Từ thuở sơ khai đến nay, Nha Trang vẫn luôn được thiên nhiên ban tặng không gian biển có một không hai, đây là mùa xuân vĩnh cửu của biển. Vì thế, suốt thời gian qua, Nha Trang luôn được nhiều lớp thế hệ tô điểm cho nét xuân này thêm rực rỡ.
Từ thuở sơ khai đến nay, Nha Trang vẫn luôn được thiên nhiên ban tặng không gian biển có một không hai, đây là mùa xuân vĩnh cửu của biển. Vì thế, suốt thời gian qua, Nha Trang luôn được nhiều lớp thế hệ tô điểm cho nét xuân này thêm rực rỡ.
Không gian biển êm đềm một thời
Nha Trang khi còn là những trảng cát mênh mông hoang sơ cách đây hơn 100 năm, thiên nhiên như đã dành tặng cho con người một không gian biển thật êm đềm. Đó là cảnh sắc non xanh nước biếc của chốn giang sơn cẩm tú, vừa lộng lẫy vừa thanh tao, vừa bao la vừa thân thiết. Đó là những dãy núi xa xa vòng cung uốn lượn từ bắc tới nam; nước con sông Cái hiền hòa bắt nguồn từ đại ngàn chảy về biển bồi đắp cho thành phố sắc màu văn hóa sông nước; trên vịnh biển là các dãy đảo xanh với Hòn Rùa, Hòn Yến, Hòn Tre, Hòn Miễu tạo chất thơ cho biển... Có lẽ một trong những người đầu tiên nhận thấy Nha Trang là “thành phố bên bờ biển cả” chính là bác sĩ A.Yersin, khi đầu thế kỷ XX, ông đã quyết định chọn Nha Trang làm nơi sống và làm việc của mình. Chính nhà khoa học yêu thiên nhiên núi đồi, biển cả này đã góp tay đặt những viên gạch để dựng lên các công trình tuyệt tác và khơi nguồn cảm hứng cho các công trình tiếp theo ở thành phố biển.
Người Pháp đã có ý quy hoạch Nha Trang - biển rất bài bản mà đến hơn 100 năm sau vẫn rất chuẩn. Đó là những công trình xây dựng đều cách biển một khoảng cách hợp lý. Lấy Viện Pasteur xây năm 1904 làm chuẩn để từ đây có thêm những công trình, như: khách sạn Grand (nay là Nhà khách T78 - 44 Trần Phú), Beau Rivage (khách sạn Hải Yến), Sở Bưu điện, Sở Công chánh... đều theo quy chuẩn đô thị hướng về đại dương. Trước mỗi công trình có sân vườn rộng, bờ tường rào thanh thoát nhẹ nhàng để đón gió. Nên Nha Trang xưa thật thanh bình, là nơi nghỉ dưỡng biển cho mọi du khách đến đây.
Còn ở phía đông đường Trần Phú (xưa là đường Duy Tân) thì trồng những cây dương, dừa, bàng; làm bờ kè đá; dựng lan can bờ rào tạo công viên xanh trên bãi cát. Mặc dù bờ biển còn hoang sơ nhưng theo quy hoạch ở bờ đông đều rất cẩn thận. Nhiều người sống ở đây lâu năm vẫn nhớ ở ven bãi biển bên những hàng dừa, hàng dương có xây dựng những quầy bar - một dạng quầy giải khát nhỏ để phục vụ du khách đồ uống nhẹ. Nên người Nha Trang xưa vẫn có thói quen lấy những công trình cũ này để nói vị trí trên bờ biển: “Bar số 1” - trước Sở Tài chính; “Bar số 2” - trước đường Yersin; “Bar số 3” - trước đường Lý Tự Trọng… Ngoài quầy bar ra, hoàn toàn không có nhà hàng, quán nhậu, nên bất cứ ai ra biển đều có thể ngắm biển thoải mái, không bị vướng tầm mắt do những công trình nhân tạo mọc lên.
Về công trình “Lầu Ông Tư” ở đầu cầu Trần Phú bây giờ - nay là Nhà khách 378, xưa nơi đây là bán đảo nhô cửa sông Cái và biển. Theo ông Quách Giao - con trai nhà thơ Quách Tấn, người từng ở gần đây kể lại, nơi đây người Pháp xây một lô cốt kiên cố bằng gạch trên nền đá, mỗi cạnh chừng 5 thước tây, chiều cao chừng 11 thước, gồm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu. Năm 1895, sau 4 năm đến đây, bác sĩ A.Yersin đã mua lại, cải tạo thành nhà làm việc thí nghiệm ban đầu. Sau này, khi xây dựng Viện Pasteur, nơi đây làm nhà ở của ông. Như vậy, suốt gần 100 năm, ngôi nhà ở một góc biệt lập Xóm Cồn như điểm đối xứng trên biển với Lầu Bảo Đại phía nam.
Có thể nói rằng, Nha Trang trong quá khứ dù hoang sơ, giản dị nhưng vẫn ngập tràn một không gian xuân của biển nên mới có danh xưng: Thị xã - thành phố thùy dương Nha Trang.
Tạo dựng để không gian đẹp lên mỗi ngày
Từ ngày đất nước giải phóng, bờ biển Nha Trang mới thực sự thay da đổi thịt, thay vì để những bãi cát mênh mông tràn ngập dây muống biển, dây hoa tigôn, bìm bìm bò hoang dại, hoặc các hàng dừa, hàng dương heo hút vắng vẻ. Sau cuộc chỉnh trang tổng thể một cách mạnh mẽ, phía đông đường Trần Phú trở thành công viên biển thực sự. Rồi khi cầu Trần Phú nối liền với bờ bắc cửa sông Cái tạo một con đường biển dài từ Vĩnh Lương tới tận cảng Cầu Đá thì không gian biển Nha Trang mới trọn vẹn là “biển xuân” vĩnh cửu, đưa Nha Trang là “Thành phố bên bờ biển cả rực nắng soi gương” (thơ Huy Cận) đẹp nhất Việt Nam. Cùng với những tòa nhà cao tầng lộng lẫy, nhấp nhô ở phía tây làm cho đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng thành tuyến đường biển sang trọng, bề thế. Nhiều du khách khi so sánh với các nước khác đều công nhận không gian biển Nha Trang không thua kém bất cứ đô thị biển nào trên thế giới. Đó chính là nhờ sự giữ gìn, tôn tạo những mảng xanh thân thiện với môi trường cảnh quan, làm cho dải dọc ven biển là một công viên sinh thái trọn vẹn về mặt mỹ thuật và thiên nhiên hữu tình.
Có thể nói, Nha Trang đang từng bước tạo dựng lại không gian biển quý giá cho cộng đồng, đó là khắc phục những sai sót, thiếu tầm nhìn trước đây. Công chúng rất hoan nghênh với động thái của khu nghỉ mát Ana Mandara dời đi để lại một miền xanh tươi, hay Công viên Phù Đổng, Nhà nghỉ 378 đều đã có phương án trong tương lai nhường lại để làm công viên bờ biển. Riêng với vị trí Nhà nghỉ 378, theo dự kiến khi di dời sẽ xây dựng lại quần thể bảo tàng bác sĩ A.Yersin giống như cũ, để biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch. Khu biệt điện Bảo Đại cũng chỉnh trang lại thành khu tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp và di tích lịch sử. Còn trên bờ biển, những thảm cỏ và hàng cây sẽ phủ xanh tới tận chân sóng xanh của biển.
Nha Trang làm chúng ta nhớ câu thơ của Huy Cận: “Thành phố bên bờ biển cả/Giao duyên giữa biển biếc đất hồng/Như muối chói chang thơm hương nắng đất liền”...
Dương Trang Hương - Vương Mạnh Cường