08:11, 21/11/2012

Mẹ và con trai

Phát hiện cậu con trai 17 tuổi của mình có bạn gái, chị Mẫn (chung cư Lê Hồng Phong, Nha Trang, Khánh Hòa) thấy lo nhiều hơn vui. “Người ta nói có con gái trong nhà như bom nổ chậm, giờ thì có con trai cũng thấy lo...

Phát hiện cậu con trai 17 tuổi của mình có bạn gái, chị Mẫn (chung cư Lê Hồng Phong, Nha Trang, Khánh Hòa) thấy lo nhiều hơn vui. “Người ta nói có con gái trong nhà như bom nổ chậm, giờ thì có con trai cũng thấy lo. Thấy mấy đứa bạn gái của con bạo dạn quá, tui sợ lỡ nó đi quá đà, có chuyện gì lại khổ!” - chị Mẫn lo lắng.

Nỗi lòng của mẹ

Vợ chồng chị Mẫn có duy nhất một mụn con trai nên bao nhiêu yêu thương, anh chị đều dồn hết cho con. Chồng chị Mẫn hay đi công tác xa, hai mẹ con ở nhà quấn quýt bên nhau. Sơn - con trai chị - cũng là một đứa trẻ tình cảm, lúc nào cũng theo mẹ, có chuyện gì cũng kể cho mẹ nghe. Ấy vậy mà càng lớn, Sơn càng ít nói, ít tâm sự với mẹ. Chị Mẫn kể, hồi con còn nhỏ, mỗi lần đưa con tới trường, cậu bé bao giờ cũng hôn mẹ rồi mới vào lớp. Lên cấp 2, chị Mẫn thấy con trai bắt đầu ngại thể hiện tình cảm với mẹ. Lên cấp 3, những chuyện riêng tư, thầm kín của mình, Sơn cũng ngại nói với mẹ. Giờ đây, khi biết con đang đến tuổi yêu đương, chị Mẫn càng thêm lo lắng. Chị cố gắng khơi chuyện để con tâm sự nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện này, cu cậu luôn có vẻ lảng tránh.

“Thật ra thì mình luôn tôn trọng thế giới riêng của con, có điều cần phải định hướng cho bọn trẻ để chúng nó đừng đi quá giới hạn” - chị Mẫn chia sẻ. Chị Mẫn lo cũng đúng, bởi từ ngày biết yêu, Sơn học hành chểnh mảng hẳn. Chưa kể, “đối tượng” mà chị chưa biết mặt cũng khá bạo dạn, chủ động làm quen, “tấn công” con trai chị. “Con bé nhắn tin, gọi điện thoại suốt, kể cả lúc ăn cơm hay đến giờ ngủ. Mấy lần tôi bảo con trai đưa bạn gái đến nhà chơi nhưng hình như cu cậu ngại, bảo chúng con chẳng có gì, chỉ là bạn. Nghe thế nhưng ai biết được chúng có hay không có gì...” - chị Mẫn băn khoăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lo lắng của chị Mẫn cũng là tâm lý chung của nhiều bà mẹ khác. Cùng chung cư chỗ chị Mẫn ở có bà mẹ mới 40 tuổi đã được lên chức... bà nội bất đắc dĩ. Số là, con trai chị này vừa mới học đại học năm thứ hai đã vướng vào chuyện tình cảm quá đà với một cô hơn cậu đến 3 tuổi. Đến khi gia đình biết, ngăn cản thì quá muộn, cặp đôi này đã lỡ để lại “hậu quả”, không giải quyết được. Đến nước này thì đành phải tổ chức đám cưới cho con để hợp thức hóa chuyện có cháu nội. Khổ ai chưa biết, chỉ biết khổ thân bà nội, phải “cày” như trâu để có tiền nuôi con trai, con dâu và nuôi cả cháu.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ...”

Người ta nói rằng, con gái thích bố hơn trong khi con trai có phần gắn bó với mẹ. Tình yêu của một người mẹ luôn khiến con trai mạnh mẽ hơn và cân bằng hơn trong cuộc sống. Nhưng đôi khi sự yêu thương, chiều chuộng quá mức của các bà mẹ có khi lại có tác dụng ngược. Chị An - kế toán trưởng của một công ty xuất khẩu hàng may mặc ở Nha Trang kể, cậu con trai 20 tuổi của chị đến giờ vẫn chưa biết sửa bóng đèn hay tự xử lý những công việc trong gia đình cần đến bàn tay của người đàn ông. Ngược lại, cậu luôn tỏ ra thụ động, lúc nào cũng cần đến ý kiến của mẹ, đôi khi tỏ ra yếu đuối. “Đúng là tôi đã quá nuông chiều con, từ nhỏ cháu muốn gì được nấy, ít khi phải đụng tay đụng chân vào việc nhà. Giờ mới thấy, mình thương con nhưng lại thành hại con, không dạy cho con tính tự lập ngay từ bé...” - chị An bộc bạch. Thật ra, chị chỉ nhận ra sai lầm của mình khi mới đây, con trai chị vừa trải qua một biến cố. Số là, anh chàng vừa mới bị bạn gái nói lời chia tay chỉ vì “cái gì anh cũng không tự quyết được”. Vốn yếu đuối nên con trai chị bị sốc nặng, phải mất mấy tháng chị làm công tác tư tưởng, an ủi, động viên, con trai chị mới dần nguôi ngoai vết thương lòng.

Trong mắt các bà mẹ, kể cả khi con trưởng thành thì họ vẫn mãi là đứa con bé bỏng. Giống như một nhà thơ đã từng viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con...” Chẳng thế mà đến khi con trai lấy vợ, bà Tuân (Vĩnh Hòa, Nha Trang) vẫn cứ theo sát con từng li từng tí, nhắc nhở con dâu chăm chồng, hễ thấy không vừa ý là bà rầy la. Riết rồi cô con dâu chịu hết xiết, giận... lây sang chồng, anh chồng lại không dám trái ý mẹ, thế là lâm vào cảnh khó xử “bên tình - bên hiếu, bên mẹ - bên vợ”. Vì quá yêu con trai nên đôi khi bà Tuân cũng trở nên khó tính, khắt khe với con dâu. Có lần, thấy con trai xung phong rửa chén hoặc phơi đồ giúp vợ, bà nặng nhẹ: “Đàn ông con trai ai lại làm những việc đấy. Con trai tôi nuôi lớn ngần này, từ nhỏ đến giờ chỉ được mẹ phục vụ, giờ thì lại bị vợ bắt phục vụ...”! Cứ thế, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu ngày một xấu đi, trong khi nhân vật chính - được cả hai người phụ nữ thương yêu thì lúc nào cũng thấy đầu óc căng như dây đàn khi phải cố gắng làm sao dung hòa giữa hai bên, để họ đừng nổi cơn giận!

Trong mắt con trai, mẹ bao giờ cũng là người dịu dàng, chăm chút, gần gũi với con nhiều hơn, không nghiêm nghị như bố. Có lẽ vì thế mà nhiều người khi đã trưởng thành vẫn không thoát khỏi cái bóng của mẹ. Đôi khi sự chiều chuộng, nâng niu con quá mức của các bà mẹ lại khiến cho con cái, nhất là con trai trở nên yếu đuối, thiếu tự tin. Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ nhỏ, các bà mẹ nên tập cho con tính tự lập, bộc lộ tình cảm với con một cách có chừng mực để con trai không quá phụ thuộc vào mẹ. Khi con trai đến tuổi trưởng thành, mẹ cần định hướng, cho con những lời khuyên bổ ích, không nên áp đặt, bắt con phải làm theo ý mình. Những điều đó sẽ làm cho con trai của bạn trở nên mạnh mẽ, có bản lĩnh, tự mình giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống khi bước ra khỏi vòng tay của mẹ...

NHÃ KỲ