07:01, 14/01/2015

Độc đáo Ohay Garage Sales

Bất kỳ đồ dùng mới hay cũ, nếu bạn muốn bán, có thể mang đến phiên chợ Ohay Garage Sales (chỉ mở vào Chủ nhật hàng tuần) tại Nhà hàng Ziti (số 267 đường Ngô Đến, TP. Nha Trang). Mô hình này du nhập từ các nước phương Tây về TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, nhưng mới xuất hiện tại TP. Nha Trang từ khoảng giữa năm 2014, do chị Hà Hoài Thu cùng chồng là anh Trần Huy Hà lập nên.

Bất kỳ đồ dùng mới hay cũ, nếu bạn muốn bán, có thể mang đến phiên chợ Ohay Garage Sales (chỉ mở vào Chủ nhật hàng tuần) tại Nhà hàng Ziti (số 267 đường Ngô Đến, TP. Nha Trang). Mô hình này du nhập từ các nước phương Tây về TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, nhưng mới xuất hiện tại TP. Nha Trang từ khoảng giữa năm 2014, do chị Hà Hoài Thu cùng chồng là anh Trần Huy Hà lập nên.

 

Khách hàng tìm mua sách cũ tại Ohay Garage Sales.
Khách hàng tìm mua sách cũ tại Ohay Garage Sales.


Không dùng, hãy mang đến Ohay


Một sáng Chủ nhật, tôi tìm đến Ohay Garage Sales. Vào bên trong, tôi khá bất ngờ với không gian nơi đây. Hơn 10 gian hàng từ quần áo, đồ handmade (làm bằng tay), thùng gỗ đựng gạo, dầu dừa, mật ong đến những chiếc máy quay, đàn, trống cũ... Ở giữa sân có một dãy bàn ghế với gần 20 bạn trẻ đang ngồi uống cà phê và “phiêu” theo điệu nhạc Saxaphone do anh Trần Huy Hà biểu diễn. Một không gian thú vị, không phải là chợ, mà là một nơi giao lưu và trao đổi.


Chia sẻ về lý do mở Ohay Garage Sales, chị Thu cho biết, chị may mắn được đi nhiều nước trên thế giới, tận mắt chứng kiến những phiên chợ như Ohay Garage Sales. “Cách đây khoảng 15 năm, tôi qua Bỉ và được đi chợ phiên đầu tiên cực kỳ ấn tượng ở Antwerp. Họ bán tất cả mọi thứ như: sách, báo cũ, đĩa hát, xe nôi, ổ khóa, huy hiệu, quần áo... Nhiều người ôm đồ nhà không sử dụng đến trao đổi với nhau. Họ uống cà phê, nói về chuyện mua bán với lý do đơn giản: Ngày xưa, tôi thích nên mua thứ đó; bây giờ, bạn thích thì bạn mua lại. Sau này đi Áo, Đức, Pháp... cũng thấy những phiên chợ như thế, tôi nghiệm ra rằng, nó không những là một nét văn hóa, mà còn góp phần làm xã hội tiết kiệm rất nhiều chi phí. Năm ngoái, về Nha Trang lập nghiệp, tôi thấy nhiều gia đình có đồ cũ nhưng bỏ đi lãng phí hoặc không biết phải xử lý thế nào; nhiều doanh nghiệp có hàng tồn kho không biết bán ra sao. Vậy là tôi quyết định mở Ohay Garage Sales”, chị Thu chia sẻ.


Tuy mới chỉ thực hiện được khoảng 10 phiên chợ, nhưng hàng hóa trong Ohay Garage Sales tương đối phong phú. Những ai có hàng cần bán có thể mang đến gặp chị Thu. Hàng báo giá và ký gửi lại đây mà không hề tốn phí thuê mặt bằng. Khi bán được hàng thì chị Thu chỉ lấy phí rất hữu nghị theo phần trăm sản phẩm bán được. Bạn Bảo Hà (sinh viên Trường Đại học Nha Trang) chia sẻ: “Những lúc rảnh, em thường khắc bút chì và bán qua mạng hoặc bạn bè quen biết. Từ ngày có phiên chợ Ohay, em đăng ký ở đây một gian hàng. Rất nhiều khách hàng đến xem và ủng hộ vì đồ độc đáo, giá rẻ”. Còn bà Ngô Tấn Thủy Tiên (TP. Nha Trang) cho biết, nhờ Ohay Garage Sales mà bà đã bán được bộ tem cổ khá hời cho một Việt kiều. Hầu như sáng Chủ nhật nào bà cũng ghé Ohay Garage Sales để giao lưu, tìm hiểu và bán hàng.


