11:07, 20/07/2015

10 lỗi cha mẹ hay mắc khi cho con đi ngủ

Nếu giờ đi ngủ của bé thay đổi hàng ngày, điều đó giống như bạn bay đi bay về giữa các vùng lệch múi giờ mỗi đêm, và cơ thể sẽ không biết khi nào cần buồn ngủ.

Nếu giờ đi ngủ của bé thay đổi hàng ngày, điều đó giống như bạn bay đi bay về giữa các vùng lệch múi giờ mỗi đêm, và cơ thể sẽ không biết khi nào cần buồn ngủ.
 
Bé của bạn khó vào giấc ngủ hoặc thường xuyên quấy trong đêm, hãy xem lại bạn có mắc một trong các sai lầm phổ biến dưới đây hay không.
 
1. Bỏ qua việc tạo quy trình trước giờ đi ngủ
 
Hầu hết mọi người cần thời gian thư giãn trước giờ ngủ, các em bé cũng thế. Một quy trình được lập sẵn sẽ không chỉ giúp bé thư giãn hơn, mà còn là trải nghiệm gắn bó tuyệt vời giữa cha mẹ và con cái. 
 
Một tiếng trước khi bạn muốn bé ngủ (chẳng hạn 8h tối), hãy bắt đầu quy trình này. Hạ rèm cửa, tắt đèn, chuẩn bị bình sữa cho bé và đọc truyện. Nếu tắm nước ấm trước đó cho bé thì càng tốt, và khi đến lúc, hãy đưa bé thẳng vào phòng ngủ, thay quần áo cho bé trong phòng đủ tối. Đọc một câu chuyện và cho bé bú trên tay mình. Xong việc, hãy dỗ bé vào giấc ngủ, và đặt bé vào giường ở trạng thái còn thức, nhưng lơ mơ. 

 

2. Bỏ qua dấu hiệu buồn ngủ của bé
 
Các bé sơ sinh hay ở tuổi chập chững luôn phát ra tín hiệu chúng đã mệt và cần được đi ngủ, chẳng hạn dụi mắt, ngáp, cử động uể oải, khóc ỉ ôi và cáu gắt, không còn quan tâm với mọi người hay đồ chơi. Nếu bạn bỏ lỡ thời gian cửa sổ này - cơ thể bé sẽ không tiết ra melatonin giúp thư giãn. Thay vào đó, các tuyến thượng thận sẽ phát ra hàng loạt cortisol- hoóc môn gây hưng phấn khiến bé lại bước vào đợt tỉnh táo mới.
 
Nếu bạn không thể nhận ra các tín hiệu này, chuyên gia về giấc ngủ Kim West khuyên bạn nên đưa bé vào một phòng yên tĩnh, đủ tối, và làm các hành động nhẹ nhàng khi bạn nghĩ bé đã đến giờ ngủ - dần dần bạn sẽ thấy các tín hiệu đó xuất hiện trở lại. 
 
Nếu bạn thấy bé quá mệt và quá kích thích nhưng vẫn không buồn ngủ, hãy đưa bé ra khỏi khu vực đó và đến một phòng yên tĩnh, dành một khoảng thời gian lâu hơn bình thường một chút để đưa bé vào trạng thái buồn ngủ. 
 
3. Tạo ra thói quen bé cần dỗ mới ngủ
 
Bạn thường gặp tình huống này, bé thức dậy lúc 3h sáng, và bạn phải làm đủ trò để dỗ bé ngủ trở lại: vỗ về, bế rung, hát... Theo West, khi em bé bước sang tháng thứ 3-4, những thói quen đơn giản này sẽ trở thành tật. Bé luôn nghĩ trong đầu rằng nó không thể rự ru ngủ mình.
 
