02:11, 21/11/2012

Chênh vênh đời thợ chẻ đá

Núi Hốc Đá (thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lúc ban trưa oi nóng đến lạ. Cả vạt núi nham nhở, ngổn ngang. Giữa cơ man đá tảng, những người thợ hì hục đục, đẽo

Núi Hốc Đá (thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lúc ban trưa oi nóng đến lạ. Cả vạt núi nham nhở, ngổn ngang. Giữa cơ man đá tảng, những người thợ hì hục đục, đẽo. Tiếng quay búa chát chúa, lúc liên hồi, khi đứt quãng… Kết quả của những giọt mồ hôi chát mặn, thậm chí cả máu của người thợ chính là những viên đá chẻ vuông vức, sẵn sàng phục vụ cho các công trình xây dựng.

Phận người nơi bãi đá

 

Những phiến đá lớn nằm ngay trên đầu người thợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Những phiến đá lớn nằm ngay trên đầu người thợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

 

Khác với hình dung của tôi về những thợ đá to cao, cơ bắp cuồn cuộn, đa số người làm nghề chẻ đá ở Ninh Ích đều nhỏ thó. Nhìn đôi bàn tay chai sần và gương mặt khắc khổ mới thấy hết cực nhọc của nghề chẻ đá. Không ai biết nghề chẻ đá ở đây có từ lúc nào nhưng những viên đá rắn chắc, đa dạng kích cỡ và đều tăm tắp của thợ chẻ đá xã Ninh Ích đã có mặt ở nhiều công trình xây dựng trong tỉnh. Để có được những viên đá này, đầu tiên, các thợ đá phải lựa những khối đá to trên núi. Sau đó, tính toán, lựa thế rồi dùng búa, ve và chạm để chia nhỏ khối đá. Từ đó, thợ đá tiếp tục chẻ ra những viên đá thành phẩm. Mới nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, quá trình tạo ra viên đá thành phẩm dựa rất nhiều vào kinh nghiệm, sự khéo léo của người thợ.

Ngồi tâm sự với những người thợ làm nghề “phá sơn lâm”, tôi mới biết, họ đều có cuộc sống khó khăn. Trong số mấy chục người đang hì hụi đục đẽo, tôi ấn tượng nhất anh thợ có vẻ mặt buồn rười rượi. Không cười, không nói, cả buổi, anh cứ lẳng lặng vung búa chí chát nơi góc núi. Gặng mãi, anh mới chia sẻ: “Tôi tên Hồ Bá, 44 tuổi nhưng đã “mồ côi” vợ mấy năm nay, một mình nuôi 4 con nhỏ. Làm nghề cực nhọc nhưng ngày chỉ kiếm được gần trăm ngàn đồng để nuôi tụi nhỏ”. Mấy chục con người làm trên đỉnh núi này đều là dân thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích. Mỏ đá nơi họ làm nằm trong phạm vi được phép khai thác của Công ty TNHH Thuật Hoàng và Doanh nghiệp tư nhân Ba Hô. Tuy làm cho doanh nghiệp nhưng mọi người chỉ làm theo thời vụ, khỏe ngày nào làm ngày đấy; số tiền công thu về tương ứng với số viên đá chẻ được trong ngày.

Anh Nguyễn Thiêu (phải) nhờ thợ bạn lấy mảnh đá văng vào mắt trong lúc chẻ đá.
Anh Nguyễn Thiêu (phải) nhờ thợ bạn lấy mảnh đá văng vào mắt trong lúc chẻ đá.

Có trực tiếp chứng kiến thợ chẻ đá làm, mới thấy hết nhọc nhằn và hiểm nguy của nghề. Ngay trên đầu thợ, các tảng đá to đùng luôn chực chờ ụp xuống. Như hiểu được e ngại của tôi, anh Nguyễn Thiêu cười xuề: “Sống chết có số, không làm lấy gì mà ăn! Anh em làm nghề này đều phải chấp nhận rủi ro, nguy hiểm. Chuyện bị đá đè vào chân, búa đập vào tay là chuyện cơm bữa”. Anh Thiêu là một trong những thợ chẻ đá lâu năm ở mỏ đá này. 35 tuổi đời nhưng anh đã có 20 năm tuổi nghề. Đôi bàn tay anh chai sần vì những năm tháng cầm búa. Ngồi trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng anh phải nghiêng vành tai như để hứng tiếng nói của tôi. Anh giãi bày: “Sắt mà đập vô đá thì còn âm thanh nào chát chúa hơn. Ban đầu nghe chói tai, nhưng riết rồi cũng quen. Dần dần, thính lực cứ giảm đi...”. Rồi anh đưa hai ống chân ra, chỉ vào những vết đen bằng đầu đũa ẩn trong da, bảo: “Đây là hậu quả từ những mảnh vỡ của cây đục. Khi tiếp xúc với đá, cây đục rất dễ bị mẻ, những miếng nhỏ văng vào chân rồi nằm luôn trong đó. Vô chân tay thì đỡ, chứ vô mắt là tiêu!”. Biết là nguy hiểm nhưng vì cuộc sống hàng ngày, những người thợ không dám dừng tay hay nghĩ ngợi nhiều. Nhìn cảnh khai thác đá, tôi không khỏi lạnh người. Tất cả đều làm bằng tay, không bảo hộ. Tiếng là làm cho doanh nghiệp nhưng chỉ có mỏ đá của Công ty TNHH Thuật Hoàng là được đầu tư một chiếc máy múc để đưa đá ở trên cao xuống. Còn ở mỏ đá của Doanh nghiệp tư nhân Ba Hô, mọi công đoạn đều dựa vào sức người. Từ khâu lựa đá, lăn đá trên cao xuống..., đều phó thác vào kinh nghiệm của người thợ!

Ước mơ dung dị

Bàn tay người thợ này nhiều lần bị chảy máu do búa đập vào.
Bàn tay người thợ này nhiều lần bị chảy máu do búa đập vào.

12 giờ trưa. Mặt trời đứng bóng. Khi sức lực đã gần bị vắt kiệt theo từng nhịp búa, các thợ chẻ đá mới lục tục thu dọn đồ nghề để ăn bữa trưa ngay trên núi. Bữa ăn của họ cũng thật đạm bạc: Một nồi cơm to đùng, mấy con cá tạp nấu với lá giang hái vội trên núi là tất cả dưỡng chất dành cho hơn 10 người thợ. Dù vậy, quây quần bên nồi cơm, các thợ chẻ đá vẫn vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Trong câu chuyện của họ, tôi thấy được những ước mơ rất bình dị. Người thì mong gom tiền để Tết đến mua cho con gái chiếc xe đạp mới, người lại muốn sang năm có vốn để chăn nuôi. Tuy nhiên, có một mong ước đau đáu trong tất cả suy nghĩ của những người thợ trên núi Hốc Đá, đó là mong sao đời con họ đừng theo nghiệp chẻ đá. “Nhiều lúc nghe con xin tiền đóng học phí, tiền ăn, tiền trọ mà không biết tính thế nào. Thôi thì còn sức khỏe ngày nào gắng ngày đó, túng thiếu quá thì vay mượn bà con, bạn bè rồi trả dần. Chỉ mong con cái học hành để lớn lên không phải theo nghiệp chẻ đá như mình”, ông Trần Sinh Tấn chia sẻ.

Cũng trăn trở như ông Tấn, anh Nguyễn Thiêu tâm sự: “Nghề này chẳng thể gắn suốt đời được, nhất là khi tuổi đã ngoài 40. Cũng phải tính cách khác để đổi đời, đổi nghề thôi. Con cái lớn lên, em sẽ cho ăn học tử tế chứ không cho theo nghề này đâu. Đời đá bạc lắm!...”.

Các thợ chẻ đá nấu cơm trưa trên núi.
Các thợ chẻ đá nấu cơm trưa trên núi.

Chiều tàn, khi ánh nắng cuối ngày loang dài theo những bóng người thợ cũng là lúc tôi chia tay các thợ chẻ đá xuống núi. Trên đường về, trong tôi đan xen nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cuộc sống của những người thợ đối mặt với quá nhiều rủi ro, trong khi doanh nghiệp lại chưa thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn lao động. Nhìn những khối đá to như chực chờ rớt xuống phía những người chẻ đá, bất giác tôi rùng mình...

Ông Đỗ Hữu Thái - Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tình hình an toàn lao động ở các mỏ đá tư nhân và tự phát là điều đáng quan tâm. Đa phần người lao động không được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ. Năm 2012 Sở không tổ chức thanh tra được vấn đề này do cơ chế hiện nay quá nhiều chồng chéo. Vấn đề an toàn lao động có đến 4 cơ quan quản lý. Chính điều này đã khiến cho việc thanh tra của Sở gặp không ít khó khăn.

Đ.L