Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu được những kết quả quan trọng và những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng.
Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình cần được quan tâm hơn
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu được những kết quả quan trọng và những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng. Một trong những khuyết điểm đó là chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và các đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.
Thông qua các kênh thông tin, chúng ta thấy rằng hiện nay vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức. Tình trạng thực dụng, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mâu thuẫn nội bộ... vẫn tồn tại trong nhiều cơ quan, công sở. Thực tế này làm giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã gặt hái được nhiều thành công trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đó tạo được sức lan tỏa trong đời sống. Tuy vậy, công tác chống tham nhũng, tiêu cực chưa quyết liệt, mạnh mẽ. Công tác cán bộ có lúc, có nơi chưa thật sự khách quan, công bằng, minh bạch.
Vì vậy, để vấn đề này không trở thành vấn nạn của Đảng, của quốc gia, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình cần được quan tâm, thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, đặc biệt cho cán bộ, đảng viên trẻ cần được chú trọng hơn nữa, bởi đây là lực lượng kế cận sẽ đảm nhiệm sứ mệnh của đất nước.
Anh Đào (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang)
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Coi trọng phát triển nguồn nhân lực
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi thấy báo cáo rất sát với thực tế, có nhiều điểm đột phá. Bên cạnh đó, việc đánh giá tình hình trong nước và thế giới rất khách quan, định ra được chủ trương phù hợp với tình hình hiện tại cũng như thời gian đến.
Tôi đánh giá cao phần dự thảo đề cập đến các giải pháp quan trọng về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tập trung vào các vấn đề như: khắc phục hạn chế để đổi mới mô hình công nghiệp hóa; khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; đổi mới ngành giáo dục dưới góc nhìn khoa học tư duy, khoa học giáo dục để phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tượng chảy máu chất xám trong suốt thời gian dài đã khiến nguồn nhân lực của đất nước bị ảnh hưởng. Ví dụ, có nhiều học sinh giỏi du học ở nước ngoài nhưng số lượng các em về nước rất ít ỏi, vậy nguyên nhân do đâu? Tại buổi đối thoại về giáo dục gần đây, Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu cũng khẳng định, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực; đã chỉ ra giáo dục nước ta đang tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Vừa qua, tôi có tham gia hội thảo về phát triển nguồn nhân lực khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các đại biểu khẳng định, khu vực này là vựa lúa không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực và thế giới, nhưng đây lại là vùng trũng về khoa học, kỹ thuật, nhân lực. Vì thế, gạo Việt Nam khi xuất khẩu luôn ở tốp đầu về số lượng, nhưng giá trị lại luôn thấp hơn các nước.
Theo tôi, dự thảo báo cáo cần bổ sung thêm quan điểm đổi mới mô hình công nghiệp hóa hướng ngoại để Đại hội XII trở thành đại hội mở đường cho nhiều khâu đột phá công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững. Tôi cũng mong muốn dự thảo làm rõ hơn các vấn đề quan trọng khác như quản lý và phát triển đô thị, chú trọng sự thống nhất giữa các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng với việc thực hiện trong thực tế. Trong đó, cần cần coi trọng việc giám sát, thanh kiểm tra.
Thời Đại (phường Tân Lập, TP. Nha Trang)
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Là chủ một doanh nghiệp tư nhân, tôi đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế của đất nước. Vì thế, qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tôi nhận thấy, bên cạnh việc đề cập đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì dự thảo cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, coi khối này là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tôi cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn, tạo nền tảng phát triển kinh tế theo hướng thị trường, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc với nền hành chính công, tôi nhận ra rằng, vẫn còn quá nhiều thủ tục không cần thiết cần phải cắt giảm càng sớm càng tốt. Trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh thân thiện năm 2014, Việt Nam xếp ở nửa cuối của bảng xếp hạng (141/187 quốc gia). WB cũng chỉ ra rằng, thủ tục hành chính rườm rà là yếu tố cản trở đáng kể trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay. Một ví dụ điển hình nữa, ở Singapore mỗi năm doanh nghiệp chỉ cần 84 giờ đóng thuế, trong khi ở Việt Nam phải mất đến khoảng 1.000 giờ.
Vì thế, để giúp khối tư nhân phát triển hơn nữa, tôi cho rằng cần cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp tư nhân có niềm tin, động lực khởi nghiệp thành công.
Thanh Bình (phường Phước Long, TP. Nha Trang)