Điều đó nghĩa là cứ mỗi lần bé thức dậy, bé sẽ cần được vỗ, bế rung, hát hò... mới có thể ngủ lại. Giải pháp cho điều này là, bạn không nên dỗ bé đến khi bé đã ngủ hoàn toàn. Chìa khóa là hãy đặt bé vào giường khi bé còn thức, nhưng trong trạng thái lơ mơ, vì thế bé sẽ học được cách tự ru mình tiếp vào giấc ngủ mỗi lần thức dậy. 
 
4. Chuyển từ cũi sang giường lớn quá sớm
 
Đây là sai lầm cơ bản của cha mẹ. Đừng chuyển bé sang giường cho đến khi bé có thể tự mình bò ra khỏi cũi. Trong trường hợp đó, bé có thể khiến mình gặp nguy hiểm và cần phải chuyển sang giường. 
 
Hãy để bé nằm ngủ trong cũi cho đến khi khoảng 2 tuổi. Các thành cũi là rào chắn rất tốt khi bé vẫn chưa hiểu được thế nào là ranh giới và tuân theo yêu cầu của bố mẹ "nằm yên trên giường". 
 
Khi đưa bé vào giường, hãy dặn bé không được ra khỏi giường khi không có bố mẹ. Hãy đặt thêm cái chặn cửa để đảm bảo bé không ra ngoài khám phá vào lúc nửa đêm.
 
5. Để bé ngủ ở bất cứ đâu
 
Các giấc ngủ ngắn khi bé ở trong xe đẩy, trong ghế xe hơi hoặc trên ghế ngồi đều không phải là giấc ngủ mà bé cần. Khi đó bé không thể ngủ đủ sâu, đủ thoải mái cần thiết.
 
Hãy dành cho bé một khu vực quen thuộc, phục vụ cho việc ngủ cả ngày lẫn đêm.
 
6. Không tạo giờ ngủ thành nếp
 
Kiên định là chìa khóa với trẻ, đặc biệt trong việc ngủ. Trẻ cần các giấc ngủ ngắn thường xuyên, và lên giường buổi tối vào một giờ nhất định để tạo ra chu trình hoóc môn - Suy nghĩ và trái tim non nớt của bé cần được dự báo trước để cảm thấy an toàn. 
 
Nếu lịch ngủ của bé thay đổi hàng ngày, điều đó giống như thể bạn bay đi bay về giữa các múi giờ mỗi đêm, và cơ thể sẽ không biết khi nào cần buồn ngủ. 
 
7. Để trẻ thức khuya, hy vọng bé sẽ tự ngủ
 
Đồng hồ sinh học có sức mạnh đến nỗi nó sẽ đánh thức bé dậy vào cùng thời điểm mỗi sáng, dù đêm hôm trước bé ngủ muộn đến mấy. Vì thế việc cha mẹ cho trẻ ngủ thật muộn sẽ khiến trẻ mệt lử vào ngày hôm sau. Thay vì thế, hãy đặt lịch ngủ sao cho trẻ ngủ được 10-11 tiếng mỗi đêm.
 
8. Cha mẹ không thống nhất
 
Cha mẹ phải nhất quán trong việc cải thiện giấc ngủ của trẻ. Cha có thể muốn đọc vài quyển sách cho bé trước khi ngủ, và mẹ chỉ đọc một quyển duy nhất, nhưng cả hai cần thống nhất chung một cách làm. Nếu cha nhất quyết đòi bế ru bé ngủ, còn mẹ muốn để bé tự ngủ trong nôi, bé sẽ lẫn lộn không biết theo cách nào là tốt nhất. 
 
9. Từ bỏ quá sớm
 
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tạo thói quen ngủ, nhưng cha mẹ cần thực hành một cách kiên nhẫn. Trông đợi một kết quả đến thật nhanh khi bắt đầu thử thay đổi thói quen bé đã có nhiều năm (hay nhiều tháng) là điều không tưởng. Cha mẹ cần thực hiện trong ít nhất 2-3 tuần để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa. 
 
Theo VnExpress