08:02, 11/02/2015

Nôn nao mứt Tết

Những ngày giáp Tết, gặp nhau ai cũng hỏi han đã sắm Tết gì chưa? Và thứ tôi sắm đầu tiên bao giờ cũng là mứt. Ngày Tết với tôi không thể thiếu mứt, dù đôi khi mua chỉ để cúng ông bà, để bày biện trong mâm và nhìn ngắm để nhớ về một thời đã xa chứ không dám ăn nhiều vì sợ… ngọt.

Những ngày giáp Tết, gặp nhau ai cũng hỏi han đã sắm Tết gì chưa? Và thứ tôi sắm đầu tiên bao giờ cũng là mứt. Ngày Tết với tôi không thể thiếu mứt, dù đôi khi mua chỉ để cúng ông bà, để bày biện trong mâm và nhìn ngắm để nhớ về một thời đã xa chứ không dám ăn nhiều vì sợ… ngọt.

 

Du khách nước ngoài chọn mua mứt.
Du khách nước ngoài chọn mua mứt


Ra chợ, vào siêu thị giữa bộn bề các loại mứt quen và lạ, nhìn những miếng mứt màu sắc tươi tắn, tôi lại thấy nhớ da diết những ngày Tết cũ. Tết của những ngày xưa ấy, từ những ngày đầu tháng Chạp, đã thấy má và các chị chuẩn bị đủ thứ. Nào là bột nếp để làm bánh in, bột bình tinh cho bánh thuẩn, đậu xanh làm bánh hột sen... và rất nhiều nguyên liệu để làm các loại mứt. Từ các loại quen thuộc như: mứt gừng, mứt dừa, mứt bí… đến các loại mứt đòi hỏi nhiều sự khéo léo, kỳ công hơn như: mứt chùm ruột, bánh hạt sen, mứt gừng củ, mứt quất… Tôi nhớ căn bếp nhà tôi luôn bề bộn những thau lớn, nhỏ ngâm các loại củ, quả. Nào là thau gừng xắt lát, thau dừa bào mỏng, thau chùm ruột ngâm muối, rồi một thau đầy củ gừng nhỏ còn nguyên cành xinh xẻo… Dưới con mắt một đứa trẻ mới lớn như tôi, sao mà các chị khéo léo thế. Bàn tay thoăn thoắn cắt tỉa, tẩm ướp theo một công thức nào đó, rồi bắc nồi lên bếp đảo qua đảo lại nhịp nhàng, loáng cái đã cho ra một mẻ mứt đủ màu sắc… Cũng có những món mứt tôi thấy rất kỳ công là mứt gừng củ, có lẽ vì thế mà giờ đây loại mứt này rất ít thấy. Để làm được món mứt này, phải dùng kim xâm từng củ gừng, vắt bớt chất cay, luộc vài lần, ngâm với đường một ngày rồi mới rim. Rim mứt là giai đoạn đơn giản nhưng lại kỳ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn vô cùng mới cho ra một món mứt ngon đúng nghĩa… Công đoạn khó nhất là khi nước đường đã sền sệt, phải nhẹ nhàng dùng tay gỡ từng lát gừng bị cụp lại thì thành phẩm mới là những lát mứt to nguyên miếng. Nhắc nồi mứt gừng ra khỏi bếp, để khoảng ba mươi phút, đường khô dần, phấn trắng tinh ánh lên trên mặt từng lát gừng là đạt.  


Ngày nhỏ, tôi sợ và ghét nhất món mứt gừng. Vậy mà giờ đây, đó lại chính là thứ gợi nhớ nhiều nhất khi nghĩ đến Tết. Bây giờ, phần lớn phụ nữ đều bận bịu công việc nên rất hiếm người chịu kỳ công làm mứt. Với nhiều người, giờ có thêm một thú vui khác là dạo chợ và nếm thử các loại mứt. Rồi lại thấy nhớ về những ngày tháng đã qua để được thấm đẫm trọn vẹn ý nghĩa của một cái Tết, bên những món ăn chỉ dành riêng cho ngày Tết.


THU AN