Nơi săn hàng “độc”


Không chỉ là nơi trao đổi, mua bán đồ cũ, phiên chợ Ohay còn là địa điểm để dân săn hàng “độc” tìm đến giao lưu, trao đổi những món hàng được gọi là “của hiếm”. Chị Thu đưa tôi xem xấp tiền cũ rồi giới thiệu: “Tờ Năm bạc có hình con công này từ thời Công tử Bạc Liêu, có thể mua được 15 tấn gạo”.

Giải thích về chữ tên phiên chợ “Ohay Garage Sales”, chị Thu cho biết do phiên chợ có xuất xứ từ những chủ nhà bên Mỹ bán đồ cũ trong Garage nên từ Garage Sales bắt nguồn từ đó. Còn Ohay là một từ cảm thán, giống như mỗi du khách đến phiên chợ đều thốt lên “ồ, hay quá” vì những điều thú vị, độc đáo nơi đây.


Anh Phạm Anh Thoại chia sẻ: “Mình hay đi các tỉnh nên thỉnh thoảng cũng thu thập được một số đồ khá “độc”. Đến đây lần thứ 2 và nhận ra nơi này khá thú vị để trau dồi kiến thức về đồ cổ hoặc trao đổi đồ vật với nhau. Nhiều khi mình mua được một món đồ khá đẹp nhưng chưa định giá được thì đem đến đây để anh em đánh giá hoặc những người có kinh nghiệm chỉ cách bảo quản món đồ được tốt hơn”. Được biết, hiện nay, anh Thoại đang có một bức tượng Khổng Minh được khắc bằng gỗ Thủy Tùng rất quý; hay bức tranh gỗ có đường kính 1m hình Phật bà, được một nghệ nhân 70 tuổi bên Lào tạc hoàn toàn bằng tay.


Anh Trương Quốc Hưng - một người có thú săn hàng “độc” cũng lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang để ghé phiên chợ Ohay vì nghe anh Thoại giới thiệu. Anh Hưng khoe: “Tôi có bộ ampli đèn hiệu Jadis, ở Việt Nam không tìm ra bộ thứ 2, có người trả 100 triệu đồng rồi mà chưa thích bán. Bộ này của một ông người Hoa tặng cho cháu, nhưng người này không biết chơi nên bán lại cho tôi”.


Nhiều ý tưởng hay


Vợ chồng chị Thu đang ấp ủ sẽ liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển Ohay Garage Sales thành một điểm tham quan du lịch độc đáo. Ở đó, sẽ trưng bày và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương được làm từ những đôi tay khéo léo hoặc giới thiệu các sản phẩm hội họa, nhiếp ảnh, văn chương của các nghệ sĩ tại Khánh Hòa.

 

Mở lớp mỹ thuật và kỹ năng sống cho trẻ em
Với mong muốn trẻ em rời bỏ smartphone, máy tính, Ohay Garage Sales đang mở lớp mỹ thuật và kỹ năng sống, phát triển năng lực cá nhân cho những trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Đến đây, trẻ em sẽ được học vẽ hoặc làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính các chủ gian hàng handmade hướng dẫn.

Chị Thu tâm sự: “Hiện nay, một số chợ đêm ở Nha Trang không thu hút được nhiều khách du lịch do không có sản phẩm độc đáo. Trong khi đó, ở Nha Trang không thiếu những sản phẩm handmade rất bắt mắt, chất lượng. Đây mới là những thứ mà du khách nước ngoài rất cần. Trong tương lai, tôi sẽ tìm hiểu nhu cầu khách hàng để cho ra sản phẩm phù hợp. Nếu thành công thì phiên chợ sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp nhỏ, cá nhân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội bán sản phẩm của mình”.


Hiện nay, Ohay Garage Sales đã thu hút 16 quầy hàng handmade bao gồm: vỏ ốc mỹ nghệ, kết hoa voan, hoa giấy, khắc bút chì, hàng da vòng tay, ví các kiểu, dầu dừa, cám gạo, đậu đỏ... Chị Thu hy vọng, với những ý tưởng này có thể giúp du khách trong và ngoài nước tìm được một địa điểm tham quan, mua sắm thú vị trong tương lai. Đây cũng là nơi để các cơ sở sản xuất hàng thủ công nhỏ lẻ, những sinh viên khéo tay có cơ hội kết nối giao thương...


VĂN KỲ