12:11, 01/11/2012

Lấy chồng Tây

Nhiều cô gái cho rằng, lấy chồng người nước ngoài họ được cưng chiều hơn, được tôn trọng hơn, mặt khác làm dâu Tây cũng thoải mái hơn, không phải khổ sở vì những chuyện mẹ chồng nàng dâu. Nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy…

Nhiều cô gái cho rằng, lấy chồng người nước ngoài họ được cưng chiều hơn, được tôn trọng hơn, mặt khác làm dâu Tây cũng thoải mái hơn, không phải khổ sở vì những chuyện mẹ chồng nàng dâu. Nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy…

Hạnh phúc không biên giới

Thùy Linh (đường Hồng Lĩnh, Nha Trang) vừa trở về quê hương sau hai năm “làm dâu xứ người”. Cô kết hôn với chồng người Thụy Điển, cả hai đều là “tập hai” của nhau. Trước khi quen Ferelic, Linh đã có một đời chồng và một đứa con trai. Cuộc hôn nhân đó chỉ tồn tại được 2 năm. Một thời gian sau, Linh quen Ferelic - lúc bấy giờ anh đang là... sếp của Linh. Ferelic cũng đã đổ vỡ một lần, anh có hai đứa con riêng hiện đang du học ở Anh. Linh kém chồng gần 1 giáp nhưng đi bên nhau, họ vẫn rất xứng đôi. Linh tâm sự, cô hoàn toàn hài lòng về sự lựa chọn của mình. Ferelic rất cưng chiều vợ, hiểu được phong tục tập quán của người Việt Nam, điều quan trọng hơn là anh cũng rất thương cu Ben - con riêng của Linh. Lấy nhau rồi, hai vợ chồng về Thụy Điển sinh sống, Linh được chồng động viên và tạo điều kiện cho cô đi học thạc sĩ. Ở bên ấy, Linh chỉ lo học, còn lại mọi việc đã có chồng lo liệu. Khi cô vừa hoàn thành khóa học, Ferelic đã thưởng cho vợ một chuyến về thăm quê kéo dài 2 tháng. Ngày về, anh chu đáo chọn từng món quà tặng cho bố mẹ, anh chị em của vợ. “Nhập gia tùy tục”, Ferelic cũng rất chịu khó theo vợ đi thăm, chào hỏi họ hàng ở hai miền Nam, Bắc. Đi đến đâu, anh cũng được khen là một chàng rể Tây lịch lãm, thương vợ, có hiếu với gia đình vợ. Mỗi lần nghe ai đó khen chồng, Linh cảm thấy rất hãnh diện và hạnh phúc.

Còn với Thúy Hồng (phường Vĩnh Phước, Nha Trang), cô vẫn còn nhớ như in ngày cô đưa bạn trai về ra mắt. Bố mẹ cô đã rất bất ngờ và có vẻ không hài lòng khi thấy con gái đưa một chàng mắt xanh mũi lõ về nhà. Khi đó, bạn trai Hồng đang là nhân viên điều phối của một dự án có chi nhánh tại Nha Trang. Họ quen nhau trong một lần dự sinh nhật của một người bạn. Hồng kể, ngay từ lúc gặp nhau, anh đã chủ động làm quen với cô theo kiểu Tây - rất thật, rất thẳng thắn với một câu “I like you” (anh thích em)! Sau vài tháng theo đuổi, Hồng bắt đầu cảm nhận được tình cảm của Peter nhưng cô vẫn đắn đo, vì cô biết chắc bố mẹ sẽ không đồng ý. Hồng là con gái độc nhất, bố mẹ muốn cô ổn định và yên bề gia thất ở Nha Trang chứ không phải là nơi xa xôi nào đó. Tình yêu của họ gặp khá nhiều trắc trở, phần lớn là do phía gia đình Hồng ngăn cấm, cản trở. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, trải qua bao nhiêu thử thách bên nhà vợ, cuối cùng Peter cũng chiếm được cảm tình của bố mẹ vợ. Anh chịu khó học tiếng Việt để có thể trò chuyện với các cụ; dịp giỗ chạp, lễ, Tết, Peter đều có mặt phụ mọi người trong nhà chuẩn bị mọi thứ. Thấy Peter thương yêu và chiều chuộng con gái mình, bố mẹ Hồng cuối cùng cũng “duyệt” chàng rể Tây này. Bây giờ, Hồng đã có 2 đứa con gái xinh xắn, định cư tại Úc. Năm nào cũng vậy, Peter đích thân về đón bố mẹ vợ qua Úc thăm các cháu. “Tây hay ta gì cũng vậy, quan trọng là chúng nó thương yêu nhau thật lòng. Hồi đó tui lo con gái lấy chồng xa, gặp người chồng chẳng ra gì lại khổ, giờ thấy chúng nó hạnh phúc như thế, vợ chồng tui yên tâm và mãn nguyện lắm…” - mẹ của Hồng chia sẻ.

Vỡ mộng

“Đừng nghĩ lấy chồng Tây ai cũng được sung sướng” - đó là câu mà chị Khánh Trang (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) thường nói mỗi khi tâm sự với ai đó về tình cảnh của mình. Chồng chị Trang là người Đức, hơn chị 15 tuổi. Hồi đó, vì muốn giúp gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần do làm ăn thua lỗ, chị “nhắm mắt đưa thân”, chấp nhận làm vợ anh. Chị thấy Kose - chồng chị cũng là người tốt, chỉ có điều anh ít nói được tiếng Anh. Ngôn ngữ bất đồng là rào cản lớn nhất của hai người, vì thế trước khi theo chồng sang Đức, Khánh Trang đã bỏ 6 tháng học tiếng Đức. Sang bên đó, chồng chị đi làm từ sáng đến tối mới về, còn chị cũng kiếm việc làm thêm để có tiền gửi về cho gia đình. Một thời gian sau, chồng chị khó chịu ra mặt, cho rằng chị cắt xén tiền anh ta đưa. Những trận cãi vã xảy ra liên tiếp, do bất đồng ngôn ngữ, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng trầm trọng. Tệ hại hơn, Kose công khai chuyện trai gái, bồ bịch của mình. Khi chị có ý kiến, anh ta dửng dưng bảo đó là chuyện bình thường ở bên này, thích thì ở, không thích thì thôi. “Nhiều lần tôi đã từng có ý nghĩ phải ly dị nhưng nghĩ đến con còn quá nhỏ, lại thôi... Thật khó để chia sẻ với một người chồng ngoại quốc mọi suy nghĩ, tình cảm của mình” - Khánh Trang tâm sự.

Trong khi đó, Thục Quyên (đường 23-10, Nha Trang) cũng đang chuẩn bị thủ tục để ra Tòa ly hôn với người chồng ngoại quốc. Cuộc hôn nhân của cô kéo dài 5 năm. Thời gian đầu, khi qua Úc sinh sống, Quyên cảm thấy khá thoải mái. Nhưng dần dần, cô như người khách trọ trong chính căn nhà của mình. Chồng cô bắt buộc phải nói chuyện với anh ta bằng tiếng Anh, kể cả khi cô mời bạn bè đồng hương đến nhà chơi, vì anh ta sợ nói mọi người... nói xấu mình bằng tiếng Việt. Ngay cả việc Quyên muốn nghe nhạc Việt Nam, chồng cũng không chịu. Chưa kể, chồng cô còn rạch ròi tiền chồng, tiền vợ; anh ta kiểm soát hàng tháng xem cô có lén lút gửi về cho gia đình không. Bất đồng về quan điểm sống khiến cô ngày càng có khoảng cách với chồng. Đó là chưa kể đến sở thích ăn uống, từ ngày lấy chồng, Quyên gần như tuyệt giao với các món ăn Việt dùng với nước mắm. Chồng cô bảo mùi nước mắm khó chịu, ngửi còn không được chứ nói gì đến ăn. “Đúng là nhập gia tùy tục, sang bên này cứ như khách trọ, không thoải mái chút nào. Mang tiếng là lấy chồng Tây nhưng cuộc sống bên này không ai ràng buộc bởi ai, nhiều lúc chồng sòng phẳng quá cũng chạnh lòng…” - Thục Quyên bộc bạch.

Khi yêu một ai đó và đồng ý đi đến hôn nhân thì đó đã là cả một chặng đường dài. Và chặng đường ấy có hạnh phúc hay không chính là việc chúng ta có thể thấu hiểu, yêu thương và chia sẻ cho nhau bao nhiêu mà thôi. Quan điểm này đúng trong tất cả trường hợp, cho dù đó là người Việt Nam hay ngoại quốc. Sự hòa hợp về mọi mặt là yếu tố quyết định thành công của cuộc hôn nhân, chứ không phải lấy chồng Tây hay ta.

H.N