Vừa về tới đầu ngõ, Lan bỗng sững người khi nghe tiếng mẹ chồng đang tâm sự với bà hàng xóm: “Tôi có hai đứa con dâu song chỉ có con dâu cả là được cả người lẫn nết.
Ảnh minh họa |
Vừa về tới đầu ngõ, Lan bỗng sững người khi nghe tiếng mẹ chồng đang tâm sự với bà hàng xóm: “Tôi có hai đứa con dâu song chỉ có con dâu cả là được cả người lẫn nết. Lần nào về quê nó cũng mua cho tôi nào đường, sữa, thuốc bổ, lại còn biếu vài trăm nghìn đồng để tôi tiêu vặt chứ không như Lan - con dâu thứ. Tiếng là kỹ sư nhưng từ ngày về làm dâu đến giờ đã hơn một năm, nó chẳng bao giờ cho tôi được một đồng...”. Lan lặng lẽ quay ra vì không muốn để mẹ chồng biết cô đã nghe trọn vẹn những lời phán xét của bà. Nước mắt Lan cứ thế trào ra...
Ngay từ buổi đầu về làm dâu, Lan đã xác định coi mẹ Hải - chồng cô - như mẹ đẻ của mình bởi cô mong muốn được sống trong bầu không khí đầm ấm, yên vui. Lan luôn chủ động xích lại gần mẹ chồng bằng cách chăm sóc bà chu đáo, chế biến những món ăn hợp khẩu vị với bà, đồng thời quan tâm, để ý tới những sở thích của bà. Ngày nào cũng vậy, hết giờ làm việc ở cơ quan là Lan vội vã trở về thu vén việc nhà. Sở dĩ Lan ít khi biếu tiền mẹ chồng bởi cô tâm niệm tất cả chi phí ăn ở, sinh hoạt của bà, vợ chồng cô đều lo toan tươm tất nên bà chẳng phải tiêu pha gì. Hơn nữa, mức thu nhập của Lan và Hải đều rất hạn hẹp, trong khi họ phải chắt chiu, dành dụm để trả tiền vay khi tổ chức lễ cưới. Cũng như hầu hết các đôi trẻ phải tự lập thân, lập nghiệp, trước mắt vợ chồng Lan còn bộn bề khó khăn chứ chưa được đàng hoàng, sung túc như vợ chồng anh cả...
Tuy có chút ấm ức song vốn là cô gái chín chắn, điềm đạm nên Lan không tỏ ra tức giận hay lôi kéo chồng đứng về phía mình bởi cô hiểu làm như vậy chỉ khiến quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thêm rạn nứt, không khí gia đình thêm căng thẳng. Lan tự an ủi rằng không nên cố chấp mà phải cảm thông với mẹ chồng bởi bà sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nàn, lạc hậu nên suy nghĩ có phần cứng nhắc. Mỗi lần con dâu cả về quê, mẹ chồng Lan hồ hởi dẫn đi thăm hỏi họ hàng và bà con trong xóm; bà còn hãnh diện khoe nhà có phúc nên có được con dâu hiếu thảo “mua cho đủ thứ quà cáp lại còn biếu tiền”. Ngược lại, với Lan, bà chẳng tỏ thái độ gì. Lan không phản ứng lại một cách gay gắt mà thầm nhủ: cứ đối xử với mẹ chồng bằng tấm chân tình sẽ có ngày bà cảm nhận được. Tuy Lan không kêu ca, than vãn song Hải vẫn nhận ra những thiệt thòi mà bấy lâu vợ phải chịu đựng để gia đình được yên ấm, thuận hòa. Sự bao dung của Lan khiến Hải càng thương vợ nhiều hơn.
Một lần, mẹ chồng Lan bị bệnh nặng phải nhập viện và được chuyển lên tuyến trên điều trị. Lan xin nghỉ phép ở cơ quan để đi theo chăm sóc mẹ chồng. Cô ân cần bón cho bà từng thìa cháo, động viên bà uống từng chút nước cam cho mau khỏe. Ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân của bà cũng do cô đảm đương. Trong khi nhà con dâu cả ở ngay thành phố, cách bệnh viện chưa đầy 2 cây số nhưng viện lý do bận việc cơ quan nên chẳng mấy khi lui tới thăm nom mà đùn đẩy trách nhiệm đó cho người chồng, khiến bà rất thất vọng. Chính trong lúc hoạn nạn này đã giúp bà nhận ra đâu là nghĩa cử tốt đẹp xuất phát từ tấm lòng, đâu chỉ là vỏ bọc bề ngoài.
HOÀI HƯƠNG