05:03, 02/03/2012

Gương vỡ lại lành

Sau một thời gian ly thân, tưởng là sẽ “đường ai nấy đi” mãi mãi nhưng rút cuộc, anh Hoàng và chị Ngân lại quyết định “về với nhau”. Họ nhận ra rằng, mình vẫn còn cơ hội để làm lại một cái “gương” mới, trước khi quá muộn…

Sau một thời gian ly thân, tưởng là sẽ “đường ai nấy đi” mãi mãi nhưng rút cuộc, anh Hoàng và chị Ngân lại quyết định “về với nhau”. Họ nhận ra rằng, mình vẫn còn cơ hội để làm lại một cái “gương” mới, trước khi quá muộn…

Anh Hoàng và chị Ngân đều là công chức Nhà nước. Họ chung sống với nhau gần 8 năm, có 2 con cả nếp lẫn tẻ. Anh Hoàng có tính ham vui, thích nhậu nhẹt. Hồi mới quen, chị Ngân cũng biết sở thích này của chồng, thậm chí có mấy lần tụ tập bạn bè, anh uống xỉn quắc cần câu, phải nhờ chị chở về. Không biết bao nhiêu lần chị cuống cuồng khi nghe tin anh nhậu say, bị té xe, thương tích đầy mình. Nhiều người biết chị quen anh đã cảnh báo chị sẽ khổ nếu “rước” một ông chồng mê nhậu hơn mê vợ! Biết vậy nhưng chị vẫn thương, vẫn chấp nhận vì chị nghĩ có gia đình, anh sẽ khác. Đúng là anh khác thật, ít đi nhậu hơn nhưng một khi có “độ” rồi thì anh uống như chưa từng được uống, quên hết vợ con! Thậm chí, có một lần anh say, bị tai nạn gãy chân, cả người xây xát, phải nằm viện cả tháng trời. Chị Ngân kể: “Từ lúc lấy nhau, hễ anh ra khỏi nhà là tôi lại đứng ngồi không yên, sợ chồng uống say, đi đường dễ bị tai nạn. Ảnh về tới nhà an toàn thì tôi lại khổ sở dọn dẹp “chiến trường” của chồng, vì ảnh có cái tật hay “cho chó ăn chè” sau khi nốc quá nhiều bia rượu. Thời gian đầu, con cái còn nhỏ, thấy chồng ít đi nhậu, tôi mừng thầm. Nhưng khi con cái lớn dần thì ảnh lại mê nhậu hơn mê vợ con, ngày nào hết giờ làm cũng đi nhậu đến tối mới ngật ngưỡng về nhà. Tôi khuyên hoài không được nên xin ly thân…”. Chị về nhà bố mẹ đẻ, mang 2 con theo; anh vẫn ở nhà cũ, cuối tuần qua ngoại thăm con. Anh nhiều lần gặp chị xin nối lại tình xưa nhưng chị bảo khi nào anh thay đổi, thôi không còn là “đệ tử lưu linh” nữa thì lúc đó chị sẽ suy nghĩ lại. 2 năm sống ly thân, anh Hoàng cũng tìm mọi cách “ly thân” với rượu. Mặt khác, anh nhờ bạn bè, người thân tác động đến chị Ngân để mong nối lại tình cũ… Giờ thì đúng như mong đợi của anh, cả gia đình lại đoàn tụ. Anh Hoàng tâm sự: “Cái gì có trong tay thì mình lại không biết quý, biết giữ; để đến khi mất rồi mới thấy tiếc… Thời gian sống một mình, tôi đã nhận ra điều ấy và quyết tâm sửa chữa lỗi lầm để có cơ hội hàn gắn gia đình…”.

Để gương vỡ lại lành, ngoài tình yêu còn cần sự vị tha, cảm thông, sẻ chia của người trong cuộc… (Ảnh minh họa).

Để gương vỡ lại lành, ngoài tình yêu còn cần sự vị tha, cảm thông, sẻ chia của người trong cuộc… (Ảnh minh họa).

Cách đây 2 năm, vợ chồng bà Thắm (đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang) cũng đưa nhau ra Tòa xin ly hôn. Vợ chồng bà đã ngoài 60, con cháu đề huề, tuy bà không muốn nhưng ông Thăng - chồng bà - cứ một mực đòi chia tay, chỉ vì ông trót thương một bà bạn độc thân cùng hội thể dục dưỡng sinh buổi sáng! Mặc cho con cái phản đối, làm căng, mặc cho bà khóc lóc năn nỉ, ông vẫn dứt áo ra đi. Ra Tòa, đến phần phân chia tài sản, ông yêu cầu bà bán căn nhà mặt tiền, ông chỉ cần lấy đủ 30 lượng vàng, còn lại là phần của mấy mẹ con. Bà Thắm khóc như mưa, bà bảo hơn 30 năm chung sống với nhau, chưa bao giờ bà nghĩ sẽ có lúc chồng quay lưng với mình, vì ông hiền lành, thương vợ thương con hết mực; vậy mà đùng một cái, ông cứ như bị bỏ bùa mê, chạy theo người tình nhỏ hơn mình chục tuổi!

Ly hôn xong, ông Thăng lấy vàng và chuyển sang nhà người tình ở. Những tưởng chuyện đã kết thúc, ngờ đâu 3 tháng sau, ông ôm hành lý xin về lại với bà Thắm. Ông than thở, “người ta” chỉ thương 30 cây vàng của ông mà thôi, chứ yêu đương gì! Ở với “người ta”, ông bị hắt hủi, lại còn phải phục dịch cơm nước hàng ngày. Ở với “người ta”, ông mới thấy không “ao” nào bằng “ao nhà”, mới cảm cái tình, cái nghĩa của người vợ yêu thương ông hết lòng. Chính vì vậy, khi bị người tình đuổi ra khỏi nhà, ông xấu hổ, nhục nhã, chỉ muốn bỏ đi biệt xứ nhưng đi đâu với thân già bệnh tật và không một xu dính túi, thế là ông lại nghĩ đến bà, tin rằng với tấm lòng nhân hậu, bà sẽ tha thứ và cho ông một cơ hội. Đúng là thế thật, tuy rất giận ông nhưng khi thấy chồng quay về, bà Thắm vẫn đón nhận. Bà nói với các con: “Đời người ai cũng có sai lầm, quan trọng là người ta có nhận ra sai lầm ấy và sửa sai hay không. Ba các con già rồi, cũng nên cho ông ấy cơ hội, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…”. Bây giờ thì mọi chuyện lại như cũ, bà Thắm rất khéo léo và tế nhị, không bao giờ bà nhắc đến chuyện cũ của chồng; các con cũng theo gương của bà, đối xử với ông bình thường như trước, dù lúc xảy ra chuyện, ông đã từng tuyên bố bỏ con từ vợ!

Đấy là những câu chuyện “gương vỡ lại lành” mà những người trong cuộc rất may mắn khi có cơ hội để hàn gắn những đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Để “gương vỡ lại lành”, ngoài chuyện cảm thông, có thể tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của nhau, điều quan trọng nhất chính là tình cảm của hai người, bởi nếu không còn yêu nhau, sẽ khó có thể quay trở lại với nhau. Bởi thế, có nhiều cặp tình nhân, vợ chồng sau một thời gian xa nhau, quay trở lại với nhau nhưng không phải ai cũng “gương vỡ lại lành”, bởi họ không biết cách làm lành những vết thương lòng, thay vào đó lại khoét sâu hơn những mảnh vỡ trước đó…

Trong tình yêu và hôn nhân, thật khó tránh khỏi những sai lầm. Nếu sai lầm đó còn có thể sửa chữa được, tại sao không tạo cơ hội cho người trong cuộc làm lại một “chiếc gương” mới?

NHÃ KỲ