11:11, 23/11/2012

Đã có nhiều người nhiễm virus Hantaan

GS.TS. Trương Uyên Ninh khẳng định, đã có rất nhiều người bị nhiễm virus gây bệnh suy thận do bị chuột cắn ở Việt Nam.

GS.TS. Trương Uyên Ninh khẳng định, đã có rất nhiều người bị nhiễm virus gây bệnh suy thận do bị chuột cắn ở Việt Nam.

Những ngày gần đây, ở Hà Nội và TP HCM xuất hiện rải rác người bị chuột cắn phải nhập viện. Kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân này làm dấy lên những mối lo ngại trong cộng đồng vì những nạn nhân của chuột bị nhiễm những loại virus nguy hiểm đến tính mạng như virus Hantaan gây suy thận, xoắn khuẩn Spirillum minus gây bệnh Sodoku... và nhiều loại virus khác nữa.

Nhiều người tỏ ra lo lắng vì lần đầu tiên nghe được thông tin chuột cắn mà gây bệnh hiểm nghèo và cho rằng đây có thể là bệnh dịch mới xuất hiện. Tuy nhiên, trao đổi với GS.TS. Trương Uyên Ninh, chuyên gia virus học, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, được biết chuột là vật ký sinh trung gian, mang rất nhiều các loại virus gây bệnh nguy hiểm khác chứ không chỉ riêng virus Hantaan gây suy thận. Và bệnh nhân N.V.T 55 tuổi, ở TP HCM phải nhập viện điều trị hậu quả nặng nề do chuột cắn hồi tuần trước không phải là ca bệnh đầu tiên ở VN. Trước đó, virus Hantaan từ chuột đã gây bệnh cho khá nhiều người ở nhiều địa phương trên cả nước.

"Bản đồ virus Hantaan" vẽ bởi vết răng chuột

GS.TS. Trương Uyên Ninh khẳng định, bệnh Hantaan không phải là bệnh mới, y văn thế giới đã từng ghi nhận chúng đã có mặt cách đây hàng nghìn năm. Virus Hantaan được tìm thấy trên loài chuột Rattus Norvegicus, đã từng gây ra thành dịch tại nhiều nơi trên thế giới, từ châu Á qua châu Âu đến châu Mỹ la tinh.

Trong giai đoạn từ năm 1931 đến 1995, riêng tại Trung Quốc, quốc gia này cũng đã ghi nhận 1,1 triệu người mắc bệnh từ chuột nhiễm virus Hantaan.

Tại Việt Nam, năm 1979, Rollin bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang (IF) đã phát hiện 8/146 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân chứa kháng thể virus Hantaan.

Năm 1998-1999, chính GS.TS. Trương Uyên Ninh và cộng sự đã phát hiện có virus Hantaan trên kháng thể người và chuột ở Hà Nội. Cùng thời gian này, GS Đỗ Quang Hà cũng phát hiện kháng thể virus Hantaan trong công nhân trồng cao su và vệ sinh tại Biên Hòa, Đồng Nai.

GS.TS. Trương Uyên Ninh cho biết: “Trong vòng 5 năm từ 2000-2008, tôi và nhóm nghiên cứu của mình phát hiện virus Hantaan đã có mặt tại nhiều tỉnh ở miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Hòa Bình, Hải Phòng và Cao Bằng”.

Các nghiên cứu đã cho kết quả ở Việt Nam có tới 8,7% tổng số đàn chuột Rattus Norvegicus mang kháng thể kháng virus Hantaan. Năm 2006, qua khảo sát và nghiên cứu đã phát hiện 11,5% công nhân cảng Hải Phòng có kháng thể kháng virus Hantaan.

Virus này thuộc họ Bunyaviridea, chúng chỉ gây bệnh cho người nhưng không gây bệnh cho loài gặm nhấm. Chuột là vật trung gian mang mầm bệnh và truyền bệnh cho người.

Bệnh nhân suy thận vì nhiễm virus Hantaan từ chuột đang điều trị tại TP HCM
Bệnh nhân suy thận vì nhiễm virus Hantaan từ chuột đang điều trị tại TP HCM

Việt Nam ghi nhận chủng virus Hantaan mới trên thế giới

Hiện tại, Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận một chủng mới của virus Hantaan. GS Ninh cho biết, năm 2007 ông và nhóm nghiên cứu của mình đã phát hiện virus Hantaan gây dịch cho bà con miền núi ở tỉnh Cao Bằng. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã ghi nhận chủng virus này khác hoàn toàn với chủng virus Seoul đã từng gây bệnh ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

GS Ninh cho biết: “Hiện đã có 11 chủng ở Việt Nam đăng ký tại Ngân hàng gene quốc tế, trong đó 10 chủng có cấu trúc gene thuộc chủng vùng Seoul. Đặc biệt, Việt Nam còn phát hiện thêm 1 chủng virus Hantaan mới tại tỉnh Cao Bằng, được đặt tên là CBVN. Đây không phải là bệnh mới ở Việt Nam như nhiều người vẫn lầm tưởng".

Theo vietbao.vn