Một thời gian rất dài trước đây, với tư duy tự chủ về kinh tế, Đảng ta qua mỗi kỳ đại hội đều xác định cơ cấu phát triển kinh tế chung là: Công nghiệp - Nông lâm thủy sản - Dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý. Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành khi xây dựng nghị quyết đại hội cũng xác định cơ cấu kinh tế tương tự.
Một thời gian rất dài trước đây, với tư duy tự chủ về kinh tế, Đảng ta qua mỗi kỳ đại hội đều xác định cơ cấu phát triển kinh tế chung là: Công nghiệp - Nông lâm thủy sản - Dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý. Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành khi xây dựng nghị quyết đại hội cũng xác định cơ cấu kinh tế tương tự.
Khánh Hòa phải đến những năm 2000, hoạt động du lịch mới dần định hình và từng bước khẳng định như một mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ: Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ, du lịch - Nông nghiệp sang thành Dịch vụ, du lịch - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp và giữ nguyên từ đó đến nay. Phương hướng chung phát triển được Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp”.
Trong suốt những năm qua, trong điều kiện độ mở của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn, hòa nhập ngày càng sâu rộng, du lịch và các dịch vụ khác của Khánh Hòa ngày càng phát triển, thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế. Bình quân tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch khoảng 18 - 20%/năm. Đến năm 2019, tổng doanh thu du lịch ước đạt 27.000 tỷ đồng. Việc chuyển dịch cơ cấu này đã huy động được mọi nguồn lực xã hội tập trung cho phát triển du lịch. Nha Trang - Khánh Hòa hiện trở thành một trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy cơ cấu kinh tế quá mở sẽ rất dễ tổn thương khi có biến động. Nguồn khách du lịch không còn, các dịch vụ đi theo không còn. Công nghiệp của tỉnh suốt thời gian qua tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng như: bia, thuốc lá, nước giải khát, may mặc… nên khi kinh tế đình trệ, người lao động chi tiêu dè sẻn, sức tiêu thụ giảm không phanh. Cho dù các doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn có tích trữ từ năm 2019 chuyển qua, nhưng trong quý I/2020, kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng âm với hàng loạt các chỉ tiêu cơ bản bị suy giảm.
Nên chăng, đại hội nên nghiên cứu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng tự chủ hơn, an toàn hơn mỗi khi gặp biến động. Đó là trở lại cơ cấu: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông lâm thủy sản. Nếu theo định hướng này, những quỹ đất còn lại của vùng ven biển Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Vạn Ninh chỉ dùng để kêu gọi, đầu tư phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Có thể nói, nếu như Khu Công nghiệp Ninh Thủy lấp đầy các cơ sở phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu, khu bắc Vân Phong kêu gọi được một nhà đầu tư tầm cỡ như: Vinfast, Trường Hải hoặc Samsung… thì kinh tế của tỉnh sẽ phát triển khác, sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn mỗi khi có biến động.
Cổ nhân ngày xưa có câu: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn”. Xem ra đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Huyền Trân
(Phường Tân Lập, TP. Nha Trang)