Nhiều năm qua, khi tìm hiểu những thông tin về Khánh Hòa trong quá khứ, rất nhiều người đã tham khảo, sử dụng cứ liệu trong cuốn Non nước Khánh Hòa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Say mê với những trang sử của đất nước từ thuở thanh xuân đến khi trăm tuổi, ông đã có 60 đầu sách nghiên cứu về lịch sử, được Hội Sử học Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam.
Nhiều năm qua, khi tìm hiểu những thông tin về Khánh Hòa trong quá khứ, rất nhiều người đã tham khảo, sử dụng cứ liệu trong cuốn Non nước Khánh Hòa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Say mê với những trang sử của đất nước từ thuở thanh xuân đến khi trăm tuổi, ông đã có 60 đầu sách nghiên cứu về lịch sử, được Hội Sử học Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam.
Say mê lịch sử nước nhà
Chúng tôi có dịp gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại hội thảo về Đề đốc Trịnh Phong. Đến hội thảo với trang phục áo dài đỏ truyền thống, nhà nghiên cứu 102 tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ vì sự khỏe mạnh và minh mẫn. Ông đi đứng không phải chống gậy, chưa cần người dìu, đứng đọc tham luận không cần đeo kính, say sưa giải đáp những thông tin liên quan đến Đề đốc Trịnh Phong.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở vùng quê nghèo xứ Nghệ, phải quanh năm vật lộn với miếng cơm, manh áo. Nhưng từ nhỏ, ông đã yêu thích học tập và học rất giỏi. “Ngày đó, có lần tôi đã từng xin cha bán ruộng để lấy tiền đi học. Có lần tôi buộc phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Cảm mến tinh thần học tập của tôi, thầy hiệu trưởng đã kêu gọi giáo viên trong trường góp tiền để giúp tôi được tiếp tục đến lớp. Tôi phải vừa học vừa đi làm thêm ở thị xã Vinh để có tiền ăn học. Rồi tôi bắt đầu viết văn, tác phẩm đầu tiên là cuốn truyện dài Nguyễn Xí. Tiếp đó, tôi viết truyện Dì ghẻ con chồng, Thù chồng nợ nước… đã ít nhiều nhận được sự quan tâm trên văn đàn”, ông nhớ lại.
Dù có khả năng văn chương, nhưng niềm say mê, yêu thích lớn nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từ thuở thanh xuân đến khi trăm tuổi chính là những trang sử của đất nước. Sau năm 1945, ông đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp. Trong thời gian làm ở Ty Điền địa Phú Yên, ông đã có điều kiện để tìm hiểu và hoàn thành nhiều công trình dư địa chí, lịch sử của các tỉnh duyên hải miền Trung với tên gọi chung là Giang sơn Việt Nam. Trong đó, có những công trình như: Non nước Quảng Trị, Non nước Thừa Thiên, Non nước Quảng Nam, Non nước Quảng Tín, Non nước Quảng Ngãi, Non nước Bình Đình, Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận… 2 công trình đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn lúc bấy giờ là Non nước Phú Yên và Non nước Khánh Hòa.
Khi vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư lại tiếp tục cho ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân. Tiếp đó, các bộ sách: Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954); Đường phố nội thành TP. Hồ Chí Minh; Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục; Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) lần lượt được giới thiệu đến công chúng và nhận nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ ông dành 12 năm để tìm kiếm tư liệu, hệ thống lại và hoàn thành. Năm 2018, tác phẩm được trao giải A tại Giải thưởng sách quốc gia lần thứ nhất. Đến đầu năm 2022, ông ra mắt cuốn sách Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698 - 2020).
Chuyện về “Non nước Khánh Hòa”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư kể, giai đoạn những năm 60, chế độ Sài Gòn cũ đã cho các nhà lịch sử, nhà nghiên cứu đi viết về địa chí, lịch sử của các địa phương. Nội dung của những quyển sách này phải theo định hướng có lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ, ông đã có điều kiện để thực hiện việc sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn Non nước Khánh Hòa. Đây là cuốn sách được ông bắt tay vào làm từ năm 1965, đến năm 1969 được Nhà in Sông Lam ấn hành. Ngay trong lời nói đầu của cuốn sách, ông đã thể hiện rõ quan điểm cá nhân: “Với một tấm lòng tưởng nhớ tiền nhân, thương yêu Tổ quốc, tôi viết cuốn Non nước Khánh Hòa này, hy vọng để lại cho hậu thế chút ít tài liệu tham khảo, khi họ muốn tìm hiểu quê hương trong quá khứ… Bạn sẽ thất vọng khi muốn tìm trong cuốn sách này những lời ca tụng, những thành tích vĩ đại của chính quyền, của các cơ quan đương thời…”. Tập sách dày hơn 400 trang, gồm có 3 phần chính: Cảnh đẹp thiên nhiên, Tay người tô điểm, Nguồn lợi kinh tế và phần phụ lục, với tổng cộng 20 chương.
Từ khi ra đời đến tận hôm nay, Non nước Khánh Hòa đã chứng minh được độ tin cậy về nguồn thông tin nên có rất nhiều người sử dụng trích dẫn khi đề cập đến Khánh Hòa trong quá khứ. Điều này phần nào thể hiện trong hội thảo về Đề đốc Trịnh Phong khi có nhiều tham luận, bài phát biểu đã đề cập, trích dẫn thông tin của cuốn sách này.
“Cùng với Xứ Trầm hương của nhà thơ Quách Tấn, cuốn Non nước Khánh Hòa là hai tập sách dư địa chí nổi tiếng về Khánh Hòa. Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu về Nha Trang - Khánh Hòa đã lấy thông tin từ cuốn Non nước Khánh Hòa. Cuốn sách cung cấp cho độc giả nguồn tri thức phong phú về đất và người Khánh Hòa từ thuở xa xưa đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh.
Giang Đình