không có cơ sở.


Theo một số công ty kinh doanh lương thực, biến động về giá gạo chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời. Ảnh hưởng do thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn mới xuất hiện nên khó có chuyện mất cân đối cung - cầu xảy ra. Vì vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng và tỉnh táo trước thông tin “giá gạo sẽ tiếp tục tăng”.

 
MAI HOÀNG