11:09, 14/09/2015

Cam Lâm: Nông dân đào hồ, mua nước chăm hoa cúc Tết

Do hạn hán kéo dài, năm nay, người trồng hoa cúc cho Tết 2016 ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phải đào hồ mua nước về chứa để tưới. Những cơn mưa cuối tuần qua cũng không làm nông dân hết nỗi lo thiếu nước...

Do hạn hán kéo dài, năm nay, người trồng hoa cúc cho Tết 2016 ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phải đào hồ mua nước về chứa để tưới. Những cơn mưa cuối tuần qua cũng không làm nông dân hết nỗi lo thiếu nước...


Vào vụ


Thông thường, từ sau tết Nguyên đán 1, 2 tháng, người trồng hoa cúc ở Cam Lâm bắt đầu đúc chậu, đặt mua giống. Đến khoảng tháng 6 (âm lịch), nông dân làm đất; từ tháng 7 bắt đầu trồng cây con vào chậu, tưới nước, bón phân cho cúc.

 

Trời nắng hạn, người trồng cúc đang phải vất vả lo nguồn nước tưới
Trời nắng hạn, người trồng cúc đang phải vất vả lo nguồn nước tưới


Đến thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Bắc... những ngày này, chúng tôi bắt gặp hàng ngàn chậu cúc đại đóa và cúc pha lê xếp san sát, cây đã cao khoảng 4 - 5cm. Thuê đất ở xã Cam Hải Tây để trồng hoa cúc, hiện nay, vợ chồng bà Ngô Thị Đoan (thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc) đã trồng 100 thiên cúc (1 thiên bằng 1.000 cây giống) cho 2.000 chậu trung và 1.000 chậu nhỏ. Còn ông Ngô Sửu (tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức) đã cho cây vào chậu từ ngày 6-7 (âm lịch) với tổng cộng 4.000 chậu trung và nhỏ, gần 100 chậu đại. Ông Sửu cho biết, so với năm ngoái, tiền giống năm nay 190.000 - 200.000 đồng/thiên, tăng thêm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/thiên. Tiền công cũng tăng khoảng 10.000 đồng/ngày; riêng công đàn ông khá cao, tới 200.000 đồng/ngày. Để giảm chi phí, ông cũng như hầu hết hộ trồng cúc đều tự đúc chậu, tiết kiệm 5.000 - 6.000 đồng/chậu so với mua...


Năm nay, bà Đỗ Thị Vạng (tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức) mạnh dạn trồng nhiều hơn năm ngoái 1.000 chậu, gồm 2.000 chậu nhỏ, 3.000 chậu trung. Bà Vạng cho biết, năm ngoái trồng cúc khá thuận lợi; còn năm nay hạn hán, chi phí sẽ tăng hơn nên bà trồng tăng số chậu để hy vọng lấy số lượng lớn bù cho lãi ít đi.


Đào hồ, mua nước chăm hoa cúc


Mấy ngày trước, tuy trưa nắng nhưng vợ chồng bà Đoan vẫn lúi húi tưới cây. Bà bảo, nắng hạn nên giữa trưa vẫn phải tưới, nếu không cây cúc không chịu nổi sẽ bị chết cháy. Năm nay, bà xuống giống bằng thời điểm năm ngoái (11-7 âm lịch), nhưng do thiếu nước nên cây phát triển chậm hơn hẳn. Vợ chồng bà phải đào hồ (khoảng 20m3), rồi dùng bạt lót đáy và mua nước chứa trong hồ để tưới. Mỗi ngày, bà phải mua khoảng 100.000 đồng nước giếng khoan hoặc hơn 100.000 đồng nước từ xe bồn (2 - 3m3).

 

Ông Bùi Quang Nam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Chuẩn bị vụ hoa cúc Tết 2016, hiện nay, nông dân Cam Lâm trồng khoảng 70.400 chậu cúc ở 6 xã, thị trấn (Cam Phước Tây, Cam Thành Bắc, Cam Đức, Cam Hiệp Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát). Nguồn giống được lấy từ cơ sở nhân giống nuôi cấy mô ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hiện nay, người trồng cúc đang gặp khó khăn lớn khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt do nắng hạn kéo dài.

Không riêng bà Đoan, hầu hết nhà vườn trồng cúc ở Cam Lâm đều tự đào hồ, mua nước về chứa để tưới. Ông Sửu chia sẻ, năm ngoái cũng hạn hán nhưng mương thủy lợi còn nước nên ông chỉ tốn tiền xăng dầu, tiền điện để bơm nước. Còn năm nay, mương cũng cạn, ông phải mua nước của những gia đình có giếng khoan. Nếu năm ngoái, ông tốn 50.000 đồng tiền dầu để bơm đầy một hồ khoảng 20m3 thì năm nay, mua đầy hồ nước phải tốn 150.000 đồng.


Nhà bà Vạng cũng trong tình cảnh đào hồ, trải bạt, mua nước. Bà nói: “Tôi trồng cúc 20 năm liền, nhưng chưa năm nào trời hạn tới mức phải mua nước tưới như năm nay”. Hiện nay, tại địa phương chỉ các giếng khoan còn nước, nhưng tiền khoan một giếng nước tới 65 triệu đồng, nhà bà không có điều kiện. Bây giờ, trung bình cứ 4 ngày, bà mua một hồ nước (khoảng 200.000 đồng) để tưới cho cây cúc. Bà cho biết, khi cây lớn hơn, một hồ nước chỉ đủ tưới trong 2 ngày. Nếu mua nước xe bồn thì còn tốn hơn...


Chiều 13-9, chúng tôi trở lại vùng trồng hoa cúc. Những người trồng hoa cúc cho biết, mấy hôm nay trời mưa nên họ tạm ngưng mua nước, mỗi ngày chỉ tưới 1 lần, nhưng họ vẫn đang phập phồng nắng hạn trở lại...


TIỂU MAI