09:09, 23/09/2012

Đâu phải con nhà giàu là hư!

Trong suy nghĩ của nhiều người, con nhà giàu quen được chiều chuộng nên dễ hư. Tuy vậy, nhiều em xuất thân trong những gia đình giàu có mà vẫn rất ngoan, học giỏi, bởi các em được sự dạy dỗ chu đáo của bố mẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong suy nghĩ của nhiều người, con nhà giàu quen được chiều chuộng nên dễ hư. Tuy vậy, nhiều em xuất thân trong những gia đình giàu có mà vẫn rất ngoan, học giỏi, bởi các em được sự dạy dỗ chu đáo của bố mẹ.

Huyền, cô bạn thời sinh viên của tôi, sau khi nghỉ việc Nhà nước để chuyển qua kinh doanh, đã trở nên giàu có với số vốn trong tay hàng chục tỉ đồng. Là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, Huyền có ô tô riêng và 2 căn nhà mặt tiền: một để ở kiêm trụ sở công ty, một cho thuê. Tuy vậy, Thọ - cậu con trai đầu của Huyền - vẫn đi học bằng chiếc xe máy đời 81 cũ kỹ suốt những năm là sinh viên Trường Đại học Kinh tế. Có lần tôi hỏi Thọ “không sợ bạn bè chế nhạo vì nhà giàu mà vẫn đi chiếc xe cà tàng hay sao?”, cháu cười: “Chiếc xe 81 này tuy cũ nhưng còn tốt lắm, lại rất tiết kiệm xăng, so với xe đạp thì vẫn hơn nhiều!”. Áo quần và các đồ dùng của cháu cũng rất giản dị, bình dân. Khi vào cấp 3, nhiều người khuyên Huyền cho Thọ học trường “điểm”, nhưng cháu từ chối: “Học giỏi hay dở là do mình chứ đâu phải tại trường”. Quả thật, dù chỉ học ở một trường cấp 3 bình thường, cháu vẫn thừa điểm đậu 2 trường đại học: Bách khoa và Kinh tế. Được sự tư vấn của mẹ, cháu chọn Đại học Kinh tế.

Tốt nghiệp, Thọ không chịu làm nhân viên dưới quyền mẹ mà vay mẹ một số vốn để làm ăn riêng, lại còn hứa sau 5 năm sẽ trả đủ vốn lẫn lãi. Thời gian đầu, Thọ vừa nghiên cứu, thu thập thông tin trên các lĩnh vực khác nhau của thị trường vừa tự nâng cao trình độ tiếng Anh. Cậu lặn lội tìm đến tận các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu thực tế sản xuất. 2 năm sau, Thọ tự tin mở công ty tư vấn kinh tế, đồng thời tham gia thị trường chứng khoán. Với kinh nghiệm và óc phán đoán tốt, việc kinh doanh của Thọ liên tục thắng lợi. Chưa đến 4 năm, không chỉ trả nợ cho mẹ, Thọ còn mua được nhà riêng, xe hơi.

Gia đình anh Hoàng, trưởng văn phòng đại diện một công ty nước ngoài và chị Lan, kế toán trưởng một công ty liên doanh cũng là một tấm gương dạy con. Tuy rất bận rộn nhưng anh chị luôn phân công nhau chăm sóc, giáo dục hai đứa con chu đáo để chúng không ỉ lại. Nhà có người giúp việc nhưng chỉ đi chợ, nấu ăn, còn việc rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, tưới cây... thì hai anh em phải đảm nhận. Hàng ngày, anh chị phân công nhau đưa đón con đi học, dù bận thế nào cũng không được từ chối trách nhiệm, đó là quy ước. Các con của anh chị không bao giờ phải thiếu thốn. Nhưng ngược lại, đồ dùng của bọn trẻ không hề khác biệt với các bạn cùng lứa. Tuy có tiền mua nhà riêng nhưng anh chị vẫn sống trong khu chung cư cùng chúng tôi: “Ở đây các cháu có nhiều bạn bè và học được cách sống, cách cư xử với mọi người!” - chị Lan nói. Bởi quả thật, các gia đình trong chung cư sống với nhau rất tình nghĩa. Đôi khi, nhìn đám trẻ chơi đùa vui vẻ bên nhau trong sân hay bá vai nhau trên đường đi học về, thật khó nhận ra em nào là con nhà giàu, em nào con nhà nghèo.

Chợt nghĩ, đúng là “nhân nào quả nấy”. Tuy nhà giàu cách mấy, nhưng nếu biết cách dạy dỗ, con cái họ sẽ nên người...

DUY THẢO