10:01, 09/01/2013

Thị trường cây cảnh: Chật vật đầu ra

Tết Quý Tỵ đã đến gần nhưng thị trường cây cảnh vẫn trầm lắng. Hơn 1 năm nay, nhiều nhà vườn phải lao đao tìm kế mưu sinh.

Tết Quý Tỵ đã đến gần nhưng thị trường cây cảnh vẫn trầm lắng. Hơn 1 năm nay, nhiều nhà vườn phải lao đao tìm kế mưu sinh.

Lao đao vì ế khách

Đã hơn 1 năm nay, các nhà vườn trồng cây cảnh ế khách. Cơ sở kinh doanh cây cảnh khá lớn của ông Nguyễn Bá Hiền nằm trên Tỉnh lộ 2 (Diên Thạnh, Diên Khánh, Khánh Hòa) thường khách ra vào tấp nập, nay chẳng thấy ai. Ông Hiền trải lòng: “Sự trầm lắng kéo dài cả năm rồi. Những người trồng cây cảnh như tôi đang lao đao, không biết xoay xở thế nào. Làm cây cảnh chuyên nghiệp đòi hỏi phải có vốn đầu tư để bảo đảm vườn luôn phong phú về mẫu mã, chủng loại. Nhưng không bán được hàng, lấy tiền đâu chăm sóc vườn?”. Ông Hiền cho biết, thu nhập bình quân của ông là 100 triệu đồng/năm, nhưng năm 2012, trừ các chi phí, còn không quá 20 triệu đồng. Để hút khách, ông đã chấp nhận giảm giá đến 1/2, nhưng vẫn không ai hỏi mua.

Bán thêm đất màu cũng là cách ông S. “lấy ngắn nuôi dài”
Bán thêm đất màu cũng là cách ông S. “lấy ngắn nuôi dài”

Vắng khách cũng khiến cơ sở sản xuất cây cảnh, chậu kiểng của ông Trương Văn Lang (Vĩnh Thạnh, Nha Trang) khốn khó. Mở cuốn sổ ghi chép, ông Lang nhẩm tính, năm 2012 có 65 lần giao dịch, trong khi năm 2011 có 116 lần, thu nhập giảm 1/2, chỉ còn 40-50 triệu đồng. “Những năm trước, khách tới đặt mua, nói thách vài ba triệu, họ cũng mua ngay. Nhưng nay họ đắn đo từng tí một”, người chủ vườn chia sẻ. Nằm tại khu vực trung tâm, vườn cây cảnh của ông L.V.S (Diên An, Diên Khánh) được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, nhắc đến tình hình mua bán cây cảnh, ông S. ngao ngán: “Mọi năm, vào thời điểm này, người đi xem cây, mua cây đã nhộn nhịp rồi, nhưng giờ đã gần Tết mà chẳng thấy ai”.

Đâu là nguyên nhân?

Chuyển sang đúc chậu theo phong thủy, thiết kế sân vườn là giải pháp của ông Lang
Chuyển sang đúc chậu theo phong thủy, thiết kế sân vườn là giải pháp của ông Lang

Giải thích về nguyên nhân trầm lắng của thị trường cây cảnh, các chủ vườn đều cho rằng do khó khăn của nền kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Cây, hoa cảnh là mặt hàng dùng để trang trí nên không có cũng chẳng sao. Ông S. cho rằng, thị trường cây cảnh bắt đầu sụt giảm mạnh từ năm ngoái, sau cơn sốt cây sanh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án, công trình vẫn rất cần các loại cây cảnh để làm đẹp cảnh quan. Ông S. cho hay: “Năm ngoái, một doanh nghiệp đặt vấn đề mua hết số cây cảnh trong vườn của tôi. Họ yêu cầu mình vận chuyển, thi công tại công trình nhưng chúng tôi không biết xử lý thế nào. Bởi đã có doanh nghiệp nhờ chủ vườn đưa cây vào trồng tại khu vực đất dự án làm bình phong để khỏi bị cơ quan chức năng tước giấy phép đầu tư khi dự án quá hạn. Chủ vườn có thể “tiền mất tật mang” nếu theo đuổi những dự án không khả thi này”.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người chuyên trồng cây cảnh tại xã Đại Lãnh (Vạn Ninh) cho biết: Sự đi xuống của thị trường cây cảnh là hiệu ứng domino của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Nhiều công trình đầu tư ở nước ngoài (tại Thái Lan, Lào, Campuchia…) thiếu vốn đầu tư làm tư thương miền Bắc không dám mua cây cảnh để xuất khẩu cho các công trình nữa. Tuy nhiên, các loại bonsai, cây cảnh nhỏ vẫn có thể tiêu thụ được vì giá rẻ.

1
 

Hơn nữa, thị trường hoa Tết hiện rất phong phú. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, người ta không thể bỏ ra vài triệu đến vài chục triệu đồng để mua mai chưng Tết, trong khi chỉ cần chưng bằng các loại cúc, hồng giá vài trăm ngàn đồng/chậu là được. Việc trồng cúc hiện lại khá dễ, làng nào cũng trồng được. Hoa sản xuất nhà kính, nuôi cấy mô nở rộ cũng khiến thị phần cây cảnh càng yếu thế.

Tìm kế mưu sinh

Chặt bỏ cau vua, tạo lại dáng tùng là cách để khu vườn của ông S. vượt qua khủng hoảng
Chặt bỏ cau vua, tạo lại dáng tùng là cách để khu vườn của ông S. vượt qua khủng hoảng

Thị trường cây cảnh ế ẩm khiến các chủ vườn lao đao tìm kế mưu sinh. Ông S. cho biết, hơn 60% chủ nhà vườn phải chuyển nghề. Nhiều chủ vườn có kinh nghiệm chuyển sang làm công hay thiết kế hoa viên cho các công trình, dự án. Ông Hiền bán các loại chậu men và cây cảnh nhỏ nhưng thu nhập cũng chỉ 100-150 ngàn đồng/ngày. Ông Lang thì chuyển sang đúc chậu, thiết kế sân vườn, non bộ… “Để cứu vãn, chúng tôi chuyển sang thiết kế các loại chậu theo hướng phong thủy dùng để trồng sen, súng, hay các mẫu mã nhỏ, gọn, phù hợp trang trí trong nhà, trong quán cà phê như kiểu chum cắt nửa, chậu trồng bonsai trong nhà, đèn trang trí… Hy vọng, khó khăn sẽ mau qua”, ông Lang chia sẻ. Còn ông S. chọn giải pháp “bán lúa non”: “Cây cảnh có giá 10 triệu đồng, nhưng họ trả 7 triệu đồng tôi vẫn bán. Trong tình cảnh này, “mua đứt bán đoạn” là tốt nhất…”. Ông cũng cho biết có nhiều người đã chuyển sang làm kỹ thuật cho các công ty, đơn vị.

 Thị trường cây cảnh ảm đạm khiến ông Hiên phải chuyển sang bán chậu và cây nhỏ.
Thị trường cây cảnh ảm đạm khiến ông Hiên phải chuyển sang bán chậu và cây nhỏ.

HƯƠNG DI


Ông Nguyễn Đình Huấn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Nha Trang: Thị trường cây cảnh đang trầm lắng. Đây là tình trạng chung của khủng hoảng kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều dự án ở nước ngoài đình trệ. Nhưng những cây cảnh mang tính nghệ thuật cao vẫn giữ giá, một số loài được ưa chuộng như linh sam có giá rất cao: 25-30 triệu đồng/cây.