Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong tháng 8 làm giá lương thực, thực phẩm, đá cây… đồng loạt tăng, kéo theo phí tổn của một chuyến biển cũng tăng thêm từ 10 đến trên 30 triệu đồng. Gánh nặng không nhỏ khiến nhiều ngư dân e dè không dám ra khơi.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong tháng 8 làm giá lương thực, thực phẩm, đá cây… đồng loạt tăng, kéo theo phí tổn của một chuyến biển cũng tăng thêm từ 10 đến trên 30 triệu đồng. Gánh nặng không nhỏ khiến nhiều ngư dân e dè không dám ra khơi.
Dầu tăng giá
Những ngày đầu tháng 9, tại Cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang) - cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung bộ, hàng trăm tàu lớn nhỏ đậu kín bởi ngư dân không ra khơi. Đợt tăng giá dầu cuối tháng 8 là lần tăng thứ 3 trong vòng 1 tháng qua, mỗi lít xăng, dầu tăng thêm gần 2 nghìn đồng so với đầu tháng. Theo các ngư dân, những tàu lớn đánh bắt xa bờ từ 100 - 400CV, mỗi lần đi biển dài ngày, tổn phí từ 120 - 170 triệu đồng. Khi giá dầu tăng, tổn phí này cũng tăng thêm 20 - 30 triệu đồng. Những tàu nhỏ 90CV trở xuống chuyên đi lộng, đi khơi, hồi đầu tháng 7, phí tổn một chuyến biển khoảng 15 - 25 triệu đồng, nay phí tổn cũng đội thêm từ 5 - 10 triệu đồng.
Ông Trần Văn Đạt - Ngư đội trưởng Ngư đội Song Tử Tây cho biết: “Giá dầu tăng khiến chủ thuyền rất khốn đốn. Giá đá để ướp cá vào tháng 7 chỉ 16 nghìn đồng/cây, đến cuối tháng 8 đã lên 22 nghìn/cây rỗng ruột, 25 - 26 nghìn đồng/cây đặc ruột. Còn hiện nay, giá đá đã lên gần 30 nghìn đồng/cây. Như thuyền của tôi 300CV, mỗi lần ra khơi bám biển, chúng tôi lại mất thêm 30 triệu đồng”.
Nhiều ngư dân chỉ biết nhìn ra biển, không dám xuất bến vì sợ lỗ do giá dầu tăng. |
Xăng dầu tăng vùn vụt, nhưng cả tháng nay, giá cá tại Nam Trung bộ không tăng, thậm chí còn giảm. Các tàu cá ven bờ thường đánh bắt cá chuồn, cá nục. Giá cá chuồn năm ngoái là 16 nghìn đồng/kg, đợt này chỉ còn 12 - 14 nghìn đồng/kg; giá cá nục từ 20 nghìn đồng chỉ còn 8 - 10 nghìn đồng/kg. Các tàu xa bờ chủ yếu đánh bắt cá ngừ, giá khoảng 110 nghìn đồng/kg, nhưng bây giờ chỉ còn 90 nghìn đồng/kg. Theo các ngư dân, giá giảm, để có lãi, họ phải tăng sản lượng đánh cá lên gấp 1,5 - 2 lần so với năm ngoái nhưng điều này là rất khó. Ông Đỗ Trung Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ nhận định: “Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngư dân. Mỗi chuyến biển giảm thu nhập từ 30 - 40%”. Đây quả số tiền không nhỏ đối với ngư dân. Ông Mai Thành Phúc - Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn lý luận: Tàu xa bờ mỗi lần đi cả tháng trời, trung bình mỗi tàu 12 người, nếu may mắn lời khoảng 100 triệu đồng, chia ra, mỗi người được 7 - 8 triệu đồng. Nếu mỗi lần giá xăng dầu tăng, thu nhập giảm 20 - 40% thì trung bình mỗi ngư dân chỉ còn được khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Nhưng bù với lúc gặp thời tiết xấu, tàu hư, sản lượng cá sụt giảm... thì trung bình mỗi ngư dân thu nhập chỉ 1 - 3 triệu đồng/tháng. Thu nhập này quá ít so với công sức ngư dân bỏ ra.
Tư thương găm hàng, ép giá
Do phải trung chuyển qua tàu dầu nên giá dầu đến với ngư dân đều cao hơn giá trên bờ. Mỗi lần dầu tăng giá là ngư dân lại bị các chủ tàu dầu găm hàng, ép giá. Ngư dân rất bức xúc vì tình trạng đến ngày ra biển nhưng không có dầu. Ông Trần Văn Hoa (phường Xương Huân, Nha Trang), chủ 2 tàu đánh bắt xa bờ ấm ức: “Đợt tăng giá vừa rồi, do đoán trước nên tàu dầu tư nhân trữ dầu lại, chờ giá lên mới chịu bơm cho ngư dân. Đến ngày đi biển thì ngư dân đành phải bơm dầu mà đi thôi. Mỗi chiếc tàu dầu chứa được mấy chục ngàn lít. Giá xăng dầu lên, thiệt dân lao động, chỉ doanh nghiệp là lời”. Còn ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ đồng thời là chủ tàu đánh bắt xa bờ KH 96057 TS ở Nha Trang cho biết: “Xăng dầu lấy qua ghe đậu giữa biển, Nhà nước cũng khó mà kiểm tra được. Cây dầu đong đếm không đủ lít, có lẫn nước, bị cặn, hay hư máy”.
Quan sát của phóng viên tại Cảng cá Hòn Rớ, những tàu dầu có thiết bị khá cũ kỹ, thường chạy dọc cảng, cửa sông để bơm dầu cho các tàu ở xa bờ. Ngư dân cho biết, vì thiếu vốn nên nhiều người thường phải mua nợ dầu ở các tàu này. Sau khi đi biển về, bán cá xong, họ mới trả nợ tiền dầu. Do đó, giá dầu sau mỗi chuyến biển đều bị tính lãi, ít thì vài trăm đồng, nhiều thì vài nghìn đồng/lít.
Theo ông Đỗ Trung Hiệp, tại cảng có 3 doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp xăng dầu cho các tàu cá, giá xăng dầu mà các doanh nghiệp này bán thường cao hơn giá niêm yết vì họ tính chi phí phát sinh với chủ tàu. Việc quản lý các tàu dầu này nằm ngoài khả năng của Ban Quản lý Cảng cá, việc thanh tra, kiểm tra phụ thuộc các đơn vị chức năng khác.
Cần được hỗ trợ
Theo ông Mai Thành Phúc, giá xăng dầu tăng làm nhiều tàu không dám mở rộng ngư trường khi mà không chắc chạy thêm mấy chục hải lý nữa có cá không. Việc đánh cá phải dùng điện dè xẻn để tiết kiệm dầu cũng ảnh hưởng đến sản lượng cá. Bên cạnh đó, nhiều người đã chấp nhận chuyển từ nghề câu vàng sang câu đèn hoặc lưới rê nhằm tiết giảm chi phí đi biển, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm sút chất lượng cá.
“Giá xăng dầu tăng, chi phí đi biển tăng, giá cá lại giảm, sản lượng đánh bắt nhờ trời... vậy nhưng chúng tôi vẫn phải ra khơi. Phần vì nghề biển đã thấm vào máu, phần vì đa số chủ tàu đều vay ngân hàng, để tàu ở bờ càng chết. Thôi đành liều mình bám biển vậy” - ông Phúc chặc lưỡi. Chuẩn bị cho chuyến biển, ông Đặng Liên, thuyền trưởng tàu KH97878 tâm sự: “Mỗi lần ra khơi là mỗi lần lo lắng, phần vì xăng dầu tăng giá vùn vụt, tổn phí tăng cao, phần vì ngư trường bất ổn... Từ đầu vụ cá đến nay, tôi đi được 4 chuyến biển, 2 chuyến lỗ nặng, chỉ được 100 - 200kg cá ngừ/chuyến. May mà 2 chuyến kia gỡ lại được vốn. Giong tàu ra khơi như đi đánh bạc vậy”. Theo ông Phúc, hiện nay, ngư dân chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ thêm chi phí đi biển, ngư dân được vay lãi suất thấp ở lần đi biển đầu vụ cá (thường vụ cá đầu tiên, không ngư dân nào tích lũy đủ 100 - 200 triệu đồng làm tổn phí ban đầu và đa số phải vay “nóng” với lãi suất rất cao).
Ông Nguyễn Văn Đầu - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Thời gian tới, Chi cục sẽ khảo sát, lấy ý kiến của các ngư dân, từ đó có văn bản báo cáo, tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho ngư dân”.
QUANG ĐỨC