11:01, 11/01/2015

Vui buồn nghề hát rong

Câu chuyện sinh viên chưa xin được việc làm ổn định sau khi ra trường và phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh không còn là chuyện mới. Thế nhưng, với những nhân vật trong bài viết này, họ tạm gắn với nghề hát rong, tuy chân chính nhưng cũng đầy tủi phận…

Câu chuyện sinh viên (SV) chưa xin được việc làm ổn định sau khi ra trường và phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh không còn là chuyện mới. Thế nhưng, với những nhân vật trong bài viết này, họ tạm gắn với nghề hát rong, tuy chân chính nhưng cũng đầy tủi phận…

Nguyễn Thị Ngọc T. soạn lại kẹo kéo để mời khách.
Nguyễn Thị Ngọc T. soạn lại kẹo kéo để mời khách.


 Cũng đành xin làm người hát rong...


“Em hát bài “Xin làm người hát rong” cho anh nghe nhé” - Lê Trọng Bằng mở đầu câu chuyện trong một cuộc nhậu với tôi như thế. Rồi Bằng cất tiếng hát, giọng “xứ nẫu” của Bằng khi cất lên câu hát “cũng đành xin làm người hát rong, chỉ mong đời không chê trách” cũng làm người nghe buồn nẫu ruột theo. Bằng quê Phù Cát (Bình Định), tốt nghiệp một trường cao đẳng cách đây hơn 1 năm nhưng chưa xin được việc làm, cũng từng trải qua vài công việc khác nhưng vất vả và thu nhập không đủ sống nên Bằng gắn tạm với “kiếp cầm ca” được 4 tháng nay. Tôi đùa: “Nghe giống Quang Linh đấy chứ”. Bằng cười vô tư, đùa lại: “Anh cứ giỡn, em chỉ hát tạm thời vì cuộc sống thôi, xin được việc là em gác mic liền”.


Học xong, cũng như bao SV khác, Bằng hăm hở đi xin việc với hy vọng về một tương lai tươi sáng. Một lần, hai lần rồi chục lần cầm hồ sơ đi xin việc nhưng không có nơi nào nhận. Không tìm được việc phù hợp, Bằng đi làm phục vụ, phụ hồ, tiếp thị... để duy trì cuộc sống. Những nghề từng làm đều vất vả mà thu nhập không đủ sống, sẵn có chút giọng hát và ở trọ gần một nhóm hát rong, Bằng nhập hội từ đó. Theo lời Bằng, ở TP. Nha Trang có vài chục nhóm hát rong tại các quán nhậu với hàng trăm người tham gia, và được chia địa bàn rõ ràng. Trong số họ, không ít người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hầu hết từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk... Vạn bất đắc dĩ vì cuộc sống trước mắt, họ gắn tạm với nghề hát rong. Tôi hỏi Bằng, có cử nhân nữ nào đi hát không? “Theo em biết là có 1 bạn, nhưng không biết bây giờ còn đi hát không” - Bằng trả lời rồi kết nối cho tôi gặp Nguyễn Thị Ngọc T., cử nhân ngành Công nghệ thực phẩm của một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Khác với vẻ vô tư, cởi mở của Bằng, T. có vẻ là người e dè và ít nói hơn. T. kể, em quê ở Bình Thuận, học ở TP. Hồ Chí Minh, do ở Nha Trang có 1 người bạn làm nghề này nên T. đi theo bạn làm. T. bảo: “Sau Tết em nghỉ hát để đi làm, em kiếm được việc rồi, lương thử việc chắc không đủ sống nhưng được làm việc mình đã học, đỡ tủi phận anh ạ”.


Trở lại câu chuyện với Bằng, Bằng bảo tôi, “đi hát chỉ sợ gặp lại bạn cũ, người quen. Thằng bạn em trong một lần vừa hát vừa nhờ khách mua kẹo tại Bờ Kè, gặp ngay người yêu cũ thời SV, nó á khẩu luôn, lặng lẽ ngừng hát rồi lên xe đi mất. Sau đó nó bỏ nghề, nghe đâu bây giờ đang làm bảo vệ cho một công ty nào đó”. “Gặp khách khiếm nhã, mất lịch sự thì sẽ xử lý sao?”. Bằng nói: “Em từng có lần bị khách hất cả ly bia vào mặt vì ổng say, máu nóng bốc lên đầu rồi nhưng cũng thôi. Làm nghề này phải nhẫn nhục anh ạ...”.


Nghề về sau 0 giờ


Bằng và 3 người bạn trong nhóm hát rong của mình thuê 1 phòng trọ nhỏ ở khu vực Cầu Hộ (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang). Bằng cho biết, khoảng 5 giờ chiều nhóm chuẩn bị đồ nghề, tỏa đi các quán nhậu đến khoảng 1 giờ sáng mới trở về phòng trọ. “Em vẫn thường lên mạng xem có nơi nào đăng tin tuyển dụng để tìm việc, mẹ em nuôi em học cao đẳng hơn 3 năm, hát rong thế này mãi sao được. Em cũng nói dối mẹ là đã có công việc ổn định”, Bằng thành thật chia sẻ.


Theo lời Bằng, nghề này dù làm đêm hôm, lúc mọi người nghỉ ngơi, ăn nhậu nhưng dù sao cũng đỡ vất vả hơn so với nghề phụ hồ, bốc vác... Chỉ cần chịu khó thức đêm, nhẫn nhục một chút thì một tháng kiếm 6, 7 triệu đồng... Để theo nghề, đầu tiên phải học hát làm sao cho đỡ mất hơi, mất sức vì một tối hát từ 20 đến 30 bài, ngày hôm sau khản giọng không thể hát tiếp. Tiếp theo là phối hợp với người mời mua kẹo, một người hát, một người mời sao cho nhịp nhàng. Rồi phải tìm hiểu thị hiếu, gu nghe nhạc, học hát nhiều thể loại nhạc. Ví dụ như bước vào quán mà nhìn thấy có nhiều người trung niên thì hát nhạc vàng, nhạc Trịnh, quán đông thanh niên thì hát nhạc trẻ, có như vậy mới bán được kẹo.


Trò chuyện với Bằng, với T. tôi nhận thấy trong họ vẫn khát khao được làm một công việc liên quan đến ngành mà mình cố công học hành. Trong khi chưa tìm được việc làm phù hợp, họ chấp nhận gắn tạm đời mình với “kiếp cầm ca”, để duy trì cuộc sống và nuôi dưỡng khát khao có được một công việc ổn định, dài lâu.


Nguyễn Thanh