06:12, 20/12/2014

Làng nghề cối đá vào mùa Tết

Không rộn ràng như cách đây chục năm, nhưng những ngày gần Tết, không khí làng nghề làm cối đá ở tổ dân phố Phong Phú 1 (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng đã sôi động trở lại với tiếng búa, tiếng máy đục, mài đá vang khắp làng.

Không rộn ràng như cách đây chục năm, nhưng những ngày gần Tết, không khí làng nghề làm cối đá ở tổ dân phố Phong Phú 1 (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng đã sôi động trở lại với tiếng búa, tiếng máy đục, mài đá vang khắp làng.

 

Hàng trăm cối đá của gia đình anh Hiền trữ để bán Tết.
Hàng trăm cối đá của gia đình anh Hiền trữ để bán Tết.


Vào mùa


Tại nhà anh Huỳnh Hiền - thợ làm cối đá ở thôn Phong Phú 1, các khối đá xanh to, nhỏ khác nhau chất đầy nhà, có khối đã đục thành hình cối, có cái còn dang dở. Bên hông nhà, hàng trăm cối đá đã hoàn thiện với đủ kích cỡ đang chờ khách hàng đến mua. Anh cũng dự trữ nguyên liệu để chuẩn bị làm hàng Tết. Anh kể, nghề làm cối đá ở làng đã có từ lâu và từng là nghề chính của người dân nơi đây. Hiện nay, do núi Sầm được giao cho các công ty khai thác làm đá xây dựng nên nguồn nguyên liệu làm cối đá không còn nhiều, vì thế số gia đình làm nghề này đã giảm gần 1/3.


Cách đó không xa, trong sân vườn, cha con ông Sáu Kiên cũng đang đục, đẽo các khối đá để làm cối, chuẩn bị hàng bán vào dịp Tết. “Nghề này cha truyền con nối, làm quanh năm, nhưng vào dịp Tết chúng tôi làm nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày, cha con tôi làm khoảng chục cái. Nguồn đá dùng để làm cối được khai thác từ núi Sầm ở ngay trong làng, nhưng không phải loại đá nào cũng làm được. Để làm cối, người thợ phải lựa những mạch đá xanh vì loại này có độ dẻo đặc biệt, khi đục làm cối không bị vỡ”, ông Sáu cho biết.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 10 năm, cả làng có hơn 60 hộ làm nghề này, ngoài làm cối, người dân trong làng còn nhận làm máy xay bột bằng đá. Hiện nay, các loại cối đá lớn, cối xay bột không còn được sử dụng nhiều như trước nên thị trường cũng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, do nguồn nguyên liệu cạn kiệt nên số hộ làm nghề ở làng hiện chỉ còn khoảng 40 hộ và chủ yếu sản xuất các cối nhỏ dùng để giã mắm hoặc làm hàng mỹ nghệ. Giá bán các loại cối đá ở đây dao động từ 25.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/cái tùy kích thước. Vào những ngày cuối năm, các hộ trong làng cũng tranh thủ làm gấp đôi ngày thường để bán.  


Chuyển sang làm đá mỹ nghệ


Trước sự thu hẹp của thị trường cối đá truyền thống, nhiều hộ dân ở đây đã nhanh nhạy chuyển sang làm đá mỹ nghệ.


Anh Nguyễn Hữu Tâm - một trong những thợ đầu tiên của làng chuyển sang nghề làm đá mỹ nghệ cho biết, gia đình anh có nhiều đời làm nghề cối đá. Khi thấy thị trường thu hẹp, anh vào TP. Nha Trang học làm đá mỹ nghệ. Sau 3 năm, anh về lại làng và mở xưởng. Lúc đầu, sản phẩm làm ra gặp nhiều khó khăn do không tìm được bạn hàng, phải chở đi bán dạo hoặc gửi mẫu cho các cửa hàng bán giùm. Dần dần, nhiều người biết và đến đặt hàng. Thấy sống được với nghề mới, một số hộ trong làng cũng chuyển đổi sang làm đá mỹ nghệ. Anh Tâm khoe: “Tháng trước, tôi nhận được đơn đặt hàng làm gần 400 cây lục bình đá và 30 khung đá để treo rèm. Tổng giá trị lô hàng gần 500 triệu đồng, trừ chi phí tôi lãi khoảng 100 triệu đồng”. Theo anh Tâm, khác với đá làm cối, đá làm mỹ nghệ được thu mua ở nhiều nơi, chủ yếu là đá granite. Nguồn nguyên liệu cũng tương đối dồi dào, nhiều công ty còn cung cấp sẵn các khối đá theo yêu cầu nên gia đình anh không gặp khó khăn gì trong sản xuất.


Cách xưởng anh Tâm khoảng 500m là xưởng làm đá mỹ nghệ của gia đình anh Lê Song. Nơi chế tác ở phía sau nhà ngổn ngang các loại đá granite đã được cắt thành khối. Bên hông và phía trước sân nhà, gia đình anh Song tận dụng để trưng bày các mặt hàng đá mỹ nghệ do gia đình sản xuất như các bộ ghế, bồn rửa mặt, bộ đèn, lu, bệ… Anh Song cho biết, anh chuyển sang làm đá mỹ nghệ được 5 năm, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. “Hiện nay, nhiều khách sạn, khu du lịch trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đến đặt hàng khá nhiều. Có khi người ta mời mình đến tận nơi để làm. Nghề này tuy cực nhưng


Với việc nhanh nhạy chuyển đổi qua mô hình mới, các hộ làm đá mỹ nghệ không chỉ làm thay đổi tích cực bộ mặt của làng nghề mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trong làng. Hiện nay, thợ chính làm ở các xưởng đá mỹ nghệ của làng được trả từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày công, thợ mới học nghề khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày công.


Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết: “Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển theo hướng mới, năm 2012, Hội đã thành lập tổ liên kết sản xuất đá mỹ nghệ của phường với 23 thành viên; tổ chức cho các nghệ nhân của làng đi thăm làng nghề làm đá ở Đà Nẵng để học hỏi nhằm nâng cao tay nghề. Đồng thời, thành lập trang web giới thiệu các sản phẩm đá mỹ nghệ của phường Ninh Giang; tạo điều kiện để các cơ sở tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đến nay, đã có hàng chục hộ vay với tổng số tiền gần 500 triệu đồng”.


Chia tay làng nghề làm cối đá, chúng tôi cảm nhận rõ làng nghề có từ hàng trăm năm nay đang mang trong mình một sức sống mới.   


THẢO LY