Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Khánh Hòa năm 2014 có nhiều người xem, nhưng ít người mua. Phần vì người tiêu dùng tiết kiệm hơn trong chi tiêu, phần vì hàng có uy tín, thương hiệu không nhiều.
Hội chợ (HC) Công nghiệp - Thương mại Khánh Hòa năm 2014 có nhiều người xem, nhưng ít người mua. Phần vì người tiêu dùng tiết kiệm hơn trong chi tiêu, phần vì hàng có uy tín, thương hiệu không nhiều.
Doanh nghiệp than ế ẩm
HC do Công ty Cổ phần tập đoàn Thương mại và Truyền thông Bắc Hà tổ chức từ ngày 26-4 đến 3-5 tại sân bóng Thanh Niên (đường Trần Phú, Nha Trang). HC có khoảng 200 doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước tham gia với hơn 350 gian hàng bày bán các mặt hàng như: đồ gỗ mỹ nghệ, hàng điện tử, điện máy, hóa mỹ phẩm, nước giải khát, đặc sản làng nghề, quần áo, giày dép...
Theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chạm bạc Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình), nếu so với các đơn hàng lớn trước đây thì con số hơn 200 triệu đồng tiền bán hàng sau 7 ngày tham gia HC không thấm vào đâu. Vì ngay từ đầu đến với HC, ông đã đề ra mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến với người tiêu dùng Nha Trang nên không đặt nặng doanh số bán hàng. Ông Bình chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia HC tại Nha Trang. Tôi mang theo các sản phẩm tranh chữ đồng nghệ thuật, đồ thờ cúng... với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Tuy hàng bán được không nhiều nhưng cũng đã mở ra tín hiệu khả quan. Thông qua HC, tôi nắm bắt được nhu cầu, thẩm mỹ của người dân nơi đây để có hướng khai thác thị trường phù hợp. Sau HC, tôi cũng nhận được một số đơn hàng mới”.
Mua sắm tại hội chợ. |
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lạc quan như ông Bình không nhiều. Nhiều đơn vị cho hay, kết thúc HC chỉ “huề vốn”, thậm chí chịu lỗ. Ông Nguyễn Văn Khanh - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Sáu Khanh (tỉnh Gia Lai) cho biết, chi phí thuê 4 gian hàng, tiền vận chuyển hàng hóa và các khoản chi phí khác không nhỏ; nhưng suốt thời gian tham gia HC, ông không bán được mặt hàng nào. “Với giá từ 40 đến 255 triệu đồng/bộ sản phẩm làm từ gỗ hương, hàng của tôi vẫn tiêu thụ khá tốt tại một số tỉnh, thành. Tuy nhiên, sản phẩm này có lẽ không phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và thu nhập của phần lớn người dân Khánh Hòa” - ông Khanh nói.
Tương tự, đến tối ngày bế mạc HC, gian hàng của bà Hà Thị Hương - chủ cơ sở làng nghề bún, bánh An Phong (tỉnh Bình Định) vẫn còn xếp đầy các kiện hàng. Bà Hương cho biết: “Tôi thuê chuyến xe mang theo hơn 3,5 tấn hàng, trị giá khoảng 100 triệu đồng, nhưng chỉ bán được 1/3. Cũng lượng hàng đó, ở một số HC trước đây, tôi bán rất chạy”. Bà Hồ Thị Kim Mai - chủ xưởng tiện Trà Mi (huyện Khánh Vĩnh) - chuyên gia công đồ mỹ nghệ cho rằng, việc hàng hóa bán chậm tại HC phản ánh xu hướng tiêu dùng ngày càng tiết kiệm của người dân trong thời buổi kinh tế khó khăn. “Hàng hóa tiêu thụ tại chỗ ngày càng chậm nên tôi hy vọng tham gia HC để cải thiện tình hình. Thế nhưng hết 7 ngày HC, tôi chỉ bán được khoảng 30 triệu đồng tiền hàng, chưa bằng một nửa so với các HC trước tại Nha Trang. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị khác” - bà Mai nói. Hàng bán chậm nên một số doanh nghiệp đã dọn về trước khi kết thúc HC 1 ngày.
Người tiêu dùng chưa hài lòng
Chiếm ưu thế tại HC là các gian hàng kinh doanh quần áo, giày dép, túi xách... Hầu hết các gian hàng đều treo biển khuyến mại với mức giảm giá từ 20 đến 70%. Nhiều mặt hàng có giá khá rẻ như: quần jeans 170.000 đồng, áo 50.000 - 70.000 đồng, giày dép 30.000 - 120.000 đồng, túi xách 60.000 - 200.000 đồng... Ngoài ra còn có các gian hàng bán chăn, ga, nệm, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em. Theo quan sát của chúng tôi, người dân đến xem, khảo giá nhiều, nhưng mua ít. Bà Trần Thị Thúy Sơn (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, tranh thủ dịp nghỉ lễ 30-4, vợ chồng bà đi HC để săn hàng giảm giá. Tuy nhiên, sau nhiều vòng dạo quanh các gian hàng, vợ chồng bà ra về tay không. Bà Sơn lý giải: “Tôi nghe quảng cáo đây là HC lớn chưa từng có nên cũng háo hức đến. Tuy nhiên, vào rồi mới thấy hàng có uy tín, thương hiệu không nhiều. Phần lớn là hàng quần áo, giày dép..., nhiều mặt hàng không rõ xuất xứ, mẫu mã tương tự như ở các chợ, giá sau khi khuyến mại cũng không rẻ hơn là bao”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, đơn vị tổ chức cần có những giải pháp hiệu quả để HC thực sự là cầu nối giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho người dân, du khách mua sắm những mặt hàng chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu.
T.V