11:02, 16/02/2012

Vợ xài sang

Mỗi lần Linh đi mua sắm, Hoàng lại chóng mặt vì những thứ vợ “rinh” về có khi ngốn mất cả tháng lương của anh.

Mỗi lần Linh đi mua sắm, Hoàng lại chóng mặt vì những thứ vợ “rinh” về có khi ngốn mất cả tháng lương của anh. Góp ý với vợ thì Linh giận dỗi, bảo chồng keo kiệt, rồi vợ chồng lại gây gổ, cãi nhau. Hoàng không biết làm sao để vợ tiết kiệm hơn, trong khi càng ngày cơn nghiện mua sắm của Linh càng nặng!

Hoàng ít để ý nhưng càng ngày anh càng thấy tủ đồ của vợ chật chội hơn. Trước Tết, Linh may hàng loạt váy với đủ màu, mặc chưa hết thì tháng này, Hoàng lại thấy vợ “tha” về chục cái áo đủ kiểu. Anh hỏi, Linh khoe vừa mới lang thang shopping, toàn đồ sale-off! Nói là hàng giảm giá nhưng anh nhẩm tính, vợ cũng phải móc hầu bao hơn 1 triệu đồng cho mấy món này. Nhẹ nhàng nói với vợ, chưa hết câu, Linh đã vùng vằng: “Vợ mua bằng tiền của vợ, có lấy tiền của chồng đâu mà chồng ý kiến? Anh nhìn mấy đứa bạn em kìa, tụi nó còn sắm sửa nhiều hơn em nữa đó, em có là gì đâu!”. Đem chuyện này lên cơ quan tâm sự với mấy chiến hữu, không ngờ cũng có nhiều người đồng cảnh ngộ với Hoàng. Tâm - nhân viên cùng phòng với Hoàng kể: “Ngày Tình yêu vừa rồi, em hỏi vợ thích mua gì để chồng tặng. Nàng dẫn em đến cửa hàng, “thửa” ngay túi xách LV hàng hiệu gần 4 triệu đồng, choáng! Vậy mà em cứ thấy cô ấy thay giỏ xách như… đi chợ! Đó là chưa kể đến những khoản dành cho mỹ phẩm, quần áo, giày dép…, hèn gì chưa hết tháng đã thấy nàng réo đòi nộp lương!”.

Có tiền sắm sửa đã đành, nhiều bà vợ lương ba cọc ba đồng nhưng cũng mắc bệnh tiêu xài hoang phí. Anh Dũng (đường Trần Nguyên Hãn, Nha Trang) kể: “Bà xã nghiện mua sắm, thích làm đẹp nên hễ ai nói có món son, phấn gì hiệu quả, bả mua ngay mà không cần suy nghĩ. Tui cằn nhằn thì bả nói mấy cái thứ này bả mua của người quen, cho ghi sổ, chừng nào có thì trả. Không biết bả ghi sổ bao nhiêu mà Tết vừa rồi, có bao nhiêu lương thưởng phải mang đi trả nợ cho người ta hết, thật là…”. Trong khi đó, chị Thu - vợ anh Tâm làm cùng cơ quan với anh Tâm lại có sở thích đi… spa. Làm gì thì làm, một tuần ít nhất chị Thu phải vào spa để tân trang sắc đẹp. Mỗi lần như vậy, tính sơ sơ cũng tốn gần 5 - 6 trăm ngàn, một tháng mất đứt hơn 2 triệu đồng. Khổ nỗi, anh Tâm dù không thích cũng phải cắn răng kiếm tiền cho vợ đi làm đẹp, vì mỗi lần anh cằn nhằn, chị lại giận dỗi: “Em làm đẹp có phải cho riêng em đâu, hay là anh thích vợ anh ngày càng xấu đi, già đi?”.

Có nhiều bà vợ có tật không đi shopping thì không chịu nổi, dù nhiều khi trong túi không có đồng nào! Có bà đi mua sắm thì không suy nghĩ, nhưng đến khi mua thứ gì đó cần cho gia đình lại bắt đầu tính toán, cân nhắc. Thậm chí, nhiều người còn bị nghiện mua sắm đến nỗi để sở hữu được món đồ đó, họ phải đi vay mượn rồi từ từ tìm cách trả sau. Đây được xem như một thói quen hơi quá đà của phụ nữ, nhất là khi họ được giao quyền “tay hòm chìa khóa”. Vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, để hạn chế thói quen này, các ông chồng cũng cần để ý, cùng bàn bạc với vợ các khoản chi tiêu trong gia đình. Nếu thấy vợ tiêu xài hoang phí, nên nhắc nhở, nhỏ nhẹ với vợ, đưa ra các kế hoạch, đặt ra những mục tiêu lớn cho gia đình để vợ chồng cùng thảo luận, thống nhất. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ vỡ nợ gần đây, nhiều người vay tiền rồi mất khả năng chi trả, trong đó có nhiều khoản chỉ để tiêu xài cá nhân. Đến khi xảy ra cớ sự, nhiều ông chồng mới giật mình, tự trách mình sao không để ý, quan tâm, có biện pháp hạn chế những thói quen tiêu pha quá đà của vợ, đến khi vỡ lở thì có hối cũng đã muộn!

H.N