Địa bàn nơi tôi sống là một xóm nghèo, đa phần là những người buôn bán nhỏ, đạp xích lô, thợ hồ… Tuy vậy, trong xóm ít xảy ra cãi cọ, mất đoàn kết.
Địa bàn nơi tôi sống là một xóm nghèo, đa phần là những người buôn bán nhỏ, đạp xích lô, thợ hồ… Tuy vậy, trong xóm ít xảy ra cãi cọ, mất đoàn kết. Có được kết quả này là nhờ Ban nữ công xóm thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt bổ ích với chủ đề đa dạng và phong phú như: “Cách trở thành vợ đảm”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…
Trong buổi sinh hoạt gần đây nhất, chủ đề được đưa ra bàn luận là: “Làm sao để vợ chồng không to tiếng với nhau?”. Mỗi người tự kể về hoàn cảnh nhà mình hoặc những câu chuyện của bạn bè mà mình biết để cùng nhau chia sẻ, học tập.
Chị Hạnh, hàng xóm của tôi mở đầu: “Theo tôi, vợ chồng nên nhường nhịn nhau, như ông bà đã dạy “Một câu nhịn, chín câu lành”. Làm được như vậy, trong nhà sẽ yên ổn. Vợ chồng chẳng bao giờ to tiếng!”. Và chị kể, anh Hùng, chồng chị là người khó tính trong ăn uống: thức ăn chỉ nấu một lần, ăn một bữa, không ăn đồ hâm lại, kể cả cơm. Biết vậy, chị chiều anh. Bao giờ chị cũng nấu cơm mới, thức ăn thay đổi liên tục; còn cơm nguội hay đồ hâm lại thì chị ăn một mình. Thêm nữa, tính anh hay nể bạn bè. Có một dạo, tối nào anh cũng đi nhậu đến khuya mới về, cơm canh nguội lạnh cả. Vậy mà hôm sau, anh nhất định không chịu ăn cơm nguội. Không lý đổ đi cả nồi? Thế là chị nấu cho anh nồi khác. Còn cơm nguội, chị để tủ lạnh, mỗi bữa lấy ra một ít, hấp đi hấp lại ăn dần cho đến hết. Thấy thế, anh cũng áy náy. Vậy là anh bắt đầu chịu ăn cơm nguội, thấy cũng không đến nỗi nào. Có hôm anh nhậu về say quá, nôn mửa khắp nhà. Chị lấy khăn nóng lau mặt, thay quần áo cho anh, rồi dọn dẹp nhà cửa suốt đêm, phờ phạc cả người. Hôm sau, anh thấy vậy, có vẻ cũng ân hận, từ đó mỗi lần bạn gọi, anh tìm cớ thoái thác bớt. Anh cũng bớt hẳn sự chi li, xét nét trong chuyện ăn uống. “Tôi vui lắm! Chứ giá cả tăng vọt như thế này, ăn kiểu của anh ấy, thu nhập của vợ chồng làm sao chạy theo kịp?”- chị Hạnh nói.
Chị Châu bán tạp hóa ngoài chợ là người có tật nói nhiều; trong khi anh Hòa, chồng chị, cán bộ một viện nghiên cứu lại hiền lành, ít nói. Hai người khác nhau như vậy nên thỉnh thoảng, mọi người hay nghe tiếng chị Châu nói trong nhà. Lúc đầu, ai cũng tưởng chị lảm nhảm một mình, nào ngờ không phải vậy. Anh Hòa ngồi trên ghế, khuôn mặt bình thản nhìn vợ chăm chú như đang nghe một diễn giả thuyết trình chứ không phải đang bị vợ “dạy”. Tiếng chị kéo dài, trách móc, chê anh đủ thứ. Đôi khi, chị gào lên: “Người ta kiếm tiền bằng mọi cách, còn anh thì chỉ biết giương mắt nhìn vợ con khổ sở!”.
Hôm đó, chị kể: “Đợi tôi nói chán chê, anh ấy mới mỉm một nụ cười cầu hòa: “Nào! Em nói xong chưa?”. Tôi ngớ người ra, tự thấy mình cũng kỳ, có gì đâu mà cứ càm ràm hoài chuyện anh ấy không biết chạy mánh, làm giàu? Thì vậy anh ấy mới không nhậu nhẹt, không trai gái này nọ, hết giờ là về nhà với vợ con. Tôi đi làm về trễ, anh lo đón con, bắc sẵn nồi cơm, nhặt rau…”. Nghĩ vậy nên sau này, tôi không còn “hành” anh ấy về chuyện không biết kiếm tiền nữa. Không chỉ chồng vui mà tôi cũng khỏe vì đỡ mất sức “nói”.
Nghe chị nói, cả phòng họp cười ồ lên: “Hay! Hay lắm!”.
Tôi chợt nhớ lại, có lần tôi hỏi anh Hòa sao giỏi nhịn thế, anh cười: “Nói một cách công bằng, cũng nhờ vợ bươn chải với cái quán tạp hóa, tôi mới có sức mà nghiên cứu. Đôi khi làm việc căng quá, hàng ế ẩm, vợ không biết trút giận vào ai, mình chịu khó nghe vợ “ca” chút xíu, cũng là một cách trả nghĩa cho vợ!”.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ để thấy vợ chồng nhường nhịn nhau cũng là một cách ứng xử mà ông bà ta đã dạy.
HẠ VI