12:02, 13/02/2012

Đừng để bỗng dưng... mất chồng

Anh Hải ở Đồng Đế (Nha Trang) đang làm việc tại một viện nghiên cứu. Tuy lương ba cọc ba đồng nhưng chị Thu, vợ anh có sạp trái cây ở chợ Vĩnh Thọ nên cuộc sống không đến nỗi nào.

Anh Hải ở Đồng Đế (Nha Trang) đang làm việc tại một viện nghiên cứu. Tuy lương ba cọc ba đồng nhưng chị Thu, vợ anh có sạp trái cây ở chợ Vĩnh Thọ nên cuộc sống không đến nỗi nào. Hồi mới lấy nhau, đi đâu chị Thu cũng khoe: “Chồng mình là cử nhân sinh học đấy!”. Đến khi có con, chị Thu phải nghỉ buôn bán để ở nhà chăm con. Trăm thứ phải chi tiêu nên tiền dành dụm nhanh chóng hết vèo. Cảnh nhà trở nên túng thiếu nhưng vì quen với cuộc sống được vợ “bao cấp” nên anh Hải vẫn sáng đi, tối về, mỗi tháng đưa cho vợ vài trăm ngàn. Để kiếm tiền, con mới 3 tháng, chị Thu phải đem gửi bà ngoại để trở lại buôn bán. Suốt ngày tất bật buôn bán, tối về chị lại lo nội trợ, chăm con… Bận rộn, vất vả quá nên chị Thu đâm ra cáu kỉnh. Gặp ai, chị cũng than: “Ông xã mình đúng là “gà công nghiệp”, chẳng biết làm ra tiền!”. Nhiều khi chị chê chồng ngay trước mặt hàng xóm hay khách khứa đến nhà khiến anh Hải đỏ mặt. Không ít lần, chị khuyên chồng bỏ việc, ra chợ phụ giúp chị: “Ngồi chơi cũng gấp mấy thu nhập của anh!”. Nhưng anh Hải từ chối với lý do không rành chuyện buôn bán. Thương vợ, hàng ngày, anh cố gắng về sớm, đón con từ nhà bà ngoại về, tắm rửa, cho con ăn, vào bếp nấu cơm…; vợ về là có thể ngồi vào mâm. Nhưng chị Thu vẫn không hài lòng. Cơm anh nấu, chị chê dở. Chị hoạnh họe anh giấu tiền chị đưa nên mua đồ ăn không ngon, cằn nhằn không biết chăm con, để nó còi cọc… Những lời càm ràm, trách móc ngày càng tăng nhưng anh Hải không muốn nhà cửa ồn ào nên chỉ im lặng. Thấy vậy, chị Thu càng làm tới. Có lần, anh ôn tồn phân bua rằng anh đã lo hết việc “nội chính”, phần còn lại là của chị, thì chị xỉa xói: “Ai cần anh làm mấy chuyện cỏn con đó. Cứ có tiền, tôi thuê ôsin dư sức làm! Đàn ông mà không biết kiếm tiền, chỉ biết bám váy vợ!”. Anh Hải nhìn sững chị Thu rồi khoát tay: “Từ bây giờ, chúng ta đường ai nấy đi! Tôi hết chịu nổi cô rồi!”. Tưởng anh Hải nói vậy chứ đời nào dám bỏ vợ. Ai dè, ngày hôm sau, khi từ chợ trở về, mẹ chị Thu gọi điện nhắn sang đón con. Chị khóc lóc với mẹ: “Con bực, nói nặng có một câu mà ảnh cũng đành bỏ con!”.

Một trường hợp khác, anh Thân làm nghề bốc vác tại Cảng Nha Trang. Nghề này vất vả nên vào những buổi chiều, anh hay ra quán bà Tư đầu ngõ làm ly rượu, tán chuyện với đồng nghiệp cho đỡ buồn. Vậy thôi mà đi đâu, chị Bảy, vợ anh cũng rêu rao: “Tôi không biết bà mập đó có gì hấp dẫn mà ngày nào ổng cũng ra đấy “ngồi đồng”?”. “Chẳng thà tui không có chồng lại sướng hơn!”. Lúc đầu, thấy vợ nói quá, anh Thân cười giả lả, bỏ qua. Riết rồi anh nổi cáu: “Bà đã nói vậy thì tôi làm vậy cho bà coi!”. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng chị Bảy ghen lồng ghen lộn. Chị thách anh có giỏi thì… chuyển hộ khẩu ra đó! Nào ngờ anh Thân làm thật. Vậy là bỗng nhiên chị Bảy mất chồng chỉ vì thách đố.

Trường hợp thứ ba là Thanh - con gái thành phố, trong khi Bàng, chồng cô từ dưới quê lên học đại học rồi nhập khẩu luôn tại đây. Sống với nhau đã mấy năm mà tính Bàng vẫn thế, rất nông dân, quê mùa; trong khi Thanh diện với đủ thứ quần áo thời trang. Lúc đầu, Thanh cũng muốn “cải tạo” chồng. Cô mua cho Bàng đủ thứ quần Jeans, áo pull nhưng anh không mặc vì “chật và gò bó quá!”. Dần dần, Thanh không muốn xuất hiện bên cạnh chồng trước đám đông vì ngại mọi người xì xào bình luận.  Đến bữa, Thanh nấu mấy món cầu kỳ như cá hấp, thịt chiên nhưng không thấy chồng hào hứng: “Mấy thứ này sao ăn nhạt nhẽo quá!”, cô đâm ra chán nản. Nhưng rồi, có lần Bàng nghe Thanh nói với mấy bà hàng xóm: “Ông xã em vừa quê vừa… đần! Em cố lắm, nhưng chẳng “cải tạo” nổi!”. Tối đó, Bàng đặt trước mặt Thanh tờ đơn ly hôn: “Tôi quyết định giải phóng cho cô!”. Thế là thêm một người vợ nữa mất chồng vì chê chồng.

Các bà vợ thân mến! Đừng vì những lý do lãng xẹt như trên mà để mất chồng nhé!         

           PHƯƠNG NGA