09:02, 12/02/2021

Từ Rouen, miên man nhớ về quê nhà

Các thành phố của nước Pháp những ngày này nơi nào cũng đẹp, đẹp như những bức tranh với con phố thênh thang, tòa nhà cổ kính, những chiếc lá vàng rơi rụng. Đã 1 năm 4 tháng sống ở Pháp với biết bao cảm xúc vui buồn thời Covid-19, người con xa xứ như tôi chẳng lúc nào bớt nguôi ngoai nỗi nhớ về quê nhà, một nỗi nhớ da diết, miên man...

Các thành phố của nước Pháp những ngày này nơi nào cũng đẹp, đẹp như những bức tranh với con phố thênh thang, tòa nhà cổ kính, những chiếc lá vàng rơi rụng. Đã 1 năm 4 tháng sống ở Pháp với biết bao cảm xúc vui buồn thời Covid-19, người con xa xứ như tôi chẳng lúc nào bớt nguôi ngoai nỗi nhớ về quê nhà, một nỗi nhớ da diết, miên man...


Thời gian... xa ngái


Tháng 9-2019, mùa thu nước Pháp đón tôi bằng những hàng cây lá xanh, lá đỏ, lá vàng rực rỡ trong tiết trời se lạnh. Đã nhiều lần đến Pháp, vậy mà vừa bước xuống sân bay Charles de - Gaulle, tôi vẫn thấy hồi hộp và rạo rực. Paris, thủ đô ánh sáng lúc nào cũng nhộn nhịp với khung cảnh thật lãng mạn. Tòa tháp Eiffel cao 324m sừng sững dưới bầu trời xanh nhạt. Vườn Luxembourg thanh bình với những bức tượng tuyệt mỹ đặt trên bãi cỏ non. Dòng sông Seine thơ mộng đã xanh lại càng xanh hơn. Các công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng nhộn nhịp khách tham quan.

 

Tác giả, người thứ 2 (hàng sau tính từ bên trái) cùng gia đình tại Bảo tàng Louvre, Paris.

Tác giả, người thứ 2 (hàng sau tính từ bên trái) cùng gia đình tại Bảo tàng Louvre, Paris.


Sau hơn 1 giờ ngồi trên ô tô từ Paris, tôi về tới Rouen - thành phố bên bờ sông Seine, thủ phủ của vùng Normandie ở miền Bắc nước Pháp - nơi gia đình con tôi đang sinh sống. Theo kế hoạch, tôi sẽ ở lại nơi này khoảng 1 năm, sau đó trở về Nha Trang. Vậy mà bất ngờ, dịch Covid-19 ập tới, mọi kế hoạch bị đảo lộn. Cũng như tôi, số người Việt kẹt lại Pháp và nhiều nước trên thế giới khá đông. Ngày trở về quê hương xa ngái khi dịch Covid- 19 cứ kéo dài, không biết đến bao giờ kết thúc.


Sống với đại dịch


Khi dịch xuất hiện, hàng ngày, mở mạng đọc báo online để xem tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), tôi thật sững sờ. Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố, gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi. Riêng tôi còn có chút hoảng loạn. Cuộc sống bắt đầu thay đổi. Có những việc lần đầu tiên trong đời phải thực hiện như hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, giới nghiêm, cách ly xã hội, đeo khẩu trang, làm việc trực tuyến... Rouen, thành phố cổ kính - nơi tôi sống đã trở thành vùng báo động đỏ với số người nhiễm và chết vì vi rút corona tăng chóng mặt. Ở Paris hồi tháng 3-2019, show diễn thời trang quy mô lớn bị hủy, tiếp theo đó là giải bán Marathon Paris, dự kiến có 44.000 người tham dự cũng bị hủy. Tôi ngồi trước màn hình ti vi xem Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống mà lòng ngổn ngang. Đợt cách ly thứ nhất ở Pháp, các trường học đóng cửa. Hai đứa cháu ngoại của tôi ở nhà phải mở mạng lấy bài để học. Bị “nhốt” trong nhà nhiều ngày vì phong tỏa, các cháu chỉ “thèm” được ra công viên, đến trường gặp bạn và được... đi nhà hàng. Theo quy định, ai muốn ra ngoài (lý do chính đáng) phải mang theo giấy chứng nhận tự khai, ghi rõ mục đích của việc di chuyển như: Đi làm, đi khám bệnh, đi chợ, thăm người ốm, trông trẻ.

 

Một góc đường phố Rouen về đêm.

Một góc đường phố Rouen về đêm.


Đường phố ở Pháp từ chỗ ken dày xe ô tô bỗng chốc trở về trạng thái vắng vẻ. Người dân từ chỗ từ chối khẩu trang đến chỗ tự giác bước ra khỏi nhà là phải đeo vật dụng này. Ở phương Tây, người dân không muốn sống gò bó, vì vậy khi bị phong tỏa, ai cũng mang tâm trạng chán nản. Muốn đi tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, người dân chỉ được đi trong một giờ và không vượt quá bán kính 1km xung quanh nơi cư trú. Nếu ai không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị phạt 135Euro, tương đương hơn 3,6 triệu đồng.


Thời gian trôi đi, lệnh phong tỏa đợt 1 kết thúc, tưởng dịch Covid-19 sẽ giảm dần, ai ngờ bùng phát trở lại. Nước Pháp bước vào phong tỏa đợt 2. Khác với lần trước, đợt này, các trường học vẫn mở cửa, nhà dưỡng lão vẫn cho người đến thăm, các cơ sở sản xuất và văn phòng vẫn hoạt động bình thường cho dù Chính phủ mở rộng tối đa việc làm việc từ xa. Từ chỗ có 50.000 người nhiễm vi rút corona mỗi ngày đến chỗ con số này còn 5.000. Liệu hết cách ly đợt 2, con số này có tăng trở lại?


Hy vọng bắt đầu le lói khi một số nước, trong đó có Pháp công bố sẽ tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân vào đầu năm 2021. Ngày trở về của tôi liệu có còn xa?


Đêm giao thừa nhớ quê hương da diết


Lần đầu tiên trong đời, tôi đón giao thừa trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Tết năm nay là năm thứ hai tôi đón giao thừa xa nhà. Chẳng phải riêng tôi, con gái tôi sống ở Pháp gần 20 năm cũng có suy nghĩ tương tự. Chỉ cần đi siêu thị châu Á hoặc đặt trên mạng là có ngay chả giò, bánh chưng và một số món ăn khác cho ngày Tết. Vậy nhưng, ở giữa trời Tây, có thứ không thể mua được, đó là không khí Tết - không khí cả gia đình mua sắm Tết, chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, xem chương trình đón xuân, rồi gọi điện cho nhau chúc Tết, rủ người thân đi chơi xuân... Nha Trang lúc này chắc không khí Tết đã ngập tràn…


Ở Pháp, thời điểm Tết ta trúng vào mùa đông, nhiệt độ có khi xuống âm. Trời lạnh giá, lại thêm có dịch Covid-19 nên năm nay người Việt thường chọn phương án ở nhà cho an toàn. Mà ở nhà lại càng nhớ, càng nghĩ về quê hương, nhất là khi vào Khanhhoa Online đọc những dòng tin nóng hổi viết về Tết. Những người bạn Pháp của con tôi thấy tôi ở Pháp lâu ngày nên thường hỏi: “Bà có nhớ Việt Nam không?”. Tôi trả lời ngay: “Tất nhiên là có!”. Làm sao mà không nhớ? Nhớ lắm! Nhớ những buổi sáng khi bình minh bắt đầu, chúng tôi đã ra biển tắm; nhớ những buổi bạn bè gặp nhau, “tám” đủ thứ chuyện, nhớ từng góc phố với tên đường, tên quán quen thuộc, và Tết nữa chứ...


Tôi biết đại dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi và tôi sẽ trở về. Ngày ấy chắc sẽ không xa! Nha Trang - Khánh Hòa, quê nhà của tôi miên man nỗi nhớ, có những nỗi nhớ không thể gọi tên…!


Ngọc Anh