08:09, 07/09/2012

Nỗi niềm tuổi già

Có người khi về già rất an nhàn, sung sướng, nhưng cũng có người không hưởng được những niềm vui ấy…

Có người khi về già rất an nhàn, sung sướng, nhưng cũng có người không hưởng được những niềm vui ấy…

Già cậy con

Người xưa có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Vợ chồng ông Nam (đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang) sau bao thăng trầm của cuộc sống, đến lúc tuổi già sức yếu đã có thể “cậy con”. Anh con trai lớn là giám đốc một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, cô con gái út là bác sĩ, cả hai đều đã yên bề gia thất, công việc ổn định, thu nhập cao. Cách đây 2 năm, anh con trai xây lại nhà cho bố mẹ, trang bị đầy đủ thiết bị tiện nghi. Cô con gái mỗi tháng biếu bố mẹ 4 triệu đồng để tiêu vặt; thỉnh thoảng còn đưa ông bà đi du lịch đây đó. Cuối tuần, đại gia đình họp mặt đông đủ, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Ai đến thăm nhà ông Nam cũng tấm tắc khen ông bà có phước khi con cái hiếu thảo, có rể hiền dâu thảo, các cháu nội ngoại ngoan ngoãn... Ông Nam tâm sự: “Hồi xưa, nhà tui nghèo lắm. Dù vậy, tui vẫn quyết chí nuôi các con ăn học nên người. Tụi nhỏ cũng có chí, được trui rèn qua bao khó khăn nên có tính tự lập cao. Tụi nó thường nói ba má hồi trước khổ nhiều rồi, về già phải được phụng dưỡng, phải được hưởng sung sướng; các con chỉ mong ba má khỏe mạnh hàng ngày là vui rồi…”.

Vậy nhưng vẫn có những lúc ông bà cảm thấy buồn, nhất là khi ốm đau, hai thân già lủi thủi lo cho nhau. Con cái đều ở riêng, vẫn biết có chuyện gì “alo” một tiếng là chúng có mặt, nhưng thấy các con bận rộn nên ông bà không dám làm phiền. Những lúc trái gió trở trời, hai thân già lụm cụm chăm sóc nhau, khi nào bệnh nặng quá mới gọi các con. Cùng cảnh ngộ với vợ chồng ông Nam, ông Bảo (chung cư Lê Hồng Phong) chia sẻ: “Hai vợ chồng tui có tới 5 đứa con, đến tuổi gần đất xa trời mà cứ như vợ chồng son, chẳng có đứa nào ở bên cạnh”. 5 đứa con của ông có 2 đứa đang định cư ở Mỹ, còn lại đều sống ở TP. Hồ Chí Minh. Về vật chất, ông bà chẳng thiếu thứ gì, các con đều cung phụng cho ông bà đầy đủ. Thế nhưng, “nhiều khi 2 vợ chồng tui chỉ mong có các con, các cháu bên cạnh. Khổ nỗi, mấy chục năm nay nhà tui chẳng khi nào có đầy đủ các thành viên. Mấy đứa nhỏ ở nước ngoài không thu xếp về cùng nhau được. Thế nên, tui hay đùa với sắp nhỏ, chắc chừng nào ba má chết, tụi bây mới có mặt đầy đủ” - ông Bảo hài hước kể.

Nước mắt chảy xuôi

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không khó bắt gặp cảnh nhiều người già vẫn khó nhọc mưu sinh. Có người không còn ai thân thích, có người con cái đầy đủ nhưng lại không “cậy” được con. Ông Tám - năm nay đã tròm trèm 70 tuổi - vẫn ngày ngày lụi cụi sống bằng nghề bơm vá xe đạp. Vợ mất sớm, một mình ông “gà trống nuôi con”, 4 đứa con giờ đều đã có gia đình riêng nhưng chẳng có đứa nào khá giả. Năm ngoái, không hiểu chúng nó nghe ai mà về nằng nặc đòi bán nhà chia tiền, chúng bảo ông già rồi, sống chết nay mai, giờ vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo thì nên chia tài sản, kẻo đến lúc ông nằm xuống, có mỗi một căn nhà không biết chia phần ai nhiều ai ít. Nghĩ cũng phải, lại thương đám con cháu nghèo khổ, ông quyết định bán căn nhà cấp 4 ở trong hẻm. Lúc mới bán, anh con cả được chia phần nhiều nhất để thực hiện nghĩa vụ nuôi cha già, nhưng ở với anh con lớn chưa được bao lâu, ông đã bị hắt hủi, tiếng nặng tiếng nhẹ. Ông dọn đồ qua nhà thằng Ba, con Tư, rồi đến thằng Út, nhưng nhà nào cũng chỉ được vài tháng, vì các con ông chẳng đoái hoài đến cha, xem ông như gánh nặng. Buồn con, ông dọn ra ở nhà trọ, hàng ngày kiếm cơm từ nghề bơm vá xe đạp nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. “May mà hồi đó tui dành dụm được chút tiền, giấu tụi nó, không thì giờ chắc tay gậy tay bị rồi…” - ông Tám kể, mắt ngấn nước.

Cách đây chưa lâu, vợ chồng ông Thu (đường 2-4, Nha Trang) đã phải thay nhau vào... nằm viện vì lên tăng-xông. Ông bà đổ bệnh không phải do tuổi cao sức yếu mà do thằng con út... đổ nợ. Ông bà có 7 người con, chỉ có thằng Út là vẫn còn độc thân, lông bông. Được cưng chiều từ nhỏ nên thằng Út sinh hư, nghiện cá độ, mê bài bạc. Mấy lần con cá độ, thắng đâu chẳng thấy, chỉ thấy hai ông bà nai lưng ra trả nợ. Mùa Euro vừa rồi, nó thua mấy trăm triệu, bị giang hồ đòi nợ ráo riết. Túng quá, thằng Út về nhà đòi ông bà bán nhà, chia tiền cho nó trả nợ. Ông bà không chịu, nó mua xăng về dọa đốt nhà, rồi thì đòi tự tử. Chịu hết xiết, ông bà phải họp gia đình, quyết định bán nhà. Bán nhà xong, buồn con, hai ông bà đổ bệnh. Vậy mà thằng Út cũng chẳng đoái hoài gì đến cha mẹ, ngược lại có tiền rồi lại tiếp tục lao vào những cuộc cá cược, đỏ đen. Ông Thu buồn rầu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, biết sao được. Thôi thì nước mắt chảy xuôi, trách cứ nó làm gì, dù sao cũng là con mình rứt ruột đẻ ra mà…”.

Đúng là, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Được con cái báo hiếu, phụng dưỡng tuổi già là điều mà bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong mỏi. Nhưng đôi khi, đến lúc gần đất xa trời, nhiều người vẫn còn khổ vì con, vì cháu. Làm con phải đặt chữ hiếu làm đầu. Nhưng tiếc thay, không ít người đã không nghĩ đến công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đến lúc cha mẹ tuổi già sức yếu lại không thực hiện trọn đạo làm con…

H